Sau nhiều năm làm phim về vấn đề bảo vệ môi trường, Hollywood có vẻ đã chọn cách khai thác đề tài đúng đắn nhất, bám sát với thực tế và có giá trị cộng đồng hơn.


Trong gia tài phim ảnh đồ sộ của mình từ trước đến nay, Hollywood không thiếu những dòng phim bom tấn lấy đề tài về bảo vệ môi trường. Thế nhưng, đa phần trong số đó đều mang đến bối cảnh con người phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên như lũ lụt, động đất, sóng thần,…Nhiều chuyên gia phê bình cho rằng, tuy mang mác là những bộ phim khai thác về vấn đề môi trường và mong con người có ý thức bảo vệ hơn nhưng suy cho cùng những bộ phim ấy vẫn đang đổ lỗi cho thảm họa thiên nhiên, điều mà con người không thể điều khiển.
 

Chẳng hạn có thể kể đến một số bom tấn lớn như The Handmaid’s Tale, The Day After Tomorrow, Snowpiercer, Tenet…khai thác về những siêu thảm họa. Những hiện tượng như lũ lụt, ngập nặng, băng tan hay trái đất nóng lên là điều mà nhiều người trên trái đất đã từng trải qua hay cảm nhận được rõ rệt hằng ngày. Tuy nhiên khi đưa vào phim, những hiện tượng này đều được miêu tả trong một tương lai rất xa hoặc bị biến tướng một thảm họa rất kinh khủng nhưng không thể liên hệ với thực tế. Đơn cử như 2012, bộ phim hội tụ tất cả những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất nhưng chỉ đơn giản là lấy ý tưởng từ ngày tận thế trong bộ lịch của người Maya. Bên cạnh đó, còn có The Happening lại biến thực vật thành “kẻ phản diện” khi chúng tiết ra chất độc để trả thù con người.
 

Nhìn chung, có giai đoạn điện ảnh Hollywood thu được rất nhiều tiền từ các bộ phim lấy đề tài thảm họa, bởi chúng vô cùng kịch tính và mãn nhãn về mặt nội dung lẫn hình ảnh.  Tuy nhiên họ vẽ nên một khung cảnh đen tối, đáng sợ của môi trường sống trên trái đất trong tương lai nhưng không làm cho người xem nhận thức hay quan tâm đến việc con người mới là nguyên nhân chính và cần hành động gì ngay từ hôm nay.

Số ít trong những bom tấn làm đúng tinh thần và truyền tải được thông điệp về môi trường phải kể đến Avatar. Bộ phim lấy bối cảnh vào năm 2154, khi con người khai thác khoáng vật quý giá tại hành tinh giả tưởng Pandora, đe dọa sự sống của bộ tộc người bản địa. Thông qua hình tượng bộ tộc Na’vi, đạo diễn James Cameron muốn kêu gọi việc ngăn chặn xây dựng các con đập thủy điện để bảo vệ thiên nhiên hoang dã và môi trường sinh sống của các bộ lạc thổ dân tại cùng Amazon.
 

Theo đó, bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật tại Peru, khi người dân bản địa cầm giáo mác – loại vũ khí thô sơ để ngăn cản các công ty mang máy bay, máy móc lớn đến để khai thác khoáng sản, phá vỡ hệ sinh thái và không gian sống của họ.
Có thể nói, tuy Avatar thành công vang dội và có được doanh thu tỷ đô nhờ có công nghệ làm phim 3D đi trước thời đại nhưng thứ khiến bộ phim được đánh giá cao hơn cả chính là câu chuyện cảm động, dễ dàng tạo sự đồng cảm, gần gũi với cuộc sống hiện thực.  Trong quá khứ, những bộ phim về đề tài này và bám sát thực tế đã từng xuất hiện. Chẳng hạn như Chinatown (1974) hay Promised Land (2012) khai thác về việc con người vì lợi ích đồng tiền mà bất chấp các thủ đoạn khai thác, tàn phá, xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, bối cảnh cũ kĩ và nội dung được truyền tải một cách nặng nề nên các bộ này chỉ tạo được sự ghi nhận chứ không tạo tiếng vang tại các phòng vé.
 

Ngược lại, Avatar với cùng một thông điệp nhưng với cách truyền tải hiện đại, mới mẻ đã được công chúng đón nhận và ấn tượng sâu sắc về việc tôn trọng và bảo tồn môi trường sống của chính mình. Với sự trở lại của Avatar phần 2, đạo diễn James Cameron cũng cho biết, đây tiếp tục sẽ là “là câu chuyện ngụ ngôn về các mối đe dọa sinh thái” và hứa hẹn duy trì thông điệp này với các phần phim sau. Với thành công được bảo chứng qua nhiều năm của Avatar, cách khai thác phim đề tài môi trường bám sát với bối cảnh hiện thực sẽ là xu hướng đúng đắn mà các nhà làm phim Hollywood lựa chọn trong tương lai.