Dẫu ai cũng biết rằng mỗi người đều có một vẻ đẹp, một ưu điểm về ngoại hình khác nhau nhưng vẫn không thể tránh khỏi được việc đôi khi chúng ta lại cảm thấy mặc cảm về nó. Với một số người, mặc cảm ngoại hình không chỉ là một suy nghĩ đôi khi vụt qua tâm trí họ mà nó còn là một dạng rối loạn tâm lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày.


Rối loạn mặc cảm ngoại hình được biết tới với tên gọi tiếng Anh là “Body dysmorphic disorder” hoặc “Body dysmorphic”. Nó diễn ra khi một người luôn có suy nghĩ tiêu cực về cơ thể, ngoại hình của họ và điều đó ảnh hưởng xấu đến hành động hàng ngày trong cuộc sống. Dạng rối loạn tâm lý này có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ thế hệ nào và GenZ cũng không nằm ngoài vòng tròn đó. 

Việc một người lo lắng quá nhiều về khuyết điểm ngoại hình của họ thật sự không phải là một điều gì đó quá đáng ngại. Thế nhưng nó sẽ trở thành rối loạn mặc cảm ngoại hình khi những khuyết điểm hoàn toàn không quá lớn và mọi người xung quanh cũng không để ý đến nó nhiều như cá nhân đó vẫn tưởng. Đã là rối loạn tâm lý thì không tốt một chút nào và rối loạn mặc cảm ngoại hình cũng cần phải phát hiện cũng như điều trị sớm để giúp tình trạng sức khỏe tinh thần được tốt hơn. 

Một trong những dấu hiệu cơ bản nhất của việc bị mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình là thường xuyên so sánh cơ thể của bản thân mình với người khác. Điều này sẽ càng dễ xảy ra hơn khi ngày nay mọi người thường xuyên bắt gặp những chàng trai, cô gái với thân hình chuẩn chỉnh trên mạng xã hội và vô tình hay cố ý thì mỗi chúng ta cũng sẽ tự khắc so sánh tình trạng của bản thân với các thân hình trong mơ đó. Tất nhiên các dấu hiệu của rối loạn mặc cảm ngoại hình không hề đơn giản như vậy mà nó còn nhiều thứ đạt đến tình trạng cực đoan hơn, ảnh hưởng một cách tiêu cực tới tinh thần và đời sống. 

Đơn cử như việc người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình sẽ thường xuyên soi gương để kiểm tra tình trạng của bản thân, nếu không sẽ cảm thấy khó chịu và “đứng ngồi không yên”. Ngược lại họ cũng có thể tránh né việc ngắm nhìn bản thân trong gương, để tránh thấy những điểm mà họ cho là xấu xí của cơ thể mình. Người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình còn che giấu khiếm khuyết bản thân bằng nón, kính, khăn hay đơn giản là trang điểm, dù đôi khi chúng không phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thời tiết. Một số cá nhân khác sẽ hạn chế đến những nơi đông người vì ngại ngùng và nghĩ rằng ở đó họ sẽ bị bàn luận và châm biếm bởi khiếm khuyết ngoại hình của họ. 

Nguy hiểm hơn là những người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình có thể tìm đến các phương thức làm đẹp cực đoan, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ. Ví dụ như nữ giới sẽ nhịn ăn một cách phi khoa học, thấm nước vào bông gòn hay giấy vệ sinh để cầm cự trong quá trình giảm cân này. Còn cánh mày râu vì muốn có cơ bắp hay thân hình 6 múi mà đi phẫu thuật tạo hình hoặc tiêm chất làm gia tăng khối lượng tế bào, gây nên sự nguy hiểm khó lường cho sức khỏe. Với những dấu hiệu như thế thì càng nguy hiểm hơn khi người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình đôi khi còn không biết bản thân đã rơi vào dạng rối loạn tâm lý này. 

Trong nghiên cứu, nhiều người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình cho biết họ từng bị châm chọc về ngoại hình. Khi mối liên hệ tiêu cực giữa ngoại hình và phản ứng của người khác được thiết lập, bạn dễ trở nên nhạy cảm hơn với những nhận xét xung quanh vẻ bề ngoài.

Chẳng hạn, một lời nói "vô thưởng vô phạt" về đặc điểm ngoại hình mà bạn từng bị chê bai sẽ làm bạn chú ý hơn, rồi trở nên ám ảnh với nó.

Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn mặc cảm ngoại hình, tuy nhiên dạng rối loạn này có thể được gây ra bởi các yếu tố như tâm lý, sinh học cũng như môi trường sống mà ở đó tâm lý là thứ có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong số những yếu tố này. 

Như đã nói ở phần trên thì mọi người sẽ dễ dàng so sánh bản thân mình với những thân hình đẹp được xem là tiêu chuẩn trên mạng xã hội hay các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Mọi người tự cho đó là quy chuẩn và rồi tự đánh giá ngoại hình của bản thân mình là chưa đẹp, về lâu về dài dẫn đến việc rối loạn mặc cảm ngoại hình. Mặc dù tiêu chuẩn cái đẹp của mỗi người là khác nhau và nó cũng đa dạng hơn trong xã hội hiện nay, nhưng dường như như vậy vẫn là chưa đủ để mọi người thôi bất an về ngoại hình của mình. 

Những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khi phải lắng nghe, nhận lấy các lời bình phẩm không hay ho về cơ thể của mình cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc rối loạn mặc cảm ngoại hình. Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 - Huỳnh Phạm Thủy Tiên từng chia sẻ rằng cô đã từng tự ti và mặc cảm rất nhiều về ngoại hình, sau khi nghe phải những lời đàm tiếu, mỉa mai của mọi người về cô trong quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường. Người buông ra những lời nói đó chỉ đơn thuần nghĩ đó là lời trêu chọc, đùa giỡn bình thường nhưng họ không biết rằng đó có thể là lý do khiến cho người ta bị mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình sau này. 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình còn có thể bị ảnh hưởng bởi thành viên trong gia đình từng mắc phải rối loạn này. Bên cạnh đó rối loạn mặc cảm ngoại hình cũng có liên đới phần nào với những cá nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder). Theo một nghiên cứu thì có khoảng 8 đến 37% người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có luôn những triệu chứng của người bị rối loạn mặc cảm ngoại hình. 

Vì là một dạng rối loạn về tâm lý nên cách tốt nhất để thoát ra khỏi rối loạn mặc cảm ngoại hình là tìm đến bác sĩ tâm lý để có được hướng giải quyết và điều trị hiệu quả nhất. Ở đó sẽ có những bài kiểm tra với các câu hỏi về thiết lập nhận thức, độ thực tế trong giả định và điều chỉnh thói quen nhìn mọi thứ theo hướng tệ nhất của những người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình. 

Bên cạnh việc chữa trị tâm lý để vượt qua mặc cảm ngoại hình thì có lẽ mọi người nên tìm hiểu và chấp nhận sự đa dạng về cái đẹp trong xã hội hiện nay như thông điệp Real Size Beauty mà Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2021 - Ann Anchilee Scott-Kemmis hay nhiều người mẫu ngoại cỡ của làng thời trang thế giới tuyên truyền những năm qua. Không có một số đo hay quy chuẩn nào được xem là vẻ đẹp tiêu chuẩn hay xuất sắc nhất cả, mỗi người trên thế giới này đều có một vẻ đẹp riêng và nó xứng đáng được tôn trọng. 

Không còn mặc cảm về ngoại hình còn là một dấu hiệu cho thấy việc một người biết yêu thương bản thân và nhận thức rõ được giá trị riêng của mình. Việc vượt qua được chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình sẽ càng khiến cho họ tự hào và thêm yêu quý bản thân của mình hơn. Giống như lời bài hát Scars To Your Beautiful của Alessia Cara với thông điệp rất ý nghĩa rằng “You should know you're beautiful just the way you are and you don't have to change a thing, the world could change its heart” - “Bạn xinh đẹp theo cách riêng của bạn và không cần phải thay đổi điều gì cả, thế giới sẽ phải thay đổi nó vì bạn”.