Qua rồi thời kì đỉnh cao của các bộ phim cổ trang Trung Quốc, những tác phẩm phim ảnh cùng thể loại đến từ Hàn Quốc mới thật sự chiếm sóng các màn ảnh nhỏ tại châu Á hiện tại.


Những năm gần đây, phim cổ trang Hàn Quốc trở thành thể loại phim quen thuộc đối với các khán giả Việt Nam và châu Á. Trong đó có thể kể đến một số bộ phim ghi dấu sâu đậm như Mây họa ánh trăng, Luyến mộ, Vương triều xác sống, Cổ tay áo màu đỏ, Hoàn hồn…và gần đây nhất là Dưới bóng trung điện. Những bộ phim này không chỉ gây sốt tại thị trường nội địa mà còn chinh phục khán giả nước ngoài khi chiếu song song tại các nền tảng phát phim trực tuyến như Netflix.
 

Tác phẩm đầu tiên dẫn đến bước ngoặt cho phim cổ trang Hàn Quốc phải kể đến phim truyền hình Nàng Dae Jang Geum gây sốt vào năm 2003. Trước đó, Hàn Quốc đã làm phim cổ trang từ rất lâu nhưng dưới vị thế lấn áp của các bộ phim cổ trang Trung Quốc, các tác phẩm của họ chưa đủ sức bức phá ra khỏi biên giới. Sau đó từ Truyền thuyết Jumong (2007) , Sungkyunkwan Scandal (2010),…rồi đến Mặt trăng ôm mặt trời (2012), Hoàng hậu Ki(2013), Mặt nạ quân chủ (2017)…lần lượt chứng tỏ sức hấp dẫn từ các bộ phim cổ trang Hàn Quốc đối với khán giả quốc tế.
 

Khác với những bộ phim cổ trang Trung Quốc thường lấy đề tài về hậu cung tranh đấu hay tập trung vào các vị vua, hoàng hậu, công chúa trong lịch sử thì phim Hàn Quốc cũng có làm về đề tài này nhưng tập trung vào các cuộc chiến tranh anh hùng đoạt vị vô cùng mới mẻ. 
 

Đối với các bộ phim cổ trang có câu chuyện hư cấu và thần thánh, nếu cắt một phân đoạn phim có sử dụng kĩ xảo của phim Hàn Quốc và Trung Quốc, không khó để nhận ra đâu là tác phẩm có đẳng cấp cao hơn. Phim Hàn vẫn chiếm thế độc tôn về độ chịu chi đầu tư cho kỹ xảo, mang đến trải nghiệm xem không khác gì phim chiếu rạp.

Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất góp không ít vào sức bật của phim cổ trang Hàn Quốc chắc chắn phải nói đến thực lực và tâm huyết của diễn viên. Trước mỗi bộ phim, toàn bộ thành viên trong đoàn phim đều tham gia buổi đọc kịch bản để nghiên cứu và luyện tập trước với nhau. 
 

Mặc dù được khán giả khắp nơi trên thế giới ủng hộ và yêu thích, nhưng trong nước các bộ phim cổ trang Hàn Quốc chịu không ít áp lực từ các cuộc tranh cãi từ các nhà phê bình đến khán giả nội địa.
Chính vì đề tài khai thác đa dạng và sáng tạo các nhân vật với câu chuyện hư cấu diễn ra trong bối cảnh lịch sử đã khiến giới chuyên môn của họ tranh cãi. Một bên nhận định, các bộ phim có nội dung hư cấu thường chỉ có phần vỏ là bối cảnh, phục trang giống với quá khứ, còn phần hồn về câu chuyện cũng như suy nghĩ và hành động của nhân vật quá giống thời hiện đại dễ khiến người xem có cái nhìn sai lệch về thời lịch sử. 
Mặc khác, các nhà nhận định có suy nghĩ ngược lại cho rằng vai trò của phim cổ trang không chỉ có truyền tải lịch sử. Họ cho rằng phim cổ trang có thể giúp quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc. 
Có thể nói, chính các nhận định nghiêm túc và khắt khe từ các chuyên gia lẫn khán giả đại chúng chính là yếu tố quan trọng không kém giúp các bộ phim cổ trang nói chung và nền điện ảnh Hàn Quốc nói riêng không ngừng phát triển và vươn mình thế giới.