Cách đây vài năm, những nghề được gọi như KOC, TikToker hay Reviewer dường như "không có trong từ điển" của nhiều người. Thời điểm đó, mặc dù mạng xã hội phát triển, người ta vẫn chỉ biết đến các YouTuber hay những Influencers có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với chuỗi bài viết nội dung cùng video về lối sống, phong cách thời trang, trải nghiệm mua sắm cá nhân… nhằm mục đích chia sẻ là chính.

Dần dà, từ sự phổ biến và sức ảnh hưởng của họ đối với người dùng trên mạng xã hội, các nhãn hàng tìm đến đề nghị hợp tác để quảng bá dịch vụ, sản phẩm. Từ đó, nghề KOL (những người có chuyên môn trong một số lĩnh vực và có sức ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định) ra đời và được nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nghề KOL bắt đầu phải nhường "sân khấu" lại cho những KOC, TikToker review bởi sự phát triển bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, TikTok live và thói quen mua sắm online ngày càng phổ biến sâu rộng hơn.

KOC là từ viết tắt của cụm từ Key Opinion Consumer, dịch ra là "người tiêu dùng chủ chốt". Nói rõ hơn, họ cũng là những người tiêu dùng như chính chúng ta nhưng lại có sức hưởng trên thị trường nhờ vào xây dựng thương hiệu và nổi tiếng trên mạng xã hội. Họ thường dùng thử sản phẩm, dịch vụ có mặt trên thị trường, sau đó đưa ra nhận xét, đánh giá cá nhân của mình mang tính chuyên môn, khách quan nhất. Có thể kể đến một số cái tên KOC điển hình được nhiều người biết đến như Châu Muối, Call Me Duy, Ông Giáo Review...

Đặc biệt, mọi sự lựa chọn, trải nghiệm, đánh giá sản phẩm của KOC sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ công ty hay tổ chức truyền thông nào cũng như không theo hợp đồng, kịch bản có sẵn từ thương hiệu. Do đó, mà KOC được rất nhiều người dùng tin tưởng tham khảo trước khi lựa chọn trải nghiệm một dịch vụ, sản phẩm nào đó. Đồng thời, những dịch vụ hoặc sản phẩm được các KOC uy tín đánh giá tích cực cũng được mặc định là sản phẩm tốt và bùng nổ doanh thu.

Đơn cử như KOC V.H.L, cô có những video review chân thực, khen chê thẳng thừng các sản phẩm mỹ phẩm cũng như các quán ăn thậm chí là của sao hạng A như Trấn Thành, Trường Giang. Cô nàng KOC này từng khiến một nhà hàng lâu năm, nổi tiếng tại Huế phải ra thông báo tạm đóng cửa để kiểm tra lại chất lượng món ăn.

Ngoài ra, cô còn tạo ra "lịch sử" khi trong một giờ livestream bán hàng trên TikTok cô không chỉ khiến trang bị sập vì lượt truy cập người dùng quá đông cùng một lúc mà còn giúp nhãn hàng mình hợp tác bán hết sản phẩm của 1 kho và 2 nhà máy. Điều này chứng minh sức ảnh hưởng của KOC trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay lớn đến mức nào.

Nhờ vào những tính chất trên mà KOC thành nghề có lợi cho chính họ và nhãn hàng. Nhãn hàng có được tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng cao, doanh thu tăng; còn KOC nhận được sự tín nhiệm cùng số tiền "hoa hồng" đáng kể. Nhiều KOC được cộng đồng mạng ưu ái đặt cho những danh xưng như "chiến thần", "hung thần", "thánh" review để bày tỏ sự tín nhiệm của họ. Vừa kiếm được nhiều tiền, vừa có danh tiếng và sức ảnh hưởng không thua kém ai, nhiều bạn trẻ quyết định theo đuổi nghề KOC, review sản phẩm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những KOC hay reviewer thật sự với mục đích giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tốt, nhãn hàng liên tục cải thiện chất lượng. Thì cũng có những KOC chỉ nhắm đến sự nổi tiếng để kiếm được nhiều tiền. Từ đó, bất chấp sản xuất những video review mang tính chất gây tranh cãi, "dìm" nhãn hàng.

Qua rồi thời của những review khen để thu hút người dùng vốn đã quá nhiều, các reviewer tìm mọi cách để được chú ý chỉ còn cách đi ngược lại số đông, tạo ra tranh cãi, tự xưng mình là "thánh review", "review xéo xắt" rồi nội dung chỉ toàn chê và chê thậm tệ để chứng tỏ độ chân thật, khó tính của mình. Nhiều video thậm chí còn không ngần ngại đặt tên video review là "Quyết tâm đạp đổ chén cơm của quán ăn đến cùng" vô cùng phản cảm, gây kinh ngạc cho người xem.

Có thể kể đến một TikToker review gần đây đã đăng tải video đến ăn quán Sà Bì Chưởng đã không ngần ngại mở đầu: "Cuối cùng cũng đến ngày này, đây là quán mình ngại review nhất vì nhiều trẻ trâu lắm các bạn ạ". Suốt video là những lời nhận xét hết sức phiếm diện của cá nhân này về món ăn tại quán. 

Nói về vấn đề này, Độ Mixi một streamer nổi tiếng cũng là chủ quán ăn này cho biết ngay từ đầu đã thấy người ta muốn phát ngôn gây sốc để thu hút người xem. Hiện, những người làm quán ăn như anh rất sợ các bạn reviewer, nhưng nếu hỏi có muốn các bạn đến không anh vẫn muốn. Tuy nhiên, có những reviewer chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà review chủ quan, sai sự thật ảnh hưởng đến quán làm anh cảm thấy sợ hơn là muốn.

Quyền lực và hào quang ảo của nghề KOC không chỉ che mắt những ai mới vào nghề mà còn xảy ra với chính những người đã làm lâu năm, có tiếng. Ngay chính KOC V.H.L người từ trước đến nay luôn được tin tưởng cũng phạm sai lầm khi cô lấn sân sang review đồ ăn. Cô và ê-kíp phải nhận về sự phản đối mạnh mẽ khi thể hiện thái độ chê bai, khua đũa trong món ăn. Không chỉ có hành động thiếu tôn trọng đối với món ăn và người làm ra nó, những nhận xét của cô còn được cho là phiến diện khi khẩu vị ăn uống của mỗi người là khác nhau. Chưa kể còn có khác biệt về đối tượng khách hàng, văn hóa địa phương lẫn đặc trưng của mỗi nhà hàng.

Hậu quả của các video trên lớn đến mức, V.H.L - người từng tự tin mình luôn công tâm đến mức không sợ anti-fan đã phải lên tiếng xin lỗi. Cô nói: "Em đã ngạo mạn nói rằng mình sẽ tự lập một group anti, nhưng đến ngày hôm nay, em đã có hàng loạt group anti với những con số rất là lớn, em đã đọc kỹ các bình luận và các bài đăng trong các group anti. Bản thân em khi bước chân vào nghề review, em luôn tâm niệm, bản thân mình nếu review đúng thì sẽ không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm nhưng đến giờ phút này, em biết rằng, việc review quán ăn là hoàn toàn sai vì khẩu vị ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền, điều này sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh của các quán.

Qua video này, em muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả quán ăn mà em đã đánh giá không tốt. Nhân đây, em cũng xin thông báo, em sẽ ngưng hẳn việc review quán ăn. Riêng về mảng mỹ phẩm, em xin mọi người cho phép em được giữ sự chân thật khi review. Bản thân em khi trải nghiệm một sản phẩm mà sản phẩm đó không tốt em cũng không thể nào làm video khen được".

Thực tế, các quán ăn được V.H.L hay TikToker kể trên làm review chưa gặp thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải đóng cửa nhưng đó không phải là tất cả. Nhiều nhãn hàng, cửa hàng, quán ăn... kém may mắn hơn phải chịu thua lỗ vì sụt giảm doanh thu, thậm chí ngừng kinh doanh vĩnh viễn vì các review "bẩn" như thế không thể đếm hết.

Có thể nói thêm, hiện tại hành lang pháp lý của Việt Nam chưa có quy định cụ thể để bảo vệ nhãn hàng hay chủ hộ kinh doanh trước những đánh giá chủ quan, sai sự thật từ người khác. Hơn nữa, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ tỉnh táo và lựa chọn dựa trên trải nghiệm của mình. Suy cho cùng, khen chê một vấn đề cũng chỉ tốt khi với mục đích giúp nó cải thiện thật sự, nếu phải khiến nhãn hàng hay chủ hộ kinh doanh sụp đổ thì đó là điều không nên làm.  

KOC, Reviewer là nghề xu hướng, tuy nhiên vẫn là nghề quá mới mẻ. Bên cạnh đó, hiện tại ở Việt Nam cũng chưa có trung tâm hay tổ chức nào đào tạo kiến thức, kĩ năng và lương tâm nghề nghiệp bài bản dành cho nghề KOC. Do đó, các KOC tay ngang cũng khó mà giữ được mục đích nghề nghiệp tốt đẹp ban đầu - luôn làm nghề lành mạnh và đúng đắn mà không vấp ngã từ chính trải nghiệm thực tế. Đó cũng chính là bài học dành cho người tiêu dùng, thay vì tin tưởng 100% vào KOC, TikToker hay Reviewer trên mạng xã hội mà hãy xem tất cả thông tin từ họ như một yếu tố tham khảo thêm và lựa chọn dựa trên sự tìm hiểu kĩ càng và đánh giá trực tiếp của riêng mình.