Sự ra đi đầy đáng tiếc và đau thương của nam sinh lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội vào những ngày vừa qua đã khiến dư luận phải giật mình suy nghĩ về những áp lực mà lứa tuổi học sinh đang phải gánh chịu.


Ngoài chuyện áp lực thì vấn đề mental health (sức khỏe tâm thần) vẫn chưa phải là một vấn đề được xem trọng ở Việt Nam, đặc biệt là với lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rất nhiều trường hợp thương tâm đã có thể có một cái kết đẹp hơn, nếu như vấn đề sức khỏe tâm thần của những nhân vật trong trường hợp đó được quan tâm sớm và sát sao nhất có thể. 

Hãng Pixar là một hãng phim quen thuộc với những người yêu điện ảnh, đặc biệt là thể loại hoạt hình với loạt tác phẩm xuất sắc và mang nhiều ý nghĩa to lớn về mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Bộ phim gần đây nhất vừa ra mắt khán giả toàn cầu mang tên Turning Red (Gấu Đỏ Biến Hình) tiếp tục làm khán giả hâm mộ trung thành của hãng phim này hài lòng với câu chuyện khoảng cách và suy nghĩ khác biệt giữa hai thế hệ với nhau. Nó càng trở nên thân thuộc hơn khi nhân vật chính trong phim là một cô bé người gốc Á, luôn phải cố gắng đóng vai “con ngoan trò giỏi” để làm hài lòng người mẹ hết mực yêu thương cô. 

So với phụ huynh của các châu lục khác thì phụ huynh châu Á rõ ràng nổi tiếng hơn với hình tượng yêu thương, bảo bọc con cái kỹ lưỡng đôi khi dẫn đến thái quá và vô tình tạo nên áp lực cho những đứa con của họ. Đó cũng là cách mà bà Ming Lee đối xử với người con gái duy nhất tên Mei của mình. Điều này vô tình khiến cho những nỗi ức chế muốn thể hiện bản thân mình của Mei trỗi dậy và chúng đã được bộc lộ ra bằng việc Mei biến thành gấu trúc đỏ. Gấu trúc đỏ như một hình ảnh ẩn dụ cho những sự ức chế, áp lực hay suy nghĩ thầm kín của Mei khi cô luôn phải là một đứa con hoàn hảo trong mắt mẹ của mình. 

Nếu như sự ức chế càng lớn thì kích thước của gấu trúc đỏ lại càng to và nó có thể gây nguy hiểm đáng sợ cho mọi thứ xung quanh. Thật may mắn khi cuối cùng Mei đã nhận được lời xin lỗi từ mẹ mình và được bà thú nhận rằng đã luôn yêu thương cô sai cách trong suốt thời gian qua. Lời xin lỗi của bà Ming Lee như một lời xoa dịu cho tâm hồn của Mei cũng như để không phạm phải sai lầm mà mẹ của bà từng làm với bà trong quá khứ. Yêu con là điều bậc làm cha làm mẹ nào cũng có cả, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách yêu con cho đúng và không phải ai cũng biết cách xin lỗi con của mình, khi bản thân đã yêu thương chúng sai cách. 

Câu xin lỗi mà bà Ming Lee dành cho Mei trong Turning Red vô tình lại trở thành một câu đùa trên các trang phim ảnh ở mạng xã hội, khi đa phần mọi người đều cho rằng sẽ không có bậc phụ huynh châu Á nào chịu mở lời xin lỗi con của mình, dù cho họ có làm sai đi chăng nữa. Nhìn thì có vẻ hài hước nhưng đây lại là một thực trạng khá đáng buồn và có phần hơi chua chát trong gia đình của người châu Á. Chỉ với một câu “xin lỗi” thôi thì nhiều chuyện sẽ được giải quyết êm xuôi, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó cho đến khi chuyện không mong đợi xảy ra. 

Gen Z nói chung hay những cá nhân thuộc Gen này còn ngồi trên ghế nhà trường nói riêng được xem là “thế hệ dễ vỡ” trong xã hội hiện nay. Tâm lý có phần “mỏng manh” của thế hệ này sẽ gặp nguy hơn bao giờ hết, khi họ phải chịu những áp lực lớn đến từ phía chính gia đình của mình. Những lời nói, lời so sánh hay hành động mà phụ huynh nghĩ là tốt cho con cái mình vô tình hoặc cố ý lại trở thành các “vết cắt” vào tinh thần và về lâu về dài nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến trường hợp đau lòng như nam sinh lớp 10 vừa qua ở Hà Nội. 

Không phải ai cũng có tinh thần mạnh mẽ giống người khác và không thể nào bắt một đứa trẻ của thời này sống ở hàng chục năm trước, chỉ để thấy “khi xưa bố mẹ khổ hơn chúng mày nhiều mà có làm sao đâu”. Chẳng ai hiểu được câu chuyện của ai nếu như họ không phải là nhân vật chính cả. Làm trẻ em ở thời đại hiện nay cũng không hề dễ dàng gì so với việc làm người lớn. Ngoài sự ganh đua với bạn bè, áp lực đồng trang lứa là những kỳ vọng và áp lực lớn lao khác từ phía gia đình, để nào là bằng được với “con nhà người ta” hay làm cho bố mẹ nở mày nở mặt với thiên hạ. 

Bố mẹ nào biết rằng chính sự yêu thương và áp lực sai sách đó đang dần dần tàn phá tâm hồn cũng như tinh thần của những đứa con bé bỏng của họ. Để rồi sau này dù đã vượt qua những thời khắc u tối đó thì sự xa cách có lẽ chính là “cái giá” mà bố mẹ phải trả cho sự áp lực họ đè lên con cái của mình. 

Sau những sự ra đi như thế này,  người lại khuyên nhủ nhau không nên áp lực và quan tâm tới tinh thần cũng như mong muốn của con cái nhiều hơn, nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm và con người ta thì lúc nào cũng sẽ dễ “bao dung” hơn so là với con mình. 

Không có áp lực thì không có động lực để phát triển nhưng quá nhiều áp lực thì sự phát triển cũng không thể đạt tới mục tiêu đã đặt ra được. Các bậc phụ huynh cần biết được năng lực của con cái mình ở mức nào và quan trọng nhất là biết thế nào là đủ, để áp lực không từ một khía cạnh tích cực bị chuyển thành tiêu cực lúc nào không hay. 

Một vấn đề cũng quan trọng không kém khác nhưng ít được quan tâm đúng đắn chính là sức khỏe tâm thần của Gen Z ngày nay. Đôi khi một cá nhân đang có những suy nghĩ tiêu cực nào đó chỉ cần có một người lắng nghe và tâm sự, để giúp tinh thần của họ ổn định hơn thôi. Tuy nhiên họ lại không thể tìm ra được một người như vậy và cứ thế gặm nhấm suy nghĩ tiêu cực của bản thân một mình. Sức khỏe tâm thần không còn là chuyện đùa trong thời đại hiện nay, nó có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn không kém gì sức khỏe thể chất. 

Để giải quyết vấn đề này, trong mỗi một ngôi trường nên có một phòng tâm lý với chuyên viên về tâm lý được đào tạo bài bản để có thể lắng nghe, chia sẻ và giúp các cá nhân đang có suy nghĩ không thông suốt có thể cảm thấy tốt hơn. Hoặc là những đường dây nóng nào đó có thể sẵn sàng chia sẻ và trợ giúp tức thì cho những trường hợp đang có sức khỏe tâm thần không tốt. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại đang rất khó để có thể tìm thấy tại môi trường học đường ở Việt Nam hiện nay. 

Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là nền tảng gia đình, khi gia đình vừa có thể là nơi lắng nghe những tâm sự từ tận sâu trong đáy lòng, vừa là nơi có thể giảm bớt áp lực lên đôi vai nhỏ bé của con cái và là nơi yên bình nhất để mọi người tìm về mỗi khi sức khỏe tâm thần đang không được tốt. Lời “xin lỗi” cũng nên được nói nhiều hơn, chứ đừng để đến khi muộn màng rồi mới thốt ra thì không còn ý nghĩa gì nữa rồi. Áp lực nên là một khía cạnh mang tính tích cực để giúp con người ta đi lên, chứ sẽ không phải là lý do khiến ai đó phải rời xa cuộc sống này trong nỗi buồn và sự uất ức kìm nén.