Việc Unicorp mất đi bản quyền cử thí sinh đi tham gia Miss Universe đã khiến người hâm mộ trong nước lẫn cả những khán giả yêu thích sắc đẹp quốc tế phải bất ngờ và “nói chuyện về nhiều”. Sự thay đổi này chắc hẳn sẽ phần nào khiến cán cân trong cuộc chơi nhan sắc ở Việt Nam có những sự biến động nhất định.


Đối với những khán giả quan tâm đặc biệt tới các cuộc thi nhan sắc trong nước thì Sen Vàng và Unicorp được xem là hai công ty lớn mạnh cũng như quyền lực nhất ở cuộc chơi này. Nếu như Unicorp có thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ năm 2008 cùng quyền cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe, Sen Vàng cũng cạnh tranh quyết liệt không kém khi phối hợp tổ chức Hoa hậu Việt Nam với Báo Tiền phong bên cạnh những cuộc thi riêng sau này như Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Vietnam) hay Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam). Sen Vàng đồng thời còn là đơn vị nắm bản quyền gửi đại diện Việt Nam chinh chiến tại đấu trường quốc tế với 3 trên 5 cuộc thi trong hệ thống Grand Slam là Miss World, Miss InternationalMiss Grand International.

Thị trường sắc đẹp Việt Nam trong nửa thập kỷ qua chứng kiến sự thống trị gần như hoàn toàn của hai đế chế này, tuy nhiên “miếng bánh” đó sẽ phần nào thay đổi khá nhiều trong thời gian tới, khi Unicorp đã không còn là đơn vị nắm giữ bản quyền Miss Universe ở Việt Nam nữa. Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chính là đơn vị mới giữ trọng trách cử đại diện Việt Nam tới Miss Universe từ năm 2023. CEO của công ty này là Top Model - Hoa khôi Lan Khuê còn người giữ vị trí Giám đốc Quốc gia là Quỳnh Nga - một MC của VTV và cũng từng tham gia các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia như Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016 hay Miss World Vietnam 2019

Từ hai đế chế là Sen Vàng và Unicorp, rất có thể Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sẽ là đế chế thứ ba tạo nên nhóm Big 3 trong thị trường sắc đẹp Việt Nam. Dù là một cái tên mới nhưng Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được sở hữu và ủng hộ tài chính bởi doanh nhân Đường Thu Hương - người đã bỏ ra 2 triệu đô la Mỹ để nắm bản quyền Miss Universe ở Việt Nam trong vòng 4 năm. Ngoài ra những cái tên đứng đầu của công ty này như Lan Khuê (CEO), Quỳnh Nga (Giám đốc Quốc gia) hay Thúy Nga (Đại diện) đều đã ít nhiều có kinh nghiệm trong thị trường sắc đẹp Việt Nam. Với bộ sậu như thế này thì sẽ không quá bất ngờ khi Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sẽ là một thế lực mới cạnh tranh trong thị trường sắc đẹp nước nhà cùng Sen Vàng và Unicorp. 

Dẫu đã tổ chức thành công và tạo dựng nên thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ năm 2008, nhưng không thể phủ nhận rằng Unicorp có được tiếng vang với cuộc thi của mình nhờ vào danh tiếng của cuộc thi mẹ Miss Universe. Việc mất đi bản quyền cử đại diện đến với Miss Universe là một sự mất mát lớn, ít nhất là về mặt truyền thông của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nói riêng và Unicorp nói chung. Các cuộc thi cấp quốc gia có tiếng khác như Senorita Colombia hay Binibining Pilipinas cũng đều vướng phải sự khó khăn này khi mất đi bản quyền cử thí sinh tham gia Miss Universe, dù họ đều là những cuộc thi được đánh giá là số 1 ở Colombia và Philippines. 

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn sẽ được Unicorp tổ chức vào năm 2023 và theo đồn đoán của người yêu thích sắc đẹp nước nhà, nhiều khả năng người chiến thắng của cuộc thi này sẽ đại diện Việt Nam tại sân chơi Miss Supranational (Hoa hậu Siêu Quốc gia).

Do bản quyền của Miss Supranational đang được đồng sở hữu bởi Unimedia - “anh em” của Unicorp, thế nên việc chuyển đổi bản quyền cũng có phần dễ dàng hơn. Bằng không có lẽ người chiến thắng của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sẽ “ở nhà” cho đến lúc Unicorp sở hữu một bản quyền cuộc thi quốc tế nào đó ngoài bộ ba của Sen Vàng và cuộc thi cũ Miss Universe