Việc King of Rap kết hợp cùng Giọng hát Việt nhí để tổ chức mùa giải đặc biệt Hiphop On Stage, dành cho đối tượng thí sinh từ 8 đến 16 đã lại làm dấy lên cuộc tranh cãi về mục đích của các TV Show nhí, vốn đã là vấn đề được đem ra “mổ xẻ” từ rất lâu rồi.


Sản xuất những TV Show với phiên bản cho đối tượng trẻ em được xem là cách chớp thời cơ thông minh của những nhà sản xuất- khi họ đã có sẵn tiếng vang từ phiên bản người lớn và phần trăm để phiên bản nhí tạo được thành công cũng không hề nhỏ. 

Từ năm 2003, những chương trình thi thố cho thiếu nhi đã xuất hiện với “đầu tàu” là American Juniors - sân chơi phiên bản nhỏ tuổi và chung nhà sản xuất với American Idol, Simon Fuller. Chương trình này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả khi thu hút tới 11,9 triệu lượt xem ở ngay tập mở màn. Một chương trình truyền hình thực tế khác là America’s Got Talent, dù không dành riêng cho thiếu nhi nhưng lại cho phép những cô bé, cậu bé được phép cạnh tranh sòng phẳng với người trưởng thành. Kỷ lục về thí sinh nhỏ tuổi nhất của chương trình là vào mùa 13 với cô bé 5 tuổi Sophie Fatu. Ngoài ra, các thí sinh nhí ở America’s Got Talent cũng rất được khán giả yêu quý khi có 3/15 người chiến thắng nhỏ hơn 13 tuổi. Ngay cả quán quân đầu tiên Bianca Ryan tới giờ vẫn giữ danh xưng “quán quân nhỏ tuổi nhất”, khi lên ngôi năm 11 tuổi.

Ở Việt Nam, chương trình Đồ Rê Mí ra đời vào năm 2007 chính là một trong những chương trình đầu tiên và nổi tiếng nhất dành cho đối tượng thiếu nhi. Dù đã ngừng sản xuất từ năm 2015, chương trình vẫn ghi dấu ấn với 9 mùa sản xuất và là sân chơi thú vị vào mỗi dịp hè cho lứa tuổi từ 4 đến 8. Giai đoạn bùng nổ nhất của các TV Show nhí tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2013 với hàng loạt chương trình từ thi thố về nghệ thuật như Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol Kids, MasterChef Junior Việt Nam cho đến các chương trình thi tài về kiến thức như Trẻ em luôn đúng hay Nhanh như chớp nhí. Sự đa dạng này mang lại cho truyền hình nước nhà thêm nhiều màu sắc, người xem có thêm nhiều lựa chọn còn thế hệ thiếu nhi cũng có nhiều “đất diễn” để thể hiện tài năng của mình hơn.

TV Show phiên bản nhí là “một miếng phô mai béo ngậy” mà bất kỳ nhà sản xuất truyền hình nào cũng không thể bỏ qua. Khi phiên bản người lớn dần đi vào lối mòn và trở nên kém thu hút thì là lúc phiên bản nhí ra đời, để thể hiện tiềm năng của mình. So sánh về lượt người xem của MasterChef phiên bản Hoa Kỳ, nếu con số cao nhất của phiên bản người lớn là 5,84 triệu lượt xem ở mùa 3 thì phiên bản nhí trội hơn hẳn với 6,3 triệu lượt xem ở mùa 2. Hay như ở Việt Nam thì Giọng hát Việt nhí, Nhanh như chớp nhí cũng thu về hàng triệu lượt xem trên YouTube sau mỗi tập.
 

Không thể phủ nhận những thành công đáng kể mà TV Show nhí mang lại cho nhà sản xuất cũng như giá trị tinh thần của nó cho khán giả, nhưng việc xuất hiện quá nhiều cùng mục đích của một số chương trình bị “biến tướng”, khiến người xem khó lòng mà không đặt ra những câu hỏi thắc mắc. Vấn đề này đã xuất hiện từ khi các TV Show nhí bùng nổ và nó được lôi ra để bàn tán khi phiên bản nhí của King Of Rap xuất hiện. 

Đa số khán giả đều cho rằng King Of Rap tổ chức phiên bản nhí là một điều không cần thiết. Liệu những cô bé, cậu bé mới 9, 10 tuổi đầu liệu sẽ rap về vấn đề gì và rap ra sao. Từ ví dụ của King Of Rap, lại có thêm vấn đề nữa về các TV Show nhí phải mang ra để bàn luận - “chín ép” trẻ em. Nhiều TV Show nhí đang làm cho hình ảnh thiếu nhi trở nên người lớn quá mức bởi trang phục, trang điểm cũng như hình tượng mà người lớn hướng cho các bé. Vấn đề này liên tiếp bị nhắc tới và ngay cả một chương trình đã tiết chế rất nhiều như Đồ Rê Mí cũng không thoát khỏi sự chỉ trích này. 

Mọi người hay nhắc đến những lý do như trẻ em tham gia TV Show nhí chỉ là “nhân vật phụ” để người lớn drama với nhau (như trong chương trình Model Kids Vietnam) hay ảnh hưởng chuyện học hành, sức khỏe khi phải dậy sớm, thức khuya luyện tập rồi quay hình. Những lý do trên cũng là phần đúng để phản đối các TV Show nhí. Nhưng quan trọng hơn cả, đối tượng trẻ em khi bị cuốn vào vòng quay thi thố sẽ rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Nhiều người trong chúng ta hẳn đã không ít lần nghẹn lòng khi chứng kiến thí sinh nhí nào đó phải rời cuộc chơi trong buồn bã và tiếc nuối. Điển hình cho trường hợp này là Rachel Crow ở The X Factor USA mùa đầu tiên. Dù đã lên tiếng rằng “cháu ổn dù kết quả có ra sao”, nhưng khi nghe tin mình bị loại cô bé 13 tuổi đã đổ gục xuống sân khấu, khóc nức nở và chỉ bình tĩnh lại khi có sự động viên của mẹ cũng như ban giám khảo. Đoạn video về màn loại của cô bé thu hút tới hơn 2,5 triệu lượt xem trên YouTube và đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của truyền hình Hoa Kỳ vào năm 2011. Đó còn là chưa kể việc các em còn bị “ném đá” bởi những “anh hùng bàn phím” hung hãn, làm tinh thần ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tác giả Mrunal trên trang parenting.firstcry.com nhận định trong bài viết The Dark Side Of Kids’ Reality TV Shows That Nobody Wants Parents To Know rằng: “Dạy trẻ em chấp nhận sự thất bại và đón nhận điều tích cực từ nó là điều nên làm. Nhưng việc thực hiện nó trên sóng truyền hình quốc gia bằng cách bị từ chối ở các cuộc thi là điều không hay chút nào”.

“Các TV Show đặt ra áp lực rất lớn đối với những người tham gia phải thực hiện tốt mọi lúc. Trẻ em không thể đối phó với căng thẳng này và điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần” - ý kiến khác từ trang Group Discussion Ideas. 

Giống như bao vấn đề khác,việc có nên ủng hộ TV Show nhí hay không vẫn còn là câu chuyện nan giải và gây ra nhiều tranh cãi. TV Show nhí tốt hay xấu, cần thiết hay vô bổ, nên cổ vũ sản xuất hay cấm triệt để...câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm riêng của từng người. Nhưng hy vọng rằng, các nhà sản xuất cũng như phụ huynh hãy xem và hướng TV Show nhí đến tinh thần tốt đẹp nhất của nó, đúng với tiêu chí “sân chơi”, chứ đừng dùng con trẻ để thực hiện hóa những tham vọng của mình.