Nhà bà Nữ là bộ phim tiếp theo đánh dấu sức ảnh hưởng của Trấn Thành đối với điện ảnh Việt. Thế nhưng tác phẩm nhận không ít tranh cãi về ngôn ngữ làm phim của đạo diễn trẻ.


Thị trường phim Tết năm 2023 ghi nhận sự thành công lớn của phim Việt với sự vượt trội về doanh thu của 2 tác phẩm nội địa Nhà bà Nữ (Trấn Thành) và Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng) so với 5 bộ phim ngoại còn lại. Trong đó phải đặc biệt nói đến kỷ lục của phim Nhà bà Nữ. Theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị khảo sát phòng vé độc lập, thường chênh lệch 15-20% so với doanh thu thực tế cuối cùng) tính đến ngày 29/1, doanh thu của Nhà bà Nữ đã ghi nhận con số hơn 220 tỷ đồng, với hơn 4500 suất chiếu và lượng vé bán ra mỗi ngày trong giai đoạn cao điểm. Tác phẩm của Trấn Thành được dự đoán sẽ chạm mốc kỷ lục 300 tỷ đồng khi khi rời rạp trong thời gian tới.
 

Năm 2021, Trấn Thành thắng lớn với Bố già tác phẩm điện ảnh đầu tiên tham gia với vai trò đồng đạo diễn. Với câu chuyện về tình thương và mâu thuẫn thế hệ trong gia đình, Bố già thành công khi là phim Việt hiếm hoi khai thác những góc khuất hằng tồn tại trong mỗi gia đình, chạm đến cảm xúc và sự đồng cảm của đa phần khán giả Việt. Với Nhà bà Nữ, Trấn Thành cho thấy anh rất tâm đắc với đề tài này và tiếp tục khai thác nó với một câu chuyện khác.
Nếu tác phẩm Bố già tái hiện xung đột trong một gia đình thiếu bóng dáng người phụ nữ thì lần này, Nhà bà Nữ lại khai thác câu chuyện của một gia đình thiếu vắng người đàn ông trụ cột gia đình. Phim khắc họa cuộc sống thường nhật của gia đình bà Ngọc Nữ (Lê Giang) – chủ quán bánh canh cua đông khách. Bị chồng bỏ rơi, bà một mình gồng gánh chuyện làm ăn, việc gia đình, chăm lo mẹ già và nuôi nấng 2 con trưởng thành.
Với thất bại trong hôn nhân và mất niềm tin vào đàn ông, bà Nữ dạy dỗ 2 con gái theo cách cực đoan. Thế nhưng khi đứa con gái trưởng của bà là Ngọc Như (Khả Như) lại kết hôn với một người chồng bất tài, khù khờ, ham mê rượu chè là Phú Nhuận (Trấn Thành), bà Nữ càng trở nên bất mãn hơn và đặt toàn bộ kỳ vọng lên cô con gái út Ngọc Nhi (Uyển  n) vì sợ con đi theo vết xe đổ của mình và chị gái. Bà Nữ tìm mọi cách để bao bọc và kiểm soát cuộc sống của con từ đó dẫn đến những mâu thuật và xung đột gay gắt diễn ra hằng ngày trong gia đình.
Không chỉ những vấn đề được đề cập và lời thoại khiến khán giả đang là phụ huynh nhói lòng qua nhân vật bà Nữ mà nhân vật Ngọc Nhi cũng tạo được sự đồng cảm sâu sắc. Cô đại diện cho một bộ phận các bạn trẻ Gen Z, sinh ra và lớn lên trong kỳ vọng của và kiểm soát của cha mẹ với nhân danh tình tương mà mình không thể chối bỏ.
 

Câu chuyện được dẫn dắt dưới lời tự sự của nhân vật Ngọc Nhi và những chuyển biến tâm lý của cô. Đây là cách kể chuyện thường thấy trong các tác phẩm phim của Trấn Thành nhưng vẫn rất hiệu quả và dễ hiểu. Song song đó và các mảng miếng gây cười, giải trí được lồng ghép một cách tự nhiên.
Có thể nói lựa chọn tiếp tục đào sâu vào mâu thuẫn gia đình là một lựa chọn thông minh của đạo diễn, bởi nó dễ dàng chạm đến nỗi đau của mỗi bậc làm cha mẹ, của con cái. Bên cạnh đó, câu chuyện còn được diễn ra trong bối cảnh một khu tập thể chật hẹp, đông đúc nơi phố thị. Sự bức bối về không gian sống lẫn áp lực từ mưu sinh đè nặng lên dáng vẻ và cuộc sống của những cư dân ở đó được lột tả chân thật trong các cảnh phim. Theo dõi bộ phim, nhiều khán giả tìm thấy hình ảnh và nỗi niềm của bản thân được phản chiếu trong nhân vật. Với Nhà bà Nữ, Trấn Thành một lần nữa thành công trong việc tìm đến “điểm chạm cảm xúc” của người xem.
 

Dàn diễn viên Nhà bà Nữ tập hợp những cái tên gạo cội như NSND Ngọc Giàu, NSND Việt Anh và các gương mặt diễn viên đang có danh tiếng và sức ảnh hưởng như Trấn Thành, Lê Giang, Khả Như, Song Luân và đặc biệt là diễn viên trẻ Uyển  n. Về mặt diễn xuất, đa phần khán giả đánh giá các diễn viên đều thể hiện ở mức tròn vai, tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch lớn về năng lực diễn xuất và khả năng dẫn dắt cảm xúc giữa diễn viên gạo cội và diễn viên trẻ. Song Luân và Uyển  n thực tế vẫn còn nhiều phân cảnh gượng gạo, thiếu tự nhiên.
Tuy nhiên, không phải diễn xuất của dàn diễn viên mà ngôn ngữ làm phim của ekip Nhà bà Nữ mới là vấn đề mà công chúng bàn đến nhiều nhất. Đội ngũ làm phim đã tỏ ra rất cố gắng tiếp thu góp ý của khán giả và sáng tạo khi cố gắng khai thác nhiều góc quay đa dạng và mới lạ hơn. Màu sắc phim tươi sáng, mang không khí ngày tết và có nhiều sắc thái điện ảnh hơn.
 

Đáng tiếc ngôn ngữ làm phim cần nhiều hơn những góc quay, hình ảnh, diễn xuất chi tiết nhiều dụng ý hơn. Nhưng Nhà bà Nữ lại ngập trong thoại. Từ Bố già đến Nhà bà Nữ, Trấn Thành vẫn thích cách truyền tải vấn đề bằng thoại hơn là bằng hình ảnh. Bộ phim không cho khán giả đủ không gian và thời gian lặng vừa đủ để tổng hợp, cảm nhận, tự đặt cho mình những câu hỏi và chiêm nghiệm vấn đề. Lời thoại dùng để giải thích còn nhiều hơn vấn đề được đặt ra.
Bất kể khi nào nhân vật xuất hiện, họ lại bắt đầu thoại. Hơn nữa, những câu thoại lại quá giông dài, song song với nó là các soundtrack (nhạc phim) còn gượng ép dẫn dắt, mồi chài cảm xúc người xem khiến nhiều phân đoạn trở nên “ồn ào” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Biến cố đến với nhân vật cũng được cho là dễ đoán, thường thấy trong các bộ phim Việt về đề tài gia đình, tình yêu cho thấy đội ngũ biên kịch Nhà bà Nữ bí ý tưởng tạo ra nút thắt và giải quyết vấn đề.
Sau khi khuấy đảo phòng vé và có lượng lớn khán giả đã xem phim, Nhà bà Nữ gần đây lại vấp phải một số tranh cãi vì để nhân vật chửi thề quá nhiều. Phim bắt đầu bằng những tiếng chửi từ nhẹ đến nặng của nhân vật chính bà Nữ như “mẹ mày”, “thằng chó”, “đĩ mẹ”...Không chỉ nữ chính mà các nhân vật như Ngọc Như (Khả Như) và Nhuận (Trấn Thành), thậm chí là cô con út Ngọc Nhi (Uyển  n) cũng liên tục có những phân đoạn chửi thề không cần thiết xen kẽ từ đầu đến cuối tác phẩm không tránh tạo cho khán giả cảm giác khó chịu.
Nhiều khán giả cho rằng, đây có thể là dụng ý tạo tiếng cười của phim. Nhưng việc có quá nhiều tiếng chửi thề vô nghĩa để đổi lấy nụ cười không phải lúc nào cũng hiệu quả. Hơn nữa, bộ phim vô tình khắc họa xấu đi hình ảnh người lao động ở Sài Gòn nói riêng và làm giảm giá trị văn hóa của người Việt nói chung. Tuy điện ảnh hiện đại đã cởi mở và tiệm cận sâu sắc với đời sống, khiến khán giả chấp nhận tiếng chửi thề trên phim. Việc lạm dụng quá nhiều trong một bộ phim Tết thu hút nhiều gia đình, nhiều thế hệ đến xem lại trở thành nỗi băn khoăn của khán giả.

Ngược lại, có những khán giả lại đánh giá bộ phim “đời 100%”, bởi không phải ai cũng được sinh ra trong môi trường tốt. Đây là những câu chuyện, cuộc đối thoại diễn ra hằng ngày ở những khu lao động, mức sống thấp, học vấn không cao. Những người từng ở trong hoàn cảnh sống này sẽ hoàn toàn đồng cảm với bộ phim. Thực tế, những bộ phim giành giải lớn quốc tế nhờ vào việc lột tả, bóc tách triệt để điều này.
Trấn Thành bày tỏ thoại ít hay nhiều không ảnh hưởng đến tính điện ảnh của tác phẩm mà phụ thuộc vào dụng ý của người đạo diễn muốn truyền tải ra sao. Về vấn đề chửi thề, anh giải bày “Phim về chủ đề cha mẹ khắc nghiệt mà không cho họ chửi con, về tầng lớp lao động, bán buôn mà không cho sử dụng khẩu ngữ và những lời nói thường ngày của họ, thì tôi cũng chẳng biết phải cho nhân vật của tôi nói gì cho đúng!"
Nhìn chung, đối với các nhà phê bình hay khán giả đánh giá mực thước, Nhà bà Nữ có thể chưa là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa hay xứng tầm với danh tiếng và doanh thu. Tuy nhiên, đối với khán giả đại chúng bộ phim vẫn chứa đựng thông điệp xã hội nhân văn, giá trị cùng với nhiều tiếng cười đan xen, vẫn là một tác phẩm phù hợp cho gia đình cùng nhau xem và chiêm nghiệm. Thành công về mặt doanh thu của Nhà bà Nữ cũng được cho là “mở bát” may mắn cho điện Ảnh Việt năm 2023.
Ngoài ra, Nhà bà Nữ là bộ phim đầu tiên mà Trấn Thành đảm nhận hoàn toàn vai trò là đạo diễn. Anh là một đạo diễn tay ngang và anh vẫn còn nhiều thứ phải cải thiện và học hỏi. Tuy nhiên, với tài năng, tâm huyết và sự nghiêm túc của vị đạo diễn trẻ, khán giả hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có các tác phẩm xuất sắc hơn ra đời trong thời gian tới.