Việc tính cách hướng nội bị hiểu nhầm về định nghĩa và được sử dụng tràn lan không đúng tính chất của nó trên mạng xã hội khiến những cá nhân là người hướng nội thật sự cảm thấy có chút không hài lòng. Thậm chí điều này còn khiến mọi người có cái nhìn sai lệch về người hướng nội ở những khía cạnh khác nhau của họ.


Năm 2022 là năm mà cụm từ “hướng nội” được xuất hiện với mật độ dày đặc trên mạng xã hội với rất nhiều kiểu nội dung khác nhau. Ban đầu những nội dung về tính cách hướng nội hay người hướng nội còn được hưởng ứng vì sự hài hước của chúng. Tuy nhiên định nghĩa về hướng nội ngày một bị đi quá xa và làm sai lệch hoàn toàn bản chất của dạng tính cách này. Sau GenZ thì có lẽ hướng nội chính là một cụm từ “xu hướng” đã bị sử dụng quá đà trên mạng xã hội thời gian qua. 

Thuật ngữ về hướng nội và hướng ngoại được truyền bá bởi nhà tâm lý học người Thụy Sĩ - Carl Jung vào năm 1960, khi ông thảo luận cũng như nghiên cứu về các yếu tố tính cách của con người. Hướng ngoại và hướng nội được phân biệt phần nào nhờ vào nguồn năng lượng mà mỗi cá nhân thuộc tính hướng đó tìm đến để “cung cấp” cho bản thân họ. 

Sự tập trung vào cảm giác bên trong chính là thứ tạo nên người hướng nội hay người mang tính cách hướng nội. Cảm xúc bên trong chính là cảm xúc của bản thân, tính cách hay thói quen sống. Người hướng nội có xu hướng thích ở một mình, xuất hiện trong các môi trường có ít sự kích thích và tự bản thân họ có thể tự nạp lại năng lượng cho chính mình. Khác với người hướng ngoại khi họ sẽ nạp năng lượng cho bản thân bằng cách tương tác với người khác hay ở trong một môi trường có nhiều sự kích thích bởi yếu tố bên ngoài. 

Một ví dụ rõ nét để miêu tả về người hướng nội là họ có thể đi siêu thị, đi xem phim hay mua sắm một mình mà không cảm thấy cô đơn. Họ cũng có thể tham gia vào các hoạt động đông người và náo nhiệt như tiệc tùng hay đi xem concert, tuy nhiên ở những nơi này thì năng lượng của họ sẽ dễ bị rút cạn và họ cần phải ở một mình để “sạc pin” lại cho bản thân. Ngoài ra thì người hướng nội cũng thích lắng nghe hơn là bày tỏ ý kiến hay ưa chuộng việc viết lách hơn là phải nói. 

Bắt nguồn từ những nội dung hài hước trên các nền tảng mạng xã hội thì hướng nội hay người hướng nội đã được phổ biến nhiều hơn đối với mọi người. Thế nhưng cũng chính vì vậy mà hướng nội đã bị hiểu sai cách và còn bị nhầm lẫn với nhiều định nghĩa khác về tính cách của con người. Thậm chí hướng nội còn dần trở thành một thứ “xu hướng” mà nhiều cá nhân tự gán vào bản thân để trông ngầu hay hợp thời hơn. 

Mọi người hay nhầm tưởng người hướng nội là người nhút nhát hay có vấn đề trong việc giao tiếp xã hội, thông qua các nội dung rất buồn cười như “đi chợ bị thối tiền nhầm nhưng không dám đòi lại”, “đi cà phê bị nhân viên mang nhầm đồ uống nhưng không phản hồi”, “không nói không rằng lúc nào cũng lủi thủi một mình”...tất cả những điều này đều bị quy thành hướng nội. Trong mắt của mọi người, người hướng nội như một “sinh vật lạ”, không biết không dám bày tỏ ý kiến và luôn luôn tự cách ly bản thân với thế giới loài người. Hiểu như vậy về hướng nội hay người hướng nội là hoàn toàn không hề đúng một chút nào. 

Người hướng nội thích sự yên tĩnh, tự do và không muốn dành thời gian của bản thân họ cho người khác chứ họ không phải là nhóm không thể hay yếu kém trong mặt giao tiếp. Người hướng nội vẫn có khả năng giao tiếp và tương tác với mọi người bình thường, chỉ là đó không phải là cách để họ nạp lại năng lượng như người hướng ngoại mà thôi. Các cá nhân có tính cách hướng nội cũng không cô lập mình với thế giới bên ngoài mà họ vẫn giữ sự tương tác và mối quan hệ với những người thật sự thân thiết, thậm chí họ còn có thể thiết lập mối quan hệ mới nếu như chúng cần thiết. 

Những người hướng nội thường bị xem là ít nói, tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi họ ở trong các cuộc trò chuyện mang tính chất xã giao hay không quá thân thiết. Khi đặt họ trong vùng an toàn với những cá nhân thật sự thân thiết với họ, người hướng nội có thể “thao thao bất tuyệt” và đó là một điều vô cùng bình thường của người mang tính cách này. Người hướng nội thông thường sẽ có xu hướng nghe nhiều hơn là nói trong các cuộc trò chuyện bình thường, đây là cách tương tác khiến bản thân họ cảm thấy thoải mái nhất và cũng là thứ chứng minh rằng họ hoàn toàn không có vấn đề gì với con người hay xã hội hiện nay cả. 

Một lầm tưởng nữa là mọi người hay nghĩ rằng người hướng nội sẽ không thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hay thành công. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh điều ngược lại khi các tỷ phú, các ông trùm kinh doanh, các nhân vật nổi tiếng hàng đầu trên thế giới đều là người hướng nội. Đơn cử như các cái tên Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Warren Buffett, Barack Obama…Những đặc điểm đặc trưng của người hướng nội đã phần nào giúp các cái tên này có được thành công lớn trong sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó môn nghệ thuật thứ 7 mà cụ thể là Hollywood cũng đã xây dựng thành công nhiều nhân vật có tính cách hướng nội trên màn ảnh và được khán giả yêu thích nồng nhiệt như Wasabi của Big Hero 6, Violet của The Incredibles hay Katniss trong loạt phim đình đám The Hunger Games

Thích lắng nghe và có óc tò mò chính là hai yếu tố quan trọng giúp người hướng nội có cơ hội cao trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Việc họ có khả năng lắng nghe tốt giúp họ cảm thông và tạo mối liên kết hiệu quả hơn với các cộng sự. Khả năng suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cũng là một điểm cộng cho người hướng nội khi họ là người đứng đầu một tổ chức hay chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ nào đó. Vì thế tính cách hướng nội chưa bao giờ và cũng không bao giờ là rào cản hay yếu điểm để người hướng nội có thể trở thành một nhà lãnh đạo đại tài. 

Trước khi làm mộ việc gì đó thường thì người hướng nội sẽ mơ mộng suy nghĩ rất lâu, họ đặt ra trong đầu muôn vàn kiểu trạng thái, phong phú, nhiều giả thiết sống động được đặt ra trong đầu họ, từ đó họ sẽ tụ suy ngẫm và nghiêm cứu vấn đề đó là liệu có nên thực hiện hay không.

Người hướng nội luôn có quyết tâm để theo đuổi mục đích, sở thích và trước khi làm điều đó họ sẽ tích lũy đủ kiến thức và có một tâm thế sẵn sàng thực hiện.

Người hướng nội sẽ có thể kiên nhẫn ở nhà cả ngày để hoàn thành hoặc tìm hiểu công việc. Không giống như mẫu hướng ngoại, những người hướng nội sẵn sàng tự “cô lập” mình trong một thời gian dài để giải quyết công việc nếu họ thấy cần thiết. Họ thấy làm việc một mình không hề buồn tẻ mà lại rất thoải mái và thích được làm việc trong các môi trường như thế. Kết quả là, những người hướng nội có lợi thế tập trung trong một khoảng thời gian mà không bị phân tâm.

Suy cho cùng hướng nội hay hướng ngoại cũng chỉ là một dạng tính cách cơ bản của mỗi người mà thôi. Không phải cứ hướng nội là cao quý, đặc biệt hay “chất chơi” hơn hướng ngoại và ngược lại. Dạng tính cách nào cũng có những ưu và khuyết điểm riêng của nó, quan trọng là mỗi cá nhân biết cách phát huy thế mạnh và sửa chữa điểm yếu của mình để hướng tới một phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân mình, đó mới là điều quan trọng nhất.