Truyền hình thực tế được sản xuất với mục đích biến những người bình thường trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, với phương châm “zero to hero”. Tuy nhiên kể từ khi các chương trình có format chia đội với sự hướng dẫn của các huấn luyện viên thì sự chú ý đã dần không còn được nhắm ở chỗ thí sinh nữa rồi.


Hai chương trình có format chia đội nổi tiếng nhất của truyền hình thế giới chắc chắn là The VoiceThe Face rồi. Các thí sinh tham gia hai chương trình này đều sẽ được hướng dẫn và luyện tập bởi các vị huấn luyện viên có tiếng trong ngành âm nhạc cũng như thời trang. Phiên bản nổi tiếng nhất của hai chương trình này đều đến từ Hoa Kỳ. Nếu ở The Face thì đây cũng là phiên bản gốc luôn thì với The Voice US - phiên bản này chỉ là bản được mua bản quyền từ The Voice Of Holland mà thôi. 

Sức hấp dẫn của các chương trình có format chia đội để thi đấu, ngoài sự cạnh tranh của các thí sinh còn có cả mâu thuẫn và sự kèn cựa giữa những vị huấn luyện viên với nhau nữa. Ở The Voice US là những màn “chọc ngoáy” nhau của Adam Levine với Blake Shelton. Còn với The Face sẽ là các màn tranh cãi, mỉa mai nhau không cần nhượng bộ của Naomi Campbell với Coco Rocha, Anne V tại bản US, với Caroline Winberg tại bản UK hay màn “lời qua tiếng lại” huyền thoại cùng Nicole Trunfio tại bản Australia. 

Ngay American Idol - một chương trình luôn luôn tập trung tuyệt đối vào thí sinh cũng bị cuốn theo “guồng xoay” này, khi khai thác mâu thuẫn của hai giám khảo Mariah Carey và Nicki Minaj ở mùa giải thứ 12. Để rồi những gì đọng lại trong đầu khán giả mùa đó không phải là một mùa giải với Top 5 toàn nữ hay có quán quân nữ sau 5 mùa liên tiếp toàn nam, mà chỉ là sự thù ghét ra mắt của hai sao nữ đình đám làng nhạc kia mà thôi. 

The X Factor - 1 chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc của Anh là một minh chứng hoàn hảo cho việc chia đội để thi đấu, nhưng hào quang vẫn thuộc về thí sinh. Bắt đầu từ năm 2004, The X Factor trải qua 15 mùa giải thành công với nhiều tên tuổi lớn bước ra từ chương trình tạo được tiếng vang trong làng nhạc như Shayne Ward, Leona Lewis, Olly Murs, One Direction, Little Mix…

Mỗi mùa các thí sinh lại được chia thành các đội phù hợp với chủ đề khác nhau như Nam, Nữ, Dưới 18, Trên 25 hay Nhóm nhạc. Các giám khảo đồng thời là huấn luyện viên cho mỗi đội, thay vì đấu đá nhau sẽ tập trung hết sức mình để mang đến phần trình diễn xuất sắc nhất cho thí sinh trong đội, nhằm thu hút được lượng bình chọn của khán giả. Việc tập trung nhiều sự chú ý hơn vào thí sinh cũng có thể là lý do giúp các gương mặt bước ra từ The X Factor có sự nghiệp huy hoàng hơn hẳn ở loạt chương trình The Voice

Chương trình The Next Gentleman - Quý Ông Hoàn Mỹ do công ty Hương Giang Entertainment đang lên sóng hiện nay không biết vô tình hay cố ý, mà mọi hào quang đều tập trung vào hết 3 huấn luyện viên cùng Host sau 5 tập đã qua. Những thử thách hay màn thể hiện của thí sinh ra sao đều bị lu mờ hoàn toàn bởi các màn đấu đá qua lại giữa các huấn luyện viên với nhau mà họ gọi đó là “chơi game”. Dẫu rằng đây có thể là ý đồ của nhà sản xuất để thu hút người xem, nhưng nếu như mọi sự chú ý chỉ tập trung vào huấn luyện viên thì đó là cuộc chơi của riêng họ, chứ không còn là của thí sinh nữa rồi. Liệu chương trình có nên đổi tên từ The Next Gentleman - Quý Ông Hoàn Mỹ sang The Next Mentor - Huấn Luyện Viên Hoàn Mỹ hay không? 

Nhìn đi nhìn lại thì ở các chương trình truyền hình thực tế, thí sinh vẫn là nhân tố quan trọng nhất để tạo nên thành công cũng như tiếng vang cho chương trình đó. Ban giám khảo hay huấn luyện viên cũng chỉ là khía cạnh khác để tăng sức hấp dẫn cho chương trình mà thôi. Nếu mọi thứ bị làm quá lên thì kết quả cuối cùng có khi lại phản tác dụng đó. Như cách mà The Voice thua thiệt The X Factor về sự nghiệp thí sinh hậu chương trình hay The Face không thể đi được đường dài như các phiên bản Next Top Model toàn cầu.