Dưới dòng chảy của sự phát triển, nhạc Việt cũng hội nhập với những thể loại mới và phong cách mới từ âm nhạc quốc tế. Liệu nhạc Việt còn giữ được chất riêng và khéo léo lồng ghép chất liệu văn hóa truyền thống?


Dưới dòng chảy của sự phát triển, nhạc Việt cũng hội nhập với những thể loại mới và phong cách mới từ âm nhạc quốc tế. Liệu nhạc Việt còn giữ được chất riêng và khéo léo lồng ghép chất liệu văn hóa truyền thống?

Trong vài năm trở lại đây, nhạc Việt chứng kiến sự trỗi dậy của những dòng nhạc mới như hiphop/rap, EDM, indie… tạo nên sự mới mẻ, sôi động và đa dạng cho thị trường âm nhạc. Chính vì thế, những tác phẩm mang xu hướng quốc tế, hiện đại ra đời, chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi những nền âm nhạc lớn trên thế giới như Anh - Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… khiến cho thị trường âm nhạc Việt trở nên bão hòa với nhiều tác phẩm có giai điệu tương đồng, phong cách, lời ca gần giống nhau.

Trong làn sóng tìm về chất liệu truyền thống, lịch sử của nhạc trẻ Việt, không thể thiếu gương mặt đi đầu xu hướng này - Hoàng Thùy Linh. Mở đầu là ca khúc Bánh trôi nước lấy cảm hứng từ bài thơ Bánh trôi nước của Bà Huyện Thanh Quan. Tiếp đó, cô đã làm mưa làm gió tất các bảng xếp hạng âm nhạc với Để Mị nói cho mà nghe. Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động. Kết hợp với MV khai thác chất liệu văn hóa từ các tác phẩm văn học Việt như Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ nhặt, … đã “chạm” được cảm xúc của khán, thính giả.

Không dừng lại ở đó, Hoàng Thùy Linh đã cho ra mắt album Hoàng với hàng loạt các ca khúc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian một cách khéo léo, mới mẻ, đầy cuốn hút và ghi dấu ấn trên bản đồ âm nhạc quốc tế.

Trong khi đó, ca sĩ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) chọn nghệ thuật hát xẩm dân tộc với mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Hà Myo đã cùng với nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương cho ra mắt MV "Xẩm Hà Nội" với sự kết hợp độc đáo, ít ai ngờ tới giữa xẩm, rap và EDM.

Hai thể loại này kết hợp với xẩm tạo thành bản nhạc độc đáo, vừa có chất xẩm dân gian, vừa có chất rộn ràng của rap đường phố và sự cuồng nhiệt của dòng nhạc của EDM, tạo nên phong cách riêng của nữ ca sĩ trẻ.

Những thành công của nghệ sĩ trẻ thời gian qua cho thấy, chất liệu lịch sử, văn học là kho “trầm tích” vô cùng quý giá, vừa tạo nên bản sắc của nhạc Việt, vừa dễ được công chúng, nhất là thế hệ trẻ đón nhận. “Ca dao, tục ngữ, lời ru, những tác phẩm văn học… đều là chất liệu và nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật và cơ hội để truyền bá văn hóa cho thế hệ trẻ”, Thịnh Kainz, thành viên nhóm DTAP – người đứng sau bản hit Để Mị nói cho mà nghe chia sẻ.

“Những ca khúc mang hơi hướng truyền thống rất dễ nghe. Nhiều khi chúng khiến tôi nhớ lại những bài học lịch sử, văn học thời học sinh” – chia sẻ của một bạn sinh viên yêu âm nhạc.

Điểm thu hút được nhiều đối tượng khán giả nằm ở việc các ca khúc không chỉ đơn thuần “bê” nguyên chất liệu truyền thống, lịch sử vào tác phẩm, mà thổi vào đó không khí thời đại hôm nay. Từ đó, tạo được sự thân thương, quen thuộc với công chúng ở mọi lứa tuổi bởi tác phẩm vừa mang âm hưởng dân gian, lịch sử, truyền thống nhưng vừa mang hơi thở hiện đại, xu hướng.

Ngoài ra, việc sử dụng chất liệu truyền thống, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới không chỉ ở riêng Việt Nam. Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, người từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ hiện nay khai thác chất liệu này rất đúng đắn và có cơ hội bước ra thế giới.

“Tuy nhiên, thời gian qua, các nghệ sĩ trẻ chỉ tận dụng được phần nhỏ vốn quý của dân tộc và thể hiện ở bề nổi. Từ kho “trầm tích” luyện thành “kim cương”, đòi hỏi tài năng của nghệ sĩ. Họ phải biết chắt lọc những tinh chất đắt giá và kết hợp thông minh với tinh hoa nhân loại để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhận định.

Có thể thấy rằng, âm nhạc Việt đang trong thời đại phát triển nhưng việc lưu giữ, phát triển và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn cần được duy trì và phát huy giữa thời kỳ hội nhập văn hóa. Chính vì thế những nhà sáng tạo, nghệ sĩ trẻ cần tìm hướng khai thác kho trầm tích sâu sắc, chất lượng hơn để từ đó tạo ra những đột phá, vươn lên tầm cao mới.