Chỉ vài ngày sau khi phát hành trên nền tảng Netflix, bộ phim Queen Charlotte nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng lượt xem trên toàn cầu và trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của công chúng trên mạng xã hội. Queen Charlotte vốn chỉ là một phần ngoại truyện kéo dài 6 tập viết về nhân vật phụ Nữ hoàng Charlotte trong series nổi tiếng Bridgerton. Thế nhưng, nhiều khán giả nhận định đây là phần phim hay nhất của series so với 2 phần chính thức đã được ra mắt trước đó cũng trên Netflix.

Bên cạnh sức hút về bối cảnh tuyệt đẹp cũng như lối sống trang nhã “có cốt cách, có tinh thần" của giới quý tộc và Hoàng gia Anh trong kỷ nguyên nhiếp chính. Bridgerton kể những câu chuyện tình yêu lay động lòng người với thông điệp cuối cùng rằng thứ có sức mạnh phi thường nhất, giúp con người ta vượt qua mọi khổ đau, đồng thời có được hạnh phúc chính là tình yêu.

Queen Charlotte cũng mang thông điệp đẹp đẽ như thế khi khắc hoạ câu chuyện tình yêu vượt mọi quy chuẩn, đầy hy sinh và đợi mong giữa một vị vua của đế chế Anh quốc mắc bệnh về tâm thần cùng vợ của ngài nữ hoàng Charlotte. Hơn thế nữa, bộ phim còn lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật giữa vua George Đệ tam và nữ hoàng Charlotte. Tuy 2 người có một cuộc hôn nhân do Hoàng gia sắp đặt, chỉ gặp nhau lần đầu vài tiếng trước khi lễ cưới diễn ra nhưng họ lại yêu nhau say đắm và chứng minh bằng 15 người con. Nhưng cuộc tình lại có phần trầm buồn không dứt vì vị vua sớm mắc bệnh, dần quên hết mọi thứ rồi đắm chìm vào thế giới của riêng ngài.

Nhưng đó không phải là điều duy nhất người ta nói về Queen Charlotte! Ngay khi vừa được công chiếu, bộ phim cũng hứng chịu những chỉ trích vì cho rằng có chi tiết không hợp lý đối với lịch sử. Đó là để một diễn viên da màu đóng vai Nữ hoàng nước Anh, một hình ảnh hiếm có và quá xa lạ đối với mọi hình dung và hiểu biết của nhiều người về Hoàng gia Anh ở thế kỷ 18, vốn luôn khắc nghiệt và nhạy cảm về sắc tộc.

Ngay từ đoạn mở đầu, nhà sản xuất đã đề cập rằng mọi chi tiết và nhân vật đều là sản phẩm của sáng tạo, chỉ lấy cảm hứng từ lịch sử, mong khán giả chỉ đơn giản là tận hưởng. Thế nhưng vẫn có bộ phận cho rằng việc blackwashing (làm đen hoá) Vương hậu là không cần thiết đối với một bộ phim giải trí.

Tuy nhà làm phim có vẻ đang "rào trước:" nhưng nhiều khán giả xem phim vẫn nhận ra thông điệp lớn mà họ muốn lồng ghép. Từ câu nói "cuộc thử nghiệm vĩ đại" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần xuyên suốt bộ phim nói đến cuộc hôn nhân giữa hai con người khác nhau về màu da đến những đề cập về sự tự do của phụ nữ, bình đẳng sắc tộc. Bộ phim dường như mang đến một thế giới mới, bình thường hoá sự đa dạng sắc tộc và tôn vinh mọi vẻ đẹp dù khác biệt nhau. 

Nhờ tập trung vào ý tưởng lớn nhân văn mà nhẹ nhàng, không giáo điều nặng nề. Queen Charlotte được khán giả chấp nhận và yêu thích. Cơ bản họ từ từ nhận ra sắc tộc nào cũng có vẻ đẹp riêng và không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho cái được gọi là đẹp hay thanh lịch. Nếu có thì cũng không nằm ở vấn đề màu da.

Dưới nền là một câu chuyện tình yêu cảm động, màu da của Charlotte dường như càng làm cho thông điệp của bộ phim có sức thuyết phục và có có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn về bình đẳng sắc tộc. Đây có thể xem là một nỗ lực quá thành công của nhà sản xuất và biên kịch trên hành trình định hướng và thay đổi mọi định kiến từ trong tiềm thức của công chúng.

Thực tế thành công của Queen Charlotte có thể được xem là một kết quả bước đầu có được kế thừa từ rất nhiều cuộc thử nghiệm trước đó đến từ các nhà làm phim thuộc các thể loại cũng như thời điểm khác nhau. Chẳng hạn có thể kể đến Get Out, Black Panther, Moonlight, The Help, Django Unchained, Mudbound,...Tuy nhiên đó là những bộ phim mang tính hàn lâm mà người xem tiếp cận với tâm thế đã chuẩn bị từ trước về vấn đề sẽ được đề cập. Bộ phận lớn người chịu thưởng thức và châm nghiệm là những người chủ động tìm đến phim để xem.

Còn đối với những tác phẩm mang tính đại chúng hơn, có vẻ lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có thể kể đến sự thất bại thảm hại về mặt doanh thu và đánh giá của khán giả của bản live-action (bản chuyển thể người thật đóng từ tác phẩm phim hoạt hình) của Cinderella do Sony Pictures sản xuất. Theo đó, nhân vật Lọ Lem vốn được biết đến là một cô gái da trắng tóc vàng trong chiếc váy xanh nay được Camila Cabello - nữ ca sĩ da màu đóng chính. Nhân vật bà tiên đỡ đầu cũng được thể hiện bởi nam diễn viên da màu Billy Porter.

Ngoài ra phải kể đến các trường hợp đến từ Disney - hãng phim đã và đang nỗ lực trong việc đa dạng hoá sắc tộc trong các tác phẩm của mình. Và, họ cũng không thể tránh khỏi những khó khăn đến từ phản ứng của người xem. Đơn cử như bộ phim Peter Pan and Wendy chuyển thể từ phim hoạt hình Peter Pan đình đám. Những tưởng một bộ phim tuổi thơ của nhiều thế hệ sẽ có được sự đón nhận dễ dàng nhưng bộ phim cũng bị phản đối và không có doanh thu xứng tầm với danh tiếng. Bở lẽ, nữ diễn viên đóng vai nàng tiên Tinker Bell là một diễn viên da màu. 

Tình huống diễn ra tương tự đối với phim điện ảnh Pinocchio công chiếu vào năm 2022, khán giả cũng hết sức ngỡ ngàng với hình ảnh Cô Tiên Xanh khác xa trong trí nhớ. Nhân vật được thể hiện bởi nữ diễn viên có làn da nâu Cynthia Erivo. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua trường hợp của Nàng Tiên Cá Ariel với phiên bản live - action đang được công chiếu, nhưng ngay từ khi công bố nữ diễn chính là nữ diễn viên kiêm ca sĩ Halle Bailey - người sở hữu làn da sậm màu khỏe khoắn cùng mái tóc tết đậm đà bản sắc Châu Phi. Trong khi bản phim hoạt hình kinh điển năm 1989 thì Ariel sở hữu làn da trắng ngần và mái tóc đỏ rực đã tạo nên tuổi thơ của nhiều thế hệ. Không chỉ là những lời phản đối, chê bai, công chúng còn tạo ra trào lưu hashtag #NotMyAriel trên mạng xã hội để gây áp lực với Disney, yêu cầu họ thay đổi nữ diễn viên chính.

Có thể nói trên thực tế, làn sóng chỉ trích, tẩy chay của khá giả đại chúng đối với các bộ phim blackwashing (đen hoá) các nhân vật kinh điển không phải do kỳ thị hay phân biệt chủng tộc. Một bộ phim muốn thành công còn phải dựa vào độ tương thích của kịch bản, năng lực của đạo diễn, diễn viên hay thời điểm phát hành…

Thực chất, đại đa số cho biết lý do chính là việc lựa chọn những diễn viên da màu đóng những nhân vật vốn đã mang tính biểu tượng là điều không cần thiết. Chưa kể các tác phẩm phim đó còn có bản gốc chuyển thể từ truyện cổ tích phương Tây, nên những điều chỉnh khiến tác phẩm trở nên phi lý, xa rời thực tế.

Mặc khác, khán giả cũng cho rằng, nền văn hoá của những người da màu hay bất kì dân tộc nào trên thế giới cũng có những câu chuyện riêng có thể khai thác để đưa vào phim ảnh. Việc lựa chọn người da màu cũng trở nên logic hơn và bản thân các diễn viên da màu cũng thoải mái, thể hiện thế mạnh bản thân tốt hơn. Thậm chí còn giải quyết được bài toán về ý tưởng, mang đến cảm giác mới mẻ cho người xem.

Hiện tại, khán giả vẫn chia làm hai luồng ý kiến. Vẫn có không ít người ủng hộ cách làm của các nhà sản xuất phim thời đại mới. Đó có thể bắt đầu từ những tác phẩm dành cho trẻ thơ, để xây dựng cái nhìn đa sắc từ khi quan điểm về cái đẹp hay lối sống nhân văn còn đang được hình thành.

Suy cho cùng những gì trở thành kinh điển cũng có một thời kỳ ban đầu lạ lẫm với công chúng. Nhưng nhờ có câu chuyện hấp dẫn và thông điệp tốt đẹp chạm đến trái tim, chúng được yêu mến và tôn thờ. Cũng giống như các thế hệ yêu mến những công chúa trong phim hoạt hình vì họ thông minh, dũng cảm, không ngần ngại phá vỡ quy tắc để tìm kiếm tình yêu chứ không phải vì họ có da trắng, tóc vàng. Vậy nên màu da không phải là yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim hay phá vỡ chân lý tốt đẹp nào.

Đối với những tác phẩm phim ảnh đại chúng, dường như ngoài chức năng giải trí chúng còn sở hữu sứ mệnh cao đẹp hơn. Dựa vào sự dễ tiếp cận và sức lan tỏa của mình, những tác phẩm như Queen Charlotte hay The Little Mermaid có thể từ từ bình thường hóa hình ảnh đa sắc tộc trên màn ảnh, để rồi chuyển hoá nó trong đời sống thật, nơi mọi người yêu quý và trân trọng mọi nền văn hoá và màu da khác nhau mà không còn bất kì định kiến hạn hẹp nào.