Để có thành tích này, đứa con tinh thần của đạo diễn Kim Jung Hoon phải đối đầu với các đối thủ “đáng gờm” cả trong và ngoài nước như Kingmaker, Người nhện: Không còn nhà, Đấu trường âm nhạc 2...
 

Bộ phim kể về hành trình của những tên cướp biển tìm kiếm kho báu bị thất lạc của một gia đình hoàng gia Goryeo. Nhóm người đi tìm kho báu bị mất gồm thuyền trưởng Hae Rang (Han Hyo Joo), tay kiếm giỏi nhất Joseon Woo Moo Chi (Kang Ha Neul), người luôn mơ thành vua hải tặc tiếp theo Makyi (Lee Kwang Soo), cung thủ Han Goong (Sehun)... Họ phải đối đầu với nhân vật phản diện Bu Heung Soo (Kwon Sang Woo) trong hành trình này. Nội dung phim khá đơn giản, đan xen sự nghĩa hiệp, tình bạn, tham vọng nhưng không thể thiếu những chi tiết hài hước ngay từ phút đầu tiên.

Han Hyo Joo đã tham gia khóa huấn luyện kéo dài 3 tháng nhằm hóa thân hoàn hảo vào vai thủ lĩnh Hae Rang. Đặc biệt, cô đã tự thực hiện các cảnh hành động trong phim để có sự chân thật nhất. Phim lấy bối cảnh chính là biển khơi nên những cảnh quay dưới nước là không thể thiếu.

“Tôi không thể nào lấy được nước ra khỏi mắt, mũi và tai cho đến ngày hôm sau. Tuy nhiên, đó vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời” - nữ diễn viên chia sẻ. Khi được hỏi về cảnh hôn lãng mạn dưới nước với bạn diễn, cô kể rằng họ gặp rất nhiều khó khăn: “Tôi không thể nhìn thấy gì trong quá trình quay phim dưới nước. Nó không lãng mạn như tôi nghĩ”.

Nam diễn viên Kang Ha Neul vốn nổi tiếng với ngoại hình điển trai và nụ cười tỏa nắng, nhưng anh đã hy sinh ngoại hình của mình khi nhận vai diễn này bởi nhân vật của anh có kiểu tóc bông xù hài hước và làn da ngăm chịu sóng gió biển khơi. Còn nam phụ Lee Kwang Soo cũng là một điểm nhấn quan trọng trong vai một cướp biển hèn nhát nhưng lại luôn mơ trở thành vua hải tặc. Anh đã không ngần ngại diễn những nét tính cách xấu xí nhất như phản bội, mê tiền, xui xẻo, đam mê quyền lực... để đem lại tiếng cười từ đầu tới cuối phim cho khán giả.

Chưa kể, sự góp mặt của nam thần Sehun của nhóm nhạc EXO cũng là yếu tố khiến phim được săn đón. Tuy chỉ xuất hiện với thời lượng rất ngắn, anh đã cố gắng dồn toàn bộ tâm huyết vào cho vai diễn của mình.
 

Hải Tặc xây dựng câu chuyện xung quanh một vị nữ thủ lĩnh mạnh mẽ, đủ tài năng và tầm nhìn để lãnh đạo một con tàu hải tặc rong ruổi khắp biển khơi. Đồng thời, cô còn tự nhận là “con gái của Long Vương” để một lần nữa khẳng định quyền uy của mình với những cánh tay đắc lực đều là nam giới. Hae Rang cũng là người luôn sống đúng với quan điểm của mình, không hề phụ thuộc vào sự trợ giúp của một chàng trai nào.

Thực tế, với ảnh hưởng từ phong trào nữ quyền trên toàn thế giới, những tác phẩm có nhân vật nữ mạnh mẽ đang nở rộ và được một lượng lớn khán giả quan tâm. Trong phim, Hae Rang có vẻ bề ngoài xinh đẹp nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, quyết đoán và giỏi võ thuật không thua kém gì cánh mày râu. Đặc biệt, trái với những quyết định lạnh lùng, dứt khoát, nữ thuyền trưởng là người có trái tim ấm áp khi luôn nghĩ tới những thành viên trên tàu. Cô có thể là người nhận thiệt thòi nhiều hơn với mong muốn rằng những người trên con tàu hải tặc của mình sẽ được an toàn.

Một điều nữa khiến cho nét nữ quyền trong Hải Tặc trở nên duyên dáng chính là khi vào những khoảnh khắc quyết định giữa sự sống và cái chết, thủ lĩnh Hae Rang luôn biết cách thu phục lòng người nhất. Trong tình huống nào, những hải tặc trên tàu luôn gọi cô bằng cái tên “Thuyền trưởng” hay “Thủ lĩnh”, bởi cô hoàn toàn xứng đáng với danh xưng này.

Phần lớn các báo chí đều đưa ra nhận định: Hải Tặc là một phim xem với mục đích giải trí, không mang quá nhiều về nội dung nhiều tầng ý nghĩa. Phim được đầu tư kỹ lưỡng trong khâu chọn diễn viên, trang phục có sự đầu tư và góc quay đẹp, bắt trọn
những phân đoạn hành động. Theo nhận xét từ trang Ready Steady Cut, diễn xuất trong bộ phim xứng đáng được khen ngợi
vì nếu không có nó, sự cân bằng giữa sự nghiêm túc và hài hước có thể không đạt được.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại cho rằng điểm trừ lớn nhất của tác phẩm nằm ở cốt truyện trung tâm khá đơn giản, tình tiết hơi lố và yếu tố giả tưởng xuất hiện khá đột ngột. “Phim như một cuộc dạo chơi hỗn loạn, bị nhồi nhét quá mức, đầy rẫy những lỗi vụn vặt” - nhà báo James Marsh đã đưa ra bình luận vô cùng gay gắt về Hải Tặc.

Thực tế, với đề tài cướp biển, phim Hàn vẫn còn mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Trong khi đó, tại thị trường phim Âu Mỹ, những bộ phim cùng chủ đề được sản xuất rộng rãi với nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh câu chuyện về cướp biển. Hơn thế nữa, các hiệu ứng và kỹ xảo điện ảnh của các phim Âu Mỹ chính là một điểm mạnh cho dòng phim này - điển hình nhất là series Cướp biển vùng Caribbean với 5 phần phim đã được công chiếu toàn cầu với tổng doanh thu cả 5 phim là 4,2 tỷ USD. Đáng nói, loạt phim này cũng được đầu tư vô cùng kỹ lưỡng với kinh phí cho 5 phần phim lên tới hơn 1 tỷ USD.

Hiệu ứng kỹ xảo của Hải Tặc đã chỉ ra điểm yếu của phim Hàn Quốc trong dòng phim cướp biển. Với kinh phí đầu tư chưa sánh bằng những phim hành động Mỹ, Hải Tặc đã nhận khá nhiều nhận xét tiêu cực từ các nhà phê bình như “CGI siêu tồi”, “hậu kỳ giật cục”. Thế nhưng, ngầm hiểu được những hạn chế của mình, Hải tặc lại rất đầu tư vào những cảnh võ thuật mãn nhãn của dàn diễn viên.

Và như vậy, bỏ qua những hạt sạn về kỹ xảo, Hải Tặc vẫn là một tác phẩm điện ảnh đáng được thưởng thức bởi nội dung gây hài, đem lại những phút giây thư giãn cho người xem.