Mang yếu tố "lần đầu tiên" về sự xuất hiện của một sân chơi nhạc rap, Rap Việt đã trải qua hành trình 3 tháng chinh phục khán giả.

Sức hút chương trình ngay từ thời điểm mới phát sóng cho tới nay khi đã kết thúc vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Hàng loạt những kỷ lục chưa từng có tại sân chơi thiên về rap đã tạo động lực phát triển cho thứ âm nhạc bị cho là kén người nghe.

Tháng 9/2020, theo một khảo sát do Novaon Communication thực hiện, có hơn 82,9% người được hỏi cho rằng rap sẽ trở thành thể loại nhạc xu hướng năm 2020. Điều này dường như cho thấy sự đón nhận tích cực của công chúng với một thể loại nhạc từng được xếp vào dạng kén người nghe – thậm chí có  thời gian dài phải chịu không ít "ghẻ lạnh", kỳ thị từ cả giới chuyên môn, truyền thông và bị mặc định là âm nhạc của giới Underground, của dòng phụ lưu hoặc chứa đựng nhiều ngôn ngữ đường phố chỉ để ca cho vui.

Chính bởi điều này, sự xuất hiện của chương trình Rap Việt ra mắt hồi tháng 8 được xem như làn sóng tiên phong, thuận lợi dọn đường cho thể loại rap vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn có để hướng tới đông đảo khán giả Việt. Chương trình được mua bản quyền từ show truyền hình đắt khách The Rapper của Thái Lan. Như thế, ở Việt Nam, lần đầu tiên rap/hip hop chính thức lên sóng giờ vàng cuối tuần.

Xét về về sự chỉn chu của một format có sẵn, Rap Việt thể hiện thế mạnh vượt trội. Ngoài mục đích đào sâu “mảnh đất” rap văn minh, được trau chuốt vần điệu, gửi gắm thông điệp tích cực, chương trình còn bổ sung thêm mảng giải trí, thu hút sự yêu thích của khán giả. Công chúng cũng đặt nhiều mong chờ dành cho những cái tên vốn nổi danh là thế hệ rapper F1 của Rap Việt hay nữ hoàng hip hop trong vai trò "cầm cân nảy mực" như Touliver, Rhymastic, JustaTee, Binz, Wowy, Karik, Suboi.

Theo thống kê từ công cụ VnAlert và SMCC, trong 14 ngày kể từ khi lên sóng, tổng số tin bài trên báo chính thống của Rap Việt là 250 bài - con số cao so với một chương trình mới.

Đặt trong bối cảnh quốc tế, chương trình về rap tại Việt Nam được đánh giá "sinh sau đẻ muộn". Tại Hàn Quốc, cuộc thi cạnh tranh như Show me the money khởi động từ năm 2012, tới nay đã trải qua 8 mùa và đang trong giai đoạn phát sóng mùa thứ 9. Hay cũng tại xứ sở Kim Chi, một show truyền hình cho các rapper nữ mang tên Unpretty rapstar cũng xuất hiện và “làm mưa làm gió” trong 3 mùa từ năm 2015 - 2016. Chương trình The Rapper của Thái Lan không chỉ nổi đình đám trong nước mà còn đạt vô số giải thưởng của châu Á, được nhiều nước mua bản quyền thực hiện lại.

Tuy nhiên, điều mà Rap Việt làm được  chính là việc chọn đúng “điểm rơi”, ra mắt hợp thời. Trong giai đoạn thị trường giải trí Việt đang chịu cảnh "đóng băng" do Covid-19, Rap Việt đã thổi một luồng gió mới, đánh trúng nhu cầu của số đông. Chưa kể, vài năm trở lại đây được xem là khoảng thời gian "trỗi dậy" của làng rap, khi nó không chỉ đóng khung với các nghệ sĩ nổi tiếng như Đen Vâu, Binz, Phúc Du, Karik,... mà còn cho thấy hàng loạt các rapper trẻ đầy tài năng, giàu sức sáng tạo.

Ngay từ thời điểm bắt đầu, Rap Việt đã đạt 6 triệu lượt xem, nằm chễm chệ ở vị trí top 1 thịnh hành YouTube Việt Nam chỉ sau hơn 1 ngày phát sóng tập 1. Sang tới tập 2, chương trình thiết lập kỷ lục với hơn 576.000 lượt xem cùng một lúc. Tuy nhiên, con số này sớm được phá bỏ chỉ sau đó 1 tuần khi tập 3 lên sóng, lượt người xem cùng lúc đạt 719.210 lượt - con số mà chưa một show truyền hình nào chạm tới.

Ngoài thời điểm phát sóng, 16 tập của chương trình này cũng thi nhau leo top thịnh hành, số lượt xem không dưới 10 - 20 triệu view/tập. Không chỉ nổi danh trong nước, chương trình còn làm "dậy sóng" các bảng xếp hạng mạng xã hội nước ngoài như lên top thịnh hành tại Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc)…

Với kỷ lục đêm chung kết 2 đạt hơn 1,1 triệu lượt xem cùng lúc, truyền thông đã ca ngợi: "Rap Việt chính là chương trình giải trí truyền hình Việt Nam đạt kỷ lục về lượt xem cùng lúc cao nhất thế giới". Cho tới nay, tầm ảnh hưởng của trận chung kết vẫn còn xôn xao khắp các trang mạng xã hội.

Tại bảng xếp hạng tháng 9 với top 10 người ảnh hưởng nổi bật nhất trên Social media được Buzzmetrics đánh giá, có tới 5 cái tên HLV, ban giám khảo trong Rap Việt bao gồm Binz, Karik, Suboi, Wowy và Rhymastic.

Những câu chuyện đời thực giản dị được tái hiện cực “hay ho" trên lời Rap, hay những bài học cuộc sống, câu nói truyền cảm hứng gửi gắm thông qua lời bình, lời nhận xét chân thật. Từng có một khoảng thời gian, mạng xã hội trở nên xôn xao xoay quanh những mẩu chuyện trong Rap Việt như nên học đại học hay theo đuổi đam mê.

MC Trấn Thành chia sẻ: "Chúng ta sẽ lựa chọn học hay không học nữa khi chúng ta cảm thấy cái gì cần thiết để học hơn. Chọn âm nhạc cũng là học, học từ chính trong âm nhạc. Nhưng khi lựa chọn, phải tin chắc rằng khả năng của mình thuộc về môn đã lựa chọn có thể làm được và nuôi sống được bản thân sau này hay không. Tại Rap Việt sẽ đào tạo nên những rapper bước ra đường kiếm tiền được chứ không đơn thuần chỉ là đam mê”.

Hay như HLV Suboi cũng đưa ra nhận định khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Cơ hội không phải chỉ có một đường thẳng mà sẽ có rất nhiều đường từ các hướng”. Đó là cách Rap Việt nói chung và các HLV, giám khảo - những người được coi như thế hệ đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ: Đam mê với ai cũng cần khoảng thời gian dài để chinh phục và phải có chông gai, thử thách mới hoàn thiện bản thân.

Và, sự nổi tiếng nào cũng đi kèm loạt tai tiếng không hay. Bên cạnh những tung hô, không ít thí sinh Rap Việt dính phải loạt bê bối về nghi án đạo nhạc hay thiếu cẩn trọng trong lời nói, có phát ngôn dung tục. Đỉnh điểm là lùm xùm của học trò Karik - MCK, anh bày tỏ quan điểm không sai nên không xin lỗi khi những phát ngôn không hay trong quá khứ bị đào lại. Nam rapper trẻ tuổi còn thể hiện thái độ ngông nghênh, khẳng định bản thân vào chung kết không phải vì công chúng ủng hộ.

Loạt tranh cãi bắt đầu nổ ra xoay quanh câu chuyện cá tính con người, "rapper nên thế" hay "vì họ nằm trong giới underground chứ không phải phụ thuộc vào mainstream nên chẳng cần phải nghe ai". Không ít người nhận định rằng, việc thể hiện cái tôi không đúng lúc đúng chỗ có thể trở thành còn dao hai lưỡi khiến những định kiến về rapper hay dòng nhạc rap rơi vào vết xe đổ của lối mòn cũ kỹ.

Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Với bất kỳ thể loại nào, âm nhạc vẫn là nghệ thuật và nghệ thuật là văn minh, hướng tới chân, thiện, mỹ. Không có nghệ thuật nào mà mang những tiếng chửi thề, thô bỉ, kích động bạo lực cả. Các bạn Rapper trẻ muốn được mọi người ghi nhận thì chính mình phải làm những bài hát có câu từ văn minh, dù đời thường, gần gũi thì cũng không cộc cằn”.

Sau tất cả, Rap Việt vẫn được coi là 1 chương trình cực kỳ thành công khi nó đã thu hẹp khoảng cách giữa thể loại nhạc Rap với phần đông công chúng Việt. Từ đây, những định kiến, ranh giới về một dòng nhạc "khó nghe" dần dần xoá bỏ.

Chắc chắn, cần có lời khen cho một chương trình kiến tạo ra trào lưu như thế.

Thiết kế: Hoài My