Nếu ở Hà Nội, mỗi độ Trung thu về, nơi mà người ta nhất định phải lui tới là phố Hàng Mã thì ở Sài Gòn cũng có một Lương Nhữ Học như vậy.

Phố đèn lồng Lương Nhữ Học kéo dài 100m thuộc quận 5, TP.HCM. Đây được biết đến là khu của những người gốc Hoa định cư từ lâu đời. Cũng chính vì vậy, những chiếc đèn lồng trên phố Lương Nhữ Học dường như cũng mang hơi hướng rất riêng.

Với truyền thống hơn 100 năm cứ thế làm cho cái Rằm tháng 8 ở phố Lương Nhữ Học trở nên đặc biệt trong mắt mọi người. Những chiếc đèn người Hoa ở đây duy chỉ bày biện mỗi dịp Trung thu về, nên mọi thứ càng trở nên ý nghĩa hơn. Từ những đêm 12, 13 âm lịch, lượng người đổ về con phố ngày càng đông đúc. Trong màn đêm, ánh đèn, ánh nến với những mảnh giấy kiếng xanh, đỏ đặc trưng khiến cả con phố rực rỡ đến ngỡ ngàng. Dù từng đoàn người chỉ kịp nhích chân từng tí, nhưng chắc hẳn trong tâm tư đều ẩn chứa những cảm xúc rất đặc biệt - mang tên: Trung thu.

Lần đầu tiên được đến với phố đèn người Hoa, lại còn đúng dịp Rằm tháng 8, anh Hoàng Việt (Hà Nội) cho biết: “Năm nào ở Hà Nội, mình cũng ghé phố Hàng Mã vào những ngày cận Trung thu. Năm nay mình chuyển công tác vào Sài Gòn, cứ nghĩ sẽ không được đón cái không khí ấy nữa, thì mình được bạn rủ tới Phố Lương Nhữ Học. Mọi thứ làm mình phải ngỡ ngàng, rất rực rỡ, đông vui và nhiều cảm xúc”.

Khác với Việt, Phương Bình lại gắn bó với mảnh đất Sài thành tính đến nay ngót nghét đã 9 năm. Chia sẻ về không khí ở đây, Bình cho biết: “Năm nào cũng như không hẹn mà mình và lũ bạn đều có mặt ở đây. Phố đèn người Hoa là nơi bọn mình nhất định sẽ ghé qua mỗi dịp Trung thu về. Cứ nghĩ năm nay có dịch Covid-19, mọi người sẽ ra đường ít hơn, nhưng không, dường như ai nấy đều muốn giải toả, tìm đến những niềm vui sau chuỗi ngày mệt mỏi.”

Nếu đã từng sống qua hai mùa Trung thu xưa và nay, chắc hẳn thế hệ đó sẽ mang đầy những cảm xúc lưu luyến về một ký ức xưa cũ. Ở đó có những chiếc đèn lồng 5 cánh tự làm bằng tre và giấy kiếng; có chiếc lon đục lỗ lay lắt ánh nến, kêu lẻng xẻng cả khu. Nếu bạn vẫn còn hoài niệm về những mảnh ký ức đó, thì những tiệm bán đồ Trung thu truyền thống trên con phố Lương Nhữ Học sẽ là điểm ghé lý tưởng. Vẫn chiếc đèn ông sao 5 cánh, đèn kéo quân, mặt nạ giấy... chẳng thiếu thứ gì.

Nhìn hình ảnh các bác tuổi đã xế chiều, trên tay cầm những chiếc đèn truyền thống, sao mà bồi hồi đến lạ. Họ như minh chứng rằng, ở đây, sau cả trăm năm, mọi thứ vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Nét truyền thống Trung thu xưa đâu đó vẫn tồn tại giữa dòng người tấp nập. Ai bảo, Trung thu xưa chẳng còn chứ, nó ở ngay đây, giữa lòng Sài thành hoa lệ này!

Còn đối với lũ nhỏ bây giờ, chiếc đèn gắn pin có phát nhạc, cùng bóng led đủ sắc màu lại hấp dẫn hơn cả. Cứ nhóm 3, 4 đứa chụm lại, đòi ba mẹ mua cho bằng được mới thôi. Có đứa, trên tay đang cầm đèn cũng chẳng bỏ qua được sức hấp dẫn mà đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ. Không chỉ đèn rước mà những chiếc mặt nạ nhiều hình thù cũng được tụi nhỏ ưa chuộng lắm. Rồi còn cả cây gậy Như Ý, thanh kiếm 7 màu cứ thế múa may quay cuồng. Vài bạn công chúa nhỏ còn gắn thêm trên lưng đôi cánh, trông có khác gì thiên thần không cơ chứ!

Cứ vậy, từng sạp hàng dọc con phố Lương Nhữ Học lại tấp nập người vào kẻ ra. Chẳng ai nói với nhau, nhưng trong lòng mỗi người chắc hẳn rất tâm đắc những thứ đồ mỹ nghệ cầu kỳ, công phu được bày trí khắp con đường. Mỗi người một sở thích, hiện đại cũng được, truyền thống cũng được, vui là được.

Vậy đó, nhiều người cứ bảo rằng, Trung thu nay làm gì vui bằng Trung thu xưa, ấy vậy mà, ra đường mà xem, những con phố đón Trung thu vẫn rất đông đúc, nhộn nhịp. Trông gương mặt những đứa trẻ, chúng lại háo hức và phấn khởi ra trò đấy chứ. Còn cả những cặp nam thanh nữ tú, trông thật hạnh phúc, pha chút e lệ như lần đầu hẹn hò. Có một sự thật là, Trung thu bản chất vẫn vẹn nguyên giá trị, như những gì con phố Lương Nhữ Học đã cất và giữ trọn vẹn cái không khí Rằm mười lăm suốt bao năm qua.