Vụ ồn ào về thái độ giữa nam diễn viên Kim Jung Hyun và mỹ nhân Seohyun những tưởng chỉ là chuyện xoay quanh về cách hành xử trong công việc của người nổi tiếng. Thế nhưng sau khi trang Dispatch “tham gia cuộc chơi”, vấn đề chuyên nghiệp của một ngôi sao đã không còn là điều duy nhất được nhắc đến nữa, mà thay vào đó là một khía cạnh phức tạp hơn mang tên Gaslighting.


Từ một nhân vật ngỡ như chẳng có liên quan gì, Seo Ye Ji - nữ chính của bộ phim ăn khách năm 2020 Điên thì có sao bị Dispatch “chỉ mặt đặt tên” chính là người yêu cũ đồng thời là người đã “điều khiển” Kim Jung Hyun khiến anh có những hành động thô lỗ và bất lịch sự với bạn diễn Seohyun. Không chỉ vậy Kim Jung Hyun còn khiến những người liên quan trong đoàn làm phim bị ảnh hưởng khi đã nghe theo lời của người yêu một cách mù quáng.

Ngoài việc yêu cầu Kim Jung Hyun không được tiếp xúc với bạn diễn nữ, Seo Ye Ji thậm chí còn bắt nam diễn viên phải quay video, cập nhật tình hình ở phim trường hay quá quắt hơn là không được chào hỏi các staff ở đoàn làm phim nếu như họ không phải người chủ động. Đó cũng là lý do vì sao Kim Jung Hyun lại có hành động kỳ lạ với Seohyun ở buổi họp báo như từ chối khoác tay, không muốn đứng gần, biểu cảm lạnh lùng suốt từ đầu đến cuối. Câu chuyện thiếu chuyên nghiệp của Kim Jung Hyun bị bỏ sang một bên và người ta bắt đầu “chĩa mũi dùi” vào Seo Ye Ji với những hành vi mang tính “gaslighting” của cô. Vậy “gaslighting” có ý nghĩa thật sự là gì?

Thuật ngữ Gaslighting bắt nguồn vào năm 1938 từ một vở kịch mang tên Gas light với nội dung nói đến chuyện một người chồng làm mọi cách khiến cho người vợ của ông tin rằng bà là một người điên. Mấu chốt trong vở kịch này là hắn ta luôn khiến cho người vợ nghĩ về điều này và tin nó là thật mỗi khi ánh đèn tắt đi. 

Kể từ đó khái niệm Gaslighting ra đời ý chỉ những hành vi lạm dụng, bạo hành và thao túng tinh thần của người khác làm cho người đó mất hoàn toàn ý thức cũng như không tin vào nhận thức của bản thân nữa. Những con người như thế được gọi với danh xưng “gaslighter” - những kẻ biết thao túng tâm lý người khác. 

Mối quan hệ của Seo Ye Ji và Kim Jung Hyun chính là minh chứng rõ nhất cho Gaslighting mà ở đây nàng “điên nữ” là “gaslighter” còn nạn nhân gọi tên Kim Jung Hyun. Tình yêu cũng chính là thứ mà Gaslighting có cơ hội xuất hiện nhiều nhất và một khi nó đã tồn tại trong mối quan hệ này thì sẽ nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng hay là “liều thuốc độc” hủy hoại nạn nhân từ ngày này qua tháng nọ. Sự thao túng tinh thần vô hình này sẽ khiến các nạn nhân luôn mang tư tưởng phải nghe lời và làm hài lòng đối phương. Đến lúc nhận ra bản thân gặp nguy thì cũng là lúc sức khỏe thể chất cũng như tinh thần bị tổn thương nặng nề. 

Các nhà tâm lý học chỉ ra có nhiều biểu hiện để nhận biết Gaslighting trong tình yêu nhưng nổi bật nhất có lẽ là việc “gaslighter” sẽ không ngừng nói dối trắng trợn và dựng ra những chuyện không có thật. Ví dụ như việc người vợ phàn nàn việc anh chồng thường xuyên về trễ và lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Lúc này vì là một “gaslighter” nên người chồng sẽ bao biện rằng việc anh về khuya hay nhậu nhẹt thường xuyên là một phần của công việc và điều đó giúp anh có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong tương lai.

 Anh ta sẽ thường xuyên dùng những lý lẽ như vậy để đàn áp tâm trí của người vợ khiến cô tin rằng việc làm của anh là đúng và người sai ở đây là cô vì cứ cằn nhằn chồng. Từ đó người vợ bắt đầu nghi ngờ về nhận thức của mình và rồi tự cảm thấy bản thân đã sai khi làm điều đó. Đổ tội cho nạn nhân là một biểu hiện của Gaslighting. 

Trong câu chuyện của Seo Ye Ji và Kim Jung Hyun, ban đầu Kim Jung Hyun không hề có thái độ kỳ lạ như thế với Seohyun, tuy nhiên anh đã thay đổi 180 độ khi nhận được “mệnh lệnh” của “gaslighter” Seo Ye Ji. Dễ dàng nhận thấy Kim Jung Hyun đã dần không còn có chính kiến riêng của bản thân mình mà chỉ răm rắp nghe theo lời của cô người yêu. Anh cũng giống như nhiều nạn nhân của Gaslighting khác đã hoàn toàn không còn là chính mình khi đã phải phụ thuộc quá nhiều vào kẻ thao túng kia. Đó chính là mục tiêu của “gaslighter” khi khiến mọi thứ xung quanh nạn nhân trở nên mập mờ, làm cho họ cảm thấy không còn tỉnh táo và không biết phải dựa vào ai ngoài “gaslighter” - những kẻ mà họ ngỡ rằng đang muốn tốt cho mình.

Bên cạnh Gaslighting trong các mối quan hệ thì hiện nay còn một kiểu Gaslighting cũng nguy hiểm không kém mà có lẽ nhiều bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng đang gặp phải - Self Gaslighting (Tự thao túng chính mình). 

“Tôi có đang làm quá mọi chuyện lên không nhỉ?”, “Còn nhiều người gặp phải những chuyện tệ hơn mình, mình còn may mắn chán”, “Chắc vấn đề do bản thân của chính tôi thôi, lỗi tất cả là do tôi”,... nếu bạn thường xuyên có những câu hỏi thế này trong đầu thì nhiều khả năng bạn đang chuẩn bị hoặc đã rơi vào cái bẫy Self Gaslighting. Nếu như Gaslighting nạn nhân bị ảnh hưởng bởi kẻ thao túng thì với Self Gaslighting cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều chỉ là một và kẻ đó không ai khác chính là bản thân bạn. 

Chúng ta thường bị nhầm lẫn rằng việc bản thân tự phớt lờ cũng như không quan tâm đến suy nghĩ hay cảm xúc cá nhân là dấu hiệu của sự trưởng thành hoặc mình là người kiểm soát tốt cảm xúc. Đó đúng là dấu hiệu nhưng là dấu hiệu của việc tự thao túng chính mình chứ không phải là biết kiểm soát bản thân. Theo nghiên cứu của tiến sĩ phân tâm học Robin Stern, sự khác biệt giữa hai điều này là ở chỗ tần suất phớt lờ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân là liên tục. Đặc biệt, nạn nhân tức thủ phạm luôn tự mình lao vào luồng suy nghĩ đó, thay vì bị ảnh hưởng từ người khác. 

Những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân nếu liên tục bị phớt lờ hoặc đè nén sẽ dẫn tới những căn bệnh tâm lý. Cụ thể, cô lập, trầm cảm, rối loạn lo âu hay chấn thương tâm lý là điều mà Self Gaslighting mang đến. Đó là cách nó khiến cuộc sống của người mắc phải bị “dập tắt”.

Gaslighting hay Self Gaslighting nguy hiểm là vậy nhưng không có nghĩa là không có cách để tránh xa hoặc thoát khỏi “bẫy cảm xúc” này. Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là việc tự nâng cao kiến thức của bản thân về Gaslighting hay các vấn đề tâm lý nói chung. Bạn sẽ không thể nào tự giải thoát bản thân nếu như không biết rằng chính mình đang là nạn nhân của Gaslighting. Trang bị thêm kiến thức cho bản thân là không bao giờ thừa nhất là khi các vấn đề tâm lý đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn.

Nếu như đang bị Gaslighting trong một mối quan hệ, hãy cố gắng xác định tình trạng của bản thân đang ở mức nào và tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người từ gia đình, bạn bè hay các chuyên gia tâm lý. Ngoài ra nếu có thể đừng quên dành thời gian cho bản thân bằng cách thiền để tìm lại con người cũng như những chính kiến và quan điểm của riêng bạn. 

Còn với Self Gaslighting thì mấu chốt là hãy đối xử với cảm xúc của bản thân như một con người, dám đối mặt và không cần phải trốn tránh. Nếu vui hãy cười, nếu buồn hãy khóc, nếu cảm thấy bất công hãy cứ nói ra,... đừng bao giờ tìm cách né tránh hay xem nhẹ cảm xúc của chính mình. 

“Cảm xúc của tôi là thật và tôi hoàn toàn có quyền bày tỏ nó” - hãy luôn tâm niệm như thế để bản thân tỉnh táo và tránh xa khỏi cạm bẫy Gaslighting.