"Trong một thế giới không ngừng biến động, chiến lược dẫn bạn đến thất bại chính là không dám chấp nhận rủi ro." Mark Zuckerberg.


Ở tuổi 36, Zuckerberg nắm trong tay khối tài sản hơn 89.1 tỷ USD (hơn 2 triệu tỷ đồng) và đứng hạng 3 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới, anh đã đi con đường không hề bằng phẳng, có cả liều lĩnh, thất bại và những lần cúi đầu xin lỗi.

12 tuổi, Zuckerberg sử dụng bộ giải mã Atari BASIC thiết kế chương trình nhắn tin cho bố sử dụng ở phòng khám răng của ông. Lên phổ thông, chàng trai trẻ tạo ra nền tảng phát nhạc (streaming) thời kỳ đầu. 18 tuổi, Zuckerberg ghi danh vào Đại học Harvard.

Sau 2 năm học tập tại Harvard, Mark Zuckerberg quyết định dừng lại và dành thời gian phát triển The Facebook - MXH do anh xây dựng nên tại ký túc xá Kirkland. Nền tảng này có hơn 5.5 triệu thành viên vào cuối 2005. 

Đến 2012, anh quyết định biến Facebook thành 1 công ty đại chúng, thu về 16 tỷ USD (khoảng 373.2 nghìn tỷ đồng) từ việc phát hành cổ phiếu đầu tiên và trở thành một trong những đợt IPO lớn nhất trong lịch sử công nghệ.

Theo Bloomberg, tính đến 25/05/2020 Zuckerberg đang đứng hạng 3 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tài sản ước tính hơn 89.1 tỷ USD (khoảng 2.1 triệu tỷ đồng). Ở tuổi 36, Mark được ngưỡng mộ không chỉ bởi tài sản khổng lồ mà còn ở sự giản dị trong đời sống và trái tim nhân hậu. Anh thường xuất hiện tại các sự kiện trong trang phục áo thun quần jean hay chiếc hoodie. 

Bản chất liều lĩnh, không ngại đương đầu thử thách mang đến thành công cho Zuckerberg dù đi kèm không ít rắc rối và thị phi. 

2003: “Xin lỗi vì đây không phải điều tôi đã dự định”

Trước khi chính thức ra mắt Facebook, Mark Zuckerberg tạo ra Facemash - website cho phép bạn học cùng trường Harvard đánh giá hình ảnh của nhau. Ít lâu sau, Facemash vướng ồn ào vi phạm quyền riêng tư, gây tổn thương cảm xúc nhiều người. Mark Zuckerberg khi ấy 19 tuổi phải nói lời xin lỗi đầu tiên trong sự nghiệp: “Đây không phải là dự định”. Anh bị triệu tập lên hội đồng Đại học Harvard vì vi phạm quyền riêng tư và bản quyền.

2006 - 2007: Xin lỗi vì đã bỏ lỡ sự riêng tư

Năm 2006, anh cho ra đời tính năng News Feed - xuất hiện những bài đăng hay hoạt động mới nhất của bạn bè trên trang chủ người dùng. Điều này khiến mọi người phản đối vì thấy mất đi sự riêng tư bởi “nhất cử nhất động” đều hiện rõ trên trang người khác. Mark Zuckerberg liền lên tiếng xin lỗi: “Chúng tôi, vì lý do nào đó, đã bỏ lỡ điểm này ở tính năng mới. Đây là một sai lầm lớn và tôi xin lỗi vì điều đó.”

Năm 2007 Facebook bắt đầu kiếm tiền từ 50 triệu người dùng bằng cách thông báo với bạn bè về hoạt động của những người dùng khác tại các trang web đối tác như Epicurious, Fandango, Overstock… Sự việc dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và anh một lần nữa phải xin lỗi.

Trong một bài blog sau đó, Zuckerberg đã thừa nhận mình và đội ngũ xây dựng Facebook đã mắc sai lầm khi xây dựng những tính năng, những điều khoản nhạy cảm này. Sau đó chúng ta đã thấy Facebook dần hoàn thiện, News Feed được điều chỉnh phù hợp và tập trung hiển thị những nội dung gần với sở thích và cài đặt của từng người.

2010: Xin lỗi vì tiết lộ ID người dùng và những lời xúc phạm khách hàng

Đầu 2010, Facebook và Mark Zuckerberg được lên hẳn tiêu điểm của The Wall Street vì 1 bài báo đã chỉ ra rằng Facebook tiết lộ thông tin đăng nhập của người sử dụng cho các bên quảng cáo.

Tháng 9/2010, Mark Zuckerberg vướng phải ồn ào lớn nhất nhì trong sự nghiệp khi anh bị “khui” ra tin nhắn quá khứ. Trong đó, Zuckerberg gọi những người dùng Facebook đầu tiên là “ngu” vì đã giao thông tin cá nhân cho anh. Anh chàng đã phải lên tiếng xin lỗi và cũng mong mọi người không lấy đó để đánh giá anh, bởi đấy là sự việc nhiều năm về trước rồi. Mark Zuckerberg khẳng định: “Tôi nghĩ tôi đã trưởng thành hơn và học được rất nhiều.”

2017: Xin lỗi vì đã biến đau thương thành công cụ thử nghiệm

10/2017, cơn bão Maria tàn phá Puerto Rico, Mark Zuckerberg trình làng đoạn phim ngắn về công nghệ thực tế ảo của Facebook, hiện lên phiên bản hoạt hình của anh và vài đồng nghiệp đang xuyên không tới hiện trường vụ việc. Hành động này ngay lập tức nhận sự chỉ trích vì thiếu tinh tế và quá cơ hội, lợi dụng sự đau thương để quảng cáo cho bản thân. Chàng tỷ phú lại mở lời xin lỗi: “Tôi đã không nhận ra sự thiếu tinh tế này và xin lỗi những người bị xúc phạm bởi nó.”

“Thất bại là thứ xa xỉ nhất” - Đó chính là điều chàng CEO của Facebook đã nhận định khi phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard. Anh khẳng định thành công ngày hôm nay mình có được chính là từ quyền tự do được thất bại. “Nếu tôi phải phụ giúp gia đình để rồi không có thời gian theo đuổi lập trình, nếu tôi không biết mình vẫn sẽ ổn thôi nếu Facebook thất bại, thì sẽ không có tôi của ngày hôm nay”.

Facebook hay Mark Zuckerberg không thực sự là cái gì đó hoàn hảo, vẫn có những điểm này điểm kia khiến mọi người chưa hài lòng, thậm chí là thấy thiếu an toàn. Nhưng trên hết, Zuckerberg dạy chúng ta bài học về việc dám thử thách, dám liều lĩnh, rằng nếu đó là đam mê, là thứ bạn muốn theo đuổi, thì đừng sợ hãi.

Ai cũng thất bại, ai cũng mắc lỗi sai, nhưng không phải ai cũng nhận sự chỉ trích khi làm sai bởi hàng triệu con người. Quan trọng là sau những lỗi sai, bạn dũng cảm đối diện, dũng cảm giải quyết nó. Muốn đạt được vị trí không ai có, thì phải chịu những điều không ai trải qua được.