Bắt nguồn từ câu chuyện siêu lừa đảo gây xôn xao của một cô gái trẻ, cụm từ “thao túng tâm lý” trở nên vô cùng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Đối với nhiều người, đây chỉ là một cụm từ để câu nói thêm phần thú vị, hài hước nhưng chính vì cách sử dụng bừa bãi, không đúng hoàn cảnh đã khiến không ít người xem vấn đề “thao túng tâm lý” chỉ là một trò đùa.
 

Tháng 9 vừa qua, các nền tảng mạng xã hội Việt Nam xôn xao với câu chuyện một gia đình giàu có bị một cô gái trẻ lừa hàng chục tỷ đồng. Nạn nhân của cô gái này lên đến vài trăm người. Giữa những thắc mắc lý do vì sao một cô gái 27 tuổi lại có thể thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt với nhiều người và nhiều lần các nạn nhân cho rằng họ đã bị cô gái này “thao túng tâm lý”. Theo đó, cô gái sử dụng nhiều thủ thuật trong giao tiếp để có được sự tin tưởng, đồng cảm, thương xót từ người khác để chiếm đoạt tài sản và họ hoàn toàn tự nguyện thực hiện.
Câu chuyện này làm người ta nhớ đến các phi vụ chấn động tương tự ở nước ngoài như “tiểu thư dựng chuyện” để gia nhập giới thượng lưu như Anna Sorokin hay “tỷ phú siêu lừa đảo” Elizabeth Holmes. Trong đó các nhân vật cũng sử dụng thủ thuật “thao túng tâm lý” để thực hiện mục đích của mình. Từ đó mà thuật ngữ này càng được mọi người tin tưởng giải thích cho câu chuyện này. 
 

Tuy vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng nó nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng và cụm từ “ thao túng tâm lý” bắt đầu được sử dụng rộng rãi, tràn lan và trở thành “hot trend” mới mà giới trẻ ưa chuộng.
Dạo một vòng trên các nền tảng mạng xã hội, không thiếu những câu nói kiểu như “bỗng nhiên thích bài hát này quá, hay tôi bị nam ca sĩ này thao túng tâm lý rồi”, “mưa gió thao túng tâm lý khiến tôi không muốn đi làm”, “túi tiền trống rỗng nhưng vẫn tự thao túng tâm lý bản thân để sống sót đến cuối tháng”, “thao túng tâm lý con bạn thân để được mua trà sữa”, “dạo này thấy yêu bạn gái đến lạ, hay mình bị cô ấy thao túng tâm lý rồi nhỉ?”…
Không chỉ những bạn trẻ Gen Z tỏ ra thích thú hơn cả với câu nói đùa mới này mà đến cả người lớn mà còn là nhân vật nổi tiếng cũng nhanh chóng “bắt trend” và có nhiều câu nói tương tự với nhiều tình huống khác nhau. Chưa bao giờ những điều diễn ra trong cuộc sống xung quanh lại “thao túng” mọi người nhiều đến vậy.
 

“Thao túng tâm lý” hiện tại đang được cộng đồng mạng, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu là những hành động, lời nói có thể thương lượng, thuyết phục, sai khiến người khác làm theo ý mình. Bên cạnh đó, người bị thao túng giống như bị thôi miên, “tẩy não” làm theo mọi yêu cầu hoặc bỗng nhiên yêu thích đối phương một các vô thức, chính họ cũng không nhận ra. Theo cách hiểu này, dường như việc “thao túng tâm lý” người khác và việc bị thao túng đối với nhiều người cũng không có gì quá to tát, thậm chí khá thú vị khi có thể điều khiển người khác chiều theo ý mình.
Thực tế, thuật ngữ “thao túng tâm lý” có tên tiếng Anh là “gaslighting” có nguồn gốc từ một tác phẩm điện ảnh cùng tên Gaslight được công chiếu năm 1944. Trong bộ phim, nhân vật người chồng dùng nhiều thủ đoạn, đa số là lời nói để thuyết phục vợ rằng cô đang mắc bệnh, hành động sai trái. Bằng cách dẫn dắt suy nghĩ và cảm xúc của vợ mình, người chồng dễ dàng khiến cô cảm thấy bản thân thật tệ hại và đầy tội lỗi.
Ngày nay, “thao túng tâm lý” cũng như “gaslighting” trở thành một thuật ngữ chuyên ngành trong tâm lý học để chỉ về một thủ thuật nhằm mục đích kiểm soát, gây ảnh hưởng quá mức đến tâm lý người khác để mang lại lợi ích cho cá nhân mình. Thậm chí, trong một số trường hợp, sự thao túng này diễn ra một cách không có chủ đích nhưng tác động của nó đến nạn nhân là vô cùng lớn. 
Theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt, người “thao túng tâm lý” người khác thường thực hiện các hành vi khiến người khác nghi ngờ về niềm tin và mọi ý nghĩ, quyết định của mình. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết, lạm dụng tinh thần có thể gây thiệt hại tương tự các hành động bạo lực, lạm dụng thể chất bởi chúng đều gây ra cảm giác bị hạ thấp lòng tự trọng và có khả năng dẫn đến trầm cảm như nhau. Hơn nữa, hành động này có thể xuất hiện ở bất cứ môi trường nào, đối với bất cứ ai. Hơn nữa, họ có thể là những người thân trong gia đình, người yêu, bạn bè, cấp trên, đồng nghiệp…vì vậy mà nạn nhân thường không có chút phòng vệ nào trong những trường hợp này.
Người bị “thao túng” thường bị bóp méo, bạo lực tinh thần và cảm xúc trong thời gian dài, bị mất đi quyền lợi hay đặc quyền nào đó mà không hề hay biết bản thân là nạn nhân, cho đến khi họ bùng nổ và đứng trước những quyết định tiêu cực nhất.
Có thể nói, nếu được hiểu một cách chính xác thì “thao túng tâm lý” là một vấn đề không hề đơn giản và càng không nên mang ra làm trò đùa. 
Thoạt nghe, nhiều người có thể cho rằng việc giới trẻ đề cập đến cụm từ này nhiều hơn là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nhiều người đã và đang quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình. Nhưng thực tế, cụm từ này chỉ đang xuất hiện như một “hot trend” và mọi người sử dụng một cách vô thức.
Khi nhiều người không hiểu chính xác thế nào là “thao túng tâm lý”, họ có thể thực hiện những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần những người xung quanh mình. Chẳng hạn như một cô gái cố tình khóc lóc, giả bệnh, nói lời trách móc nặng nề với tần suất liên tục để được bạn trai chiều chuộng. Hay nghiêm trọng hơn có thể là hành vi vi phạm pháp luật như cô gái “siêu lừa đảo” kể trên. Đó là chưa kể ngày nay còn xuất hiện các khóa học “thao túng tâm lý” để dạy và luyện tập cách thao túng hay điều khiển người khác dễ khiến họ trở thành người phạm pháp. Bởi pháp luật nước ta không cho phép hành động đi điều khiển suy nghĩ, tâm lý người khác để trục lợi cá nhân.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Đại Học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) chia sẻ nếu sử dụng việc “thao túng tâm lý” như một trò đùa thì cũng có nhiều nguy cơ bởi nếu mọi người thực hiện hành động này một các vô thức, tự nhiên mà không biết rằng nó sai trái là điều không nên.
Ban đầu người thực hiện chỉ có mục đích là vui nhưng khi hiểu sai, lạm dụng có thể dẫn đến đánh giá thấp các vấn đề sức khỏe tinh thần, tệ hơn cổ xúy và xem nhẹ việc thao túng tâm lý người khác.Quan trọng hơn, việc dùng thường xuyên và bừa bãi khiến nhiều người quen dần với việc “thao túng tâm lý”, nhưng thực chất nó là một căn bệnh tinh thần nghiêm trọng, dễ dẫn đến trầm cảm mà người bệnh cần có sự giúp đỡ từ người thân, cộng đồng và được bác sĩ chữa trị bài bản.
 

Trong những năm gần đây, cộng đồng đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân, ưu tiên việc tôn trọng, cân bằng cảm xúc và suy nghĩ cá nhân hơn. Đồng nghĩa, những cụm từ thuật ngữ chỉ về vấn đề hay căn bệnh tâm lý như “trầm cảm”, “sang chấn tâm lý”, “OCD”( rối loạn ám ảnh cưỡng chế),…được biết đến và đề cập với tần suất nhiều hơn. Nhưng cũng giống như cụm từ “thao túng tâm lý”, đa số các bạn trẻ sử dụng các cụm từ này không đúng trường hợp hoặc bản thân họ không hiểu chính xác về chúng.
 

Điều này không chỉ gây nên việc xem nhẹ các căn bệnh hay vấn đề tâm lý mà còn khiến những người trực tiếp mắc phải các căn bệnh hay vấn đề này cảm thấy mặc cảm, xấu hổ hơn về bản thân mình. Họ không dám bày tỏ câu chuyện hay vấn đề của mình bởi không ai xem trọng chúng hoặc không muốn bị mang ra làm trò đùa.
 

Có thể nói sử dụng cụm từ “thao túng tâm lý” tràn lan thực chất một trong số rất nhiều trào lưu xuất hiện mỗi ngày trên nền tảng mạng xã hội. “Trend” là một thứ hấp dẫn, thú vị với bất kỳ ai và cũng là thứ quyết định nội dung của các nhà sáng tạo nội dung số. Do đó các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu vô tri hay độc hại là điều không thể tránh khỏi. Theo chuyên gia, muốn một bạn trẻ không đi theo xu hướng độc hại, hời hợt thì trong đời sống tinh thần và hoạt động giải trí phải có sự cân bằng. Tức là tham gia nhiều hoạt động khác nhau hoạt động xã hội, thể thao, khóa học kỹ năng,… để có thể làm chủ mình trong mọi hoàn cảnh.