Ở tuổi U70, nhiều người - đặc biệt là các đấng mày râu - cho rằng, chuyện đi đứng, ăn mặc dường như không cần quá quan trọng nữa bởi mình đã qua cái tuổi phong độ nhất trong đời. Thế nhưng “ông chú Polo” hay còn gọi là Alain Tân, một doanh nhân kiêm Tiktoker 63 tuổi, lại nghĩ khác.

Hiện đang sở hữu hơn 1,1 triệu lượt theo dõi và 10,7 triệu lượt thích, Alain Tân đã làm khuấy đảo TikTok bằng những video thể hiện phong cách ăn mặc thời thượng và khí chất không kém bất kỳ bạn trẻ nào.

Tên thật Lưu Quốc Tân, ông hiện đang là một tài khoản TikToker “hàng hiếm” tại Việt Nam không chỉ vì tuổi đời mà còn vì nội dung vô cùng mới mẻ và thu hút dành cho mọi đối tượng. Xuyên suốt trong các video của mình, Alain Tân thường hướng dẫn các bạn trẻ, đặc biệt là nam giới, cách ăn mặc để đi gặp bạn gái, đi làm, đi chơi... mà ông cam đoan rằng sẽ khiến vạn người mê.

Video đầu tiên mà Alain Tân đăng tải trên kênh TikTok của mình chỉ vỏn vẹn 22 giây nhưng chưa đầy 24 giờ sau đó đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem và hơn 50 triệu lượt thích - con số đáng mơ ước của bất kì ai khi tham gia làm video trên TikTok. Từ thành công ấy, Alain Tân còn vô tình giúp cho doanh số những sản phẩm mà mình mặc trong video tăng một cách đột biến và dần nhận được rất nhiều lời mời hợp tác từ các nhãn hàng thời trang tại Việt Nam.

Hiện tại, không có video nào trên kênh “ông chú Polo” có dưới 1 triệu lượt xem. Ông trở thành cảm hứng của nhiều bạn trẻ lẫn những người cùng độ tuổi - khi đa số đều để lại lời khen ngợi phong cách và khí chất hiếm có ấy. Như lời họ, Alain Tân có một nụ cười vô cùng năng lượng và truyền cảm hứng tích cực.

Chia sẻ về lí do tham gia mạng xã hội, Alain Tân nói rằng bây giờ là lúc lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cuộc đời, để sau này khi... tóc rụng răng rụng thì có thứ mở ra và nhớ về một thời kì phong độ không kém ai. Chơi mạng xã hội, ông cũng có cơ hội tham gia các hội nhóm yêu thời trang và làm quen.

Cũng theo Alain Tân ăn mặc đẹp là cách để dễ dàng tạo thiện cảm với khách hàng trong công việc và với người xung quanh trong cuộc sống. Bởi, phong cách ăn mặc của một người sẽ nói lên rất rõ sở thích và tính cách của họ.

Là người Việt gốc Hoa tại TP.HCM, Alain Tân từng chu du khắp thế giới. Lúc trẻ, ông có thời gian du học tại Pháp, tiếp xúc và yêu mến văn hóa Pháp và các nước châu Âu. Sau đó ông trở về Việt Nam và làm việc trong lĩnh vực marketing cho một công ty Đài Loan (Trung Quốc). Khi đất nước mở cửa hội nhập, với vốn tiếng Hoa và kinh nghiệm của mình, Alain Tân nhận được nhiều lời mời hợp tác và tận dụng cơ hội đi công tác khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ Âu tới Á.

Có lẽ nhờ những trải nghiệm phong phú đó, Alain Tân đã được học hỏi và xây dựng cho mình một phong cách thời trang thanh lịch, tinh tế và cũng rất hiện đại.

Alain Tân cho biết ông đã có thâm niên hơn 30 năm theo đuổi “classic menwear”, một phong cách thời trang mang hơi hướng cổ điển mà không nhiều người theo đuổi ở Việt Nam. Theo đó, những trang phục đặc trưng của phong cách này bao gồm áo polo (áo thun có cổ sơ mi), quần kaki và giày loafer (giày tây). Ông đặc biệt biệt yêu thích phong cách thời trang của Ý và lãnh thổ Hong Kong những năm 60 đến 90.

Tuy nhiên, Alain Tân cũng có lúc mặc đa dạng với quần jeans, short và áo khoác blazer. Ông chia sẻ rằng một chiếc áo blazer hay sơ mi là thứ mà bất cứ người đàn ông nào cũng nên có, dù là đặt may hay mua thì cũng phải được chỉnh sửa thật vừa vặn với mình, đặc biệt là tay áo.

Về cách phối đồ, Alain Tân nói rằng mặc đẹp không khó như nhiều người vẫn nghĩ nhưng quan trọng nhất là phối cho hoàn chỉnh - và hơn hết, phải tạo ra khí chất riêng. Theo ông, đây là điều mà những người theo đuổi phong cách thời trang cổ điển đang thiếu, trong đó có việc rập khuôn và chọn kiểu quá giống nhau về tóc và giày. Để có được dấu ấn cá nhân của riêng mình, Alain Tân luôn xác định rõ loại trang phục mình yêu thích nhất, rồi từ đó mới tìm cách phối chúng với nhau. Ông cũng chú trọng yếu tố lịch thiệp trong từng set đồ để không bị "sến".

Từng có cơ hội được đặt chân đến nhiều kinh đô thời trang của thế giới, Alain Tân vẫn đánh giá rất cách ăn mặc và may đo của Việt Nam. Theo ông, nếu phải làm lập bảng xếp hạng trong khu vực, Việt Nam chỉ thua Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc) về lĩnh vực này. Đặc biệt, ông cũng nhận xét rằng thế hệ trẻ ngày nay có sự quan tâm và biết đầu tư vào thời trang cá nhân. Những người có kiến thức khá vững vàng, biết cách định hình phong cách cho bản thân sẽ dần chiếm số đông trong tương lai.

Alain Tân luôn xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu và nụ cười đầy năng lượng trên môi. Ít ai biết, để có thái độ sống tích cực ở độ tuổi này, ông cũng đã phải trải qua rất nhiều biến cố để thay đổi suy nghĩ của bản thân. Ông kể, mình từng có 2 lần bị người thân và bạn thân lừa trong công việc, sau đó phải rất nỗ lực để tiếp tục vươn lên. Hơn thế, cách đây 30 năm Alain Tân từng trải qua một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Đứng giữa sinh tử, ông đã thay đổi suy nghĩ và luôn dặn bản thân sống tích cực, cũng như luôn mang đến những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh mình.

Alain Tân là hiện tượng thời trang mạng rất đáng chú ý của Việt Nam, khi trên thế giới không nhiều người ở độ tuổi gần thất thập làm được như vậy. Gần nhất, năm 2020, tại Trung Quốc cũng có một hiện tượng thời trang mạng được quan tâm là ông Kang - người ở độ tuổi ngoài 80 nhưng vẫn diện những bộ trang phục cực chất, phong cách trẻ trung và thời thượng khác xa những người đồng niên. Và, cũng như Alain Tân, thứ khiến người ta yêu thích người đàn ông này chính là phong thái thong dong và tinh thần tích cực.

Tất nhiên, bên cạnh những người ủng hộ ông Alain Tân hay ông Kang, cũng có những ý kiến trái chiều. Nhưng hãy công bằng: Thực tế, với rất nhiều người lớn lên ở những thế kỷ trước, họ chưa từng có điều kiện tận hưởng cuộc sống, cũng như những thú vui và đam mê của mình. Để rồi bây giờ, khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, bên cạnh việc nối lại những đam mê ấy với điều kiện đã đủ đầy hơn, họ còn là chiếc cầu nối với những người đồng sở thích của thế hệ trẻ.

Tất nhiên, bên cạnh những người ủng hộ ông Alain Tân hay ông Kang, cũng có những ý kiến trái chiều. Nhưng hãy công bằng: Thực tế, với rất nhiều người lớn lên ở những thế kỷ trước, họ chưa từng có điều kiện tận hưởng cuộc sống, cũng như những thú vui và đam mê của mình. Để rồi bây giờ, khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, bên cạnh việc nối lại những đam mê ấy với điều kiện đã đủ đầy hơn, họ còn là chiếc cầu nối với những người đồng sở thích của thế hệ trẻ.