Gần đây, nhạc trẻ Việt Nam có sự xoay chiều đáng chú ý, khi một số sáng tác và MV lấy cảm hứng chủ đạo từ các chất liệu chất liệu lịch sử, văn học và thổi vào đó hơi thở riêng của mình...


Hơn một năm sau MV Anh ơi ở lại lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám tạo hiệu ứng tích cực, ca sĩ, diễn viên Chi Pu vừa ra mắt MV Cung đàn vỡ đôi giàu chất liệu dân gian miền Tây Nam Bộ. Đây là bản ballad nhẹ nhàng kết hợp khéo léo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tạo nên sự thích thú với người nghe. Thêm nữa, phần hình ảnh tại MV cũng rất đẹp, tái hiện câu chuyện về những người theo đuổi nghệ thuật cải lương Nam Bộ và góp phần đưa môn nghệ thuật truyền thống này đến gần khán giả trẻ. Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 1,6 triệu lượt xem, nằm vị trí thứ 4 trong top thịnh hành của YouTube Việt Nam.

Tương tự, khai thác câu chuyện lịch sử về Nam Phương Hoàng hậu của triều Nguyễn, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt hồi tháng 5 vừa qua cũng được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình. MV được ngợi khen này hiện đã đạt hơn 24 triệu lượt xem, từng đứng đầu tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam.

Ngoài ra, trong làn sóng tìm về chất liệu truyền thống của nhạc trẻ Việt, không thể thiếu gương mặt Hoàng Thùy Linh, với ca khúc Để Mị nói cho mà nghe đã “làm mưa, làm gió” hơn một năm qua. Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học vốn quen thuộc như Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo,Vợ nhặt,Lão Hạc,Tắt đèn,Số đỏ… và sớm “chạm” được cảm xúc của khán giả ngay trong lần nghe đầu tiên. Đó cũng là trường hợp album Hoàng của cô, với giai điệu hiện đại, ca từ vừa mang yếu tố dân gian, vừa mang yếu tố văn học. Để rồi, với các sản phẩm này, Hoàng Thùy Linh lập kỷ lục khi thắng 4 hạng mục của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 15- 2020, “ẵm” 7/10 giải âm nhạc Làn sóng xanh 2019 và gây ấn tượng với người yêu nhạc quốc tế tại Lễ hội âm nhạc Gió mùa...

Thực tế, nhiều ca sĩ trẻ cũng theo xu hướng này và gặt hái thành công, như Đức Phúc với MV Hết thương cạn nhớ, Thu Hằng với MV Nhà em ở lưng đồi...

Cùng điểm qua một loạt các sản phẩm nhạc trẻ sử dụng chất liệu truyền thống để thấy được rằng nghệ sĩ trẻ đã và đang ngày càng biết tôn trọng giá trị Việt hơn. Tất nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn những sản phẩm âm nhạc chỉn chu, có đầu tư về ca từ, bản phối cho đến hình ảnh của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam.

Bống Bống Bang Bang - 365

Ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp của các chàng trai 365 lại trở thành một hiện tượng của làng nhạc Việt. Bống Bống Bang Bang được sử dụng là nhạc phim cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Ca khúc trở thành MV Việt Nam đạt 450 triệu view YouTube nhanh nhất. Ca khúc kể lại câu chuyện về cuộc đời Tấm, khắc họa những gì Tấm trải qua một cách dí dỏm và hài hước nhất. Năm 2017, Bống Bống Bang Bang nhận Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến hạng mục Video âm nhạc của năm.

Kém duyên - Rum - Nit - Masew

Dù không phải sản phẩm thuộc về những tên tuổi nổi bật của nhạc Việt ở thời điểm ra mắt, Kém duyên vẫn trở hiện tượng của giới trẻ. Ca khúc sử dụng nhạc cụ truyền thống, tạo nên sự kết hợp mới lạ giữa dòng chảy hiện đại và màu sắc xưa cũ. Gần 3 năm kể từ ngày ra mắt, Kém duyên hiện thu về hơi 95 triệu view trên YouTube. “3 năm rồi mà nghe lại vẫn thấy hay” là một bình luận của khán giả dành cho Kém duyên.

Để Mị nói cho mà nghe

Để Mị nói cho mà nghe là một trong những sản phẩm giúp Hoàng Thuỳ Linh vươn lên mạnh mẽ tại đấu trường nhạc Việt và cả các BXH. Từ MV cho đến âm nhạc, Để Mị nói cho mà nghe đều tô đậm yếu tố dân tộc, truyền thống mà vẫn biết cách mang vào đó hơi thở hiện đại. Sự kết hợp này của Linh và DTAP đã mang về loạt giải thưởng đình đám tại Làn sóng xanh 2019 và Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 15- 2020

Bùa yêu

Bùa yêu là ca khúc đầu tiên ở Việt Nam được sản xuất theo mô hình nhóm – khi cả ba nhạc sĩ cùng tham gia vào tất cả các khâu như lên ý tưởng chủ đề, sáng tác nhạc, lời và phối khí. Sự bắt tay của Tiên Cookie, Phạm Thanh Hà, Dương K đem đến cho ca khúc sự pha trộn giữa các phần luyến láy mang âm hưởng dân ca với những đoạn beat drop bắt tai, hiện đại, tiệm cận với dòng chảy âm nhạc thế giới nhưng vẫn lưu giữ nét nhạc cổ truyền Việt Nam. Nói về Bùa yêu, Bích Phương chia sẻ: “Tôi làm dự án này xuất phát từ tình yêu đối với văn hoá Việt Nam. Tôi muốn qua những sản phẩm của mình, khán giả thêm yêu những nét văn hoá của chúng ta."

Điểm chung của các ca khúc tiếp cận được đông đảo giới trẻ là không đơn thuần “bê” nguyên chất liệu truyền thống, lịch sử vào tác phẩm, mà thổi vào đó không khí thời đại hôm nay. Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca khúc thành công khi có nội dung đương đại, nhưng giai điệu mang âm hưởng dân gian, hoặc đẩy tiết tấu hiện đại, đang thịnh hành như R&B, pop, rock sôi nổi vào những đề tài lịch sử, truyền thống…

“Ca dao, tục ngữ, lời ru, những tác phẩm văn học… đều là chất liệu và nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật và cơ hội để truyền bá văn hóa cho thế hệ trẻ”, Thịnh Kainz, thành viên nhóm DTAP - tác giả ca khúc Để Mị nói cho mà nghe chia sẻ.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, việc sử dụng chất liệu truyền thống, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới. Cụ thể, như lời nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc đến từ châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước mình. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ hào hướng khai thác chất liệu này đương nhiên là một xu hướng hợp lý và tích cực.

Tất nhiên, để xu hướng ấy trở thành một làn sóng thật sự tích cực của nhạc trẻ, đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều, như nhận định của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: “Thời gian qua, các nghệ sĩ trẻ chỉ tận dụng được phần nhỏ vốn quý của dân tộc và thể hiện ở bề nổi. Từ kho “trầm tích” luyện thành “kim cương”, đòi hỏi tài năng của nghệ sĩ. Họ phải biết chắt lọc những tinh chất đắt giá và kết hợp thông minh với tinh hoa nhân loại để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng”.