Khai thác từ thành công của manga, Nhật Bản đã phát triển được nhiều dòng phim mới. Trong đó, live-action đang dần trở thành xu hướng mới của làng điện ảnh Nhật Bản, được kỳ vọng sánh ngang anime.

Live-action là dòng phim được chuyển thể từ những bộ truyện tranh nổi tiếng, do người thật đóng, với sự trợ giúp của công nghệ đồ hoạ giúp “hiện thực hoá” các nhân vật giả tưởng. Hiện nay, dòng phim này đang được Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, dần chiếm tỷ lệ lớn trong nền điện ảnh của xứ sở hoa anh đào. Trong đó có nhiều tác phẩm được đánh giá thành công vượt trội, thu về tiếng vang lớn như Dead Note (2006),  Anohana (2015), Black Butler (2014)… 

Nếu như tại Mỹ, truyện tranh thường gắn liền với siêu anh hùng, yếu tố giả tưởng pha kinh dị, siêu nhiên thì tại Nhật Bản, truyện tranh lại là một thế giới đa chiều, với vô vàn thể loại và xu hướng khác nhau. Vì vậy, dòng phim live-action Nhật Bản cũng thu hút đa dạng công chúng hơn. Tất cả các tác phẩm được lựa chọn chuyển thể đều bắt nguồn từ những manga nổi tiếng, sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, có nhiều yếu tố sát với hiện thực cuộc sống. Điển hình như One Piece (Vua hải tặc), dù đã trải qua một phần tư thế kỉ, sức hấp dẫn của manga này vẫn vẹn nguyên trong lòng người hâm mộ. Tháng 7/1997, tác giả Oda lần đầu tiên ra mắt công chúng trên tạp chí Weekly Shonen Jump. Chỉ 5 năm sau đó, số lượng One Piece bán ra đã đạt 100 triệu bản, xác lập kỷ lục “bộ truyện tranh bán chạy nhất mọi thời đại”.

Hầu hết phim chuyển thể từ manga đều được đầu tư kỹ lưỡng về diễn viên, kịch bản và bối cảnh. Khác với anime hay manga, dòng phim live-action đưa người xem đến gần với sự chân thực hơn. Nói cách khác, các tác phẩm này giúp “hiện thực hoá” thế giới tưởng tượng của người đọc nhưng thêm một số tình tiết mới nhằm tăng hứng khởi cho người xem, hạn chế yếu tố phi lý. Ngoài người hâm mộ nguyên tác, các bộ phim live-action còn hướng đến nhóm khán giả yêu phim ảnh nói chung. Họ có thể thoải mái đắm chìm trong mạch phim mà không cần phải đọc manga hay tìm hiểu nhân vật từ trước.

Những năm trở lại đây, dòng phim live-action dần cho thấy thế mạnh của mình, mang về lợi nhuận khủng cho các hãng phim Nhật Bản. Năm 2021, bộ phim chuyển thể từ manga Tokyo Revengers của Ken Wakui đã cán mốc 4,38 tỷ yên (39,42 triệu USD) doanh thu phòng vé chỉ sau 12 tuần công chiếu, trở thành bộ phim người thật có doanh thu cao nhất trong năm, vượt qua cả đối thủ nặng kí Rurouni Kenshin: The Final (4,32 tỷ yên, 38,88 triệu USD). Tuy phải rời lịch công chiếu vì Covid-19 nhưng tác phẩm này vẫn được công chúng đón nhận và dành nhiều lời tán dương.

Theo Keiko Takemiya - hoạ sĩ nổi tiếng chuyên vẽ truyện tranh dành cho thiếu nữ Nhật Bản - nhận định, manga là “thế giới tưởng tượng”, quan trọng tính hiện thực hơn tính chân thực cuộc sống. Đôi khi nhân vật, tình tiết, cốt truyện được xây dựng tách biệt hoàn toàn khỏi thực tế. Ngay cả khi những bộ phim live-action có thể mô phỏng từng chi tiết trong manga, người xem vẫn có thể dễ dàng nhận ra những “vết nứt” không phù hợp giữa thế giới giả tưởng và đời thực. Các bộ phim chuyển thể muốn tăng khả năng thành công bắt buộc phải chia thành series, hoặc lược bớt những hành động, chi tiết phi lý, tăng tốc hoặc thay đổi sự kiện không phù hợp với hiện thực. Điều này không dễ dàng thực hiện, nếu làm sai cách có thể khiến mạch phim xa rời nguyên tác. Năm 2015, bản live-action Attack on Titan (Đại chiến Titan) của đạo diễn Higuchi Shinji cũng vấp phải nhiều lời chê trách do tự ý loại bỏ Levi – nhân vật được yêu thích nhất phim và thay bằng Shikishima - một gương mặt lạ lẫm không hề có trong nguyên tác.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của một tác phẩm live-action đó là dàn diễn viên. Khác với truyện tranh Mỹ, manga Nhật Bản rất chú trọng khai thác, thể hiện cảm xúc nhân vật, thậm chí thường diễn tả quá mức bằng những biểu tượng không thể nhìn thấy ngoài đời thực. Với thể loại đề cao tính chân thực như live-action, diễn viên phải rất xuất sắc mới có thể bộc lộ được hết mọi khía cạnh của một nhân vật ảo, được khắc hoạ đa chiều.

Theo nhận định của Ellen Seiter - Chủ tịch Nghiên cứu Truyền hình của Stephen K.Nenno tại Đại học Nam California: “Quy ước của anime/manga là có rất nhiều nhân vật chính và họ có những phản ứng bùng nổ theo kiểu đã được quy ước hóa... Thật khó để biết làm thế nào một diễn viên có thể miêu tả chân thực điều đó mà không bị quá lố.” Người đóng live-action cũng cần phải có ngoại hình gần giống nguyên tác, nếu không sẽ dễ dàng thất bại ngay từ khi chưa công chiếu, giống như Dragon Ball: Evolution (Mỹ sản xuất năm 2009), Guyver (Mỹ sản xuất năm 1991)…

Đối với các nhà làm phim, dòng phim live-action như một “vùng đất màu mỡ” có tiềm năng khai thác lớn. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công vang dội của manga, anime, muốn phát triển dòng phim mới này đòi hỏi yêu cầu cao hơn về chất lượng. Vì vậy các nhà làm phim cần phải thật sự cẩn trọng trong việc chọn lựa đề tài, diễn viên và cách khai thác nội dung chuyển thể.