Có được 4 danh hiệu Grand Slam khi mới chỉ 23 tuổi, Naomi Osaka đã trở thành một biểu tượng mới trong làng banh nỉ thế giới với tài năng và thành tích khiến nhiều đàn chị phải ghen tỵ. Thành công của Osaka đang là hình tượng truyền cảm hứng mới cho hàng triệu cô gái trẻ khác ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.


Chức vô địch ở Australian Open 2021 vào ngày 20 tháng 2 vừa qua đã giúp Naomi Osaka trở thành 1 trong 4 tay vợt nữ còn thi đấu có nhiều danh hiệu Grand Slam nhất hiện nay. Thành tích này càng trở nên ấn tượng hơn khi cô có được nó ở độ tuổi 23 - trẻ nhất trong số 4 tay vợt và mới thi đấu chuyên nghiệp chưa đầy 8 năm.

Naomi Osaka sinh ngày 16 tháng 10 năm 1997 tại Osaka, Nhật Bản với bố là người Haiti còn mẹ là người Nhật Bản. Cô còn có một người chị gái tên Mari Osaka lớn hơn cô 1 tuổi. Năm 3 tuổi, Naomi cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại Valley Stream, New York và đây cũng là nơi bắt đầu cho cơ duyên đến với quần vợt của cô. Leonard François - bố của Naomi trong một lần xem chị em nhà Williams thi đấu ở Roland Garros 1999 đã quyết định hướng dẫn con gái làm quen với bộ môn này nhờ một chút kinh nghiệm đã có trước đó.

Năm 2006, Naomi Osaka cùng gia đình chuyển đến Florida để cô có thêm điều kiện rèn luyện nhiều hơn với môn quần vợt. Sau đó, tay vợt sinh năm 1997 còn luyện tập tại ISP Academy, Harold Solomon Tennis Academy và ProWorld Tennis Academy trước khi chính thức trở thành vận động viên chuyên nghiệp vào tháng 9 năm 2013 khi chưa tròn 16 tuổi. Dù vậy phải đến năm 2014 ở giải Stanford Classic, Naomi Osaka mới được thi đấu ở vòng đấu chính của giải thuộc hệ thống WTA Tour sau khi vượt qua vòng loại. Ngay ở vòng 1, cô đã gây bất ngờ khi đánh bại tay vợt xếp hạng 19 thế giới lúc đó đồng thời là nhà vô địch Grand Slam - Samantha Stosur sau 3 set đấu căng thẳng. Tuy bị loại ngay ở vòng tiếp theo nhưng hình ảnh mạnh mẽ với những cú đánh uy lực của Naomi Osaka đã bắt đầu lọt vào “mắt xanh” của những người yêu mến bộ môn này. 

Tay vợt người Nhật Bản cứ thế từng bước tiến bộ dần dần qua từng năm và lọt Top 50 thế giới lần đầu tiên vào năm 2016 khi lọt vào chung kết của giải Pan Pacific Open tại quê nhà. Không chỉ vậy mà cuối năm đó, cô còn được WTA vinh danh là Newcomer of the Year vì sự tiến bộ đáng ngưỡng mộ của mình. Tuy nhiên bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Naomi Osaka phải kể đến chức vô địch ở giải Indian Wells 2018. Được xem là Grand Slam thứ 5 của làng quần vợt thế giới, Naomi đã có cuộc hành trình phi thường khi vượt qua 3 cựu số 1 thế giới và đương kim số 1 thế giới lúc đó để giành được danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp. Cô trở thành tay vợt thứ 3 trong lịch sử giải này không được xếp hạt giống nhưng vẫn vô địch và quan trọng nhất cô chính là tay vợt Nhật Bản đầu tiên chiến thắng ở một giải được xếp hạng Premier Mandatory. Chính từ lúc đó, các chuyên trang thể thao hàng đầu thế giới như FOX Sports hay ESPN bắt đầu gọi Naomi với cái tên “hạt giống mới của quần vợt nữ thế giới”.

Sau chức vô địch bước ngoặt đó, sự nghiệp của Naomi Osaka đi lên như diều gặp gió khi có được danh hiệu vô địch Grand Slam đầu tay ở US Open 2018 khi vượt qua chính thần tượng của mình là Serena Williams trong trận chung kết đầy ồn ào và kịch tính. Kết thúc mùa giải năm 2018, Naomi Osaka trở thành tay vợt Nhật Bản có thứ hạng cao nhất trong lịch sử với vị trí thứ 4 đồng thời cũng là gương mặt nữ kiếm được nhiều tiền nhất năm với 6,4 triệu đô la Mỹ. Sau đó, tay vợt sinh năm 1997 còn giành thêm chức vô địch ở Australian Open 2019 và vươn lên ngôi số 1 thế giới. Cô cũng là tay vợt châu Á đầu tiên làm được điều này ở nội dung đánh đơn. Sức mạnh cùng tinh thần thép của Naomi Osaka giúp cô cứ thế mà đi tới để chinh phục thêm 2 danh hiệu Grand Slam (US Open 2020, Australian Open 2021) và 1 danh hiệu Premier Mandatory (China Open 2019) nữa. Xét về thành tích ở các giải Grand Slam thì Naomi Osaka chính là tay vợt nữ dưới 30 tuổi xuất sắc nhất hiện nay của làng quần vợt thế giới.

Để đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ này tất nhiên không phải là chuyện đơn giản, mà nó chính là kết quả của quá trình tập luyện hăng say cũng như tuân theo những quy tắc mà Naomi Osaka đặt ra cho bản thân mình. Hình ảnh của Naomi hay nói cách khác là những quy tắc của cô hoàn toàn là nguồn cảm hứng để bất kỳ ai cũng có thể học tập theo với mong muốn đạt được mục đích của mình. Với Naomi Osaka, quy tắc đầu tiên dẫn lối thành công cho cô là “không có chỗ cho cái gọi là về nhì”. Thời thơ ấu Naomi Osaka từng viết một bức thư để bày tỏ lòng hâm mộ của mình với ngôi sao hàng đầu Serena Williams. Để rồi trong chung kết US Open 2018, khi đối đầu với chính thần tượng một thời, Naomi đã có một chiến thắng không thể thuyết phục hơn. Phát biểu sau trận đấu, cô nói rằng “Tôi chỉ nghĩ rằng mình thật sự muốn thi đấu và đánh bại chị ấy”. Cảm giác chiến thắng là rất tuyệt nhưng nó sẽ càng tuyệt hơn khi đánh bại chính thần tượng - người được xem là xuất sắc bậc nhất trong làng quần vợt nữ thế giới. Trong tâm trí của Naomi Osaka chiến thắng thôi là chưa đủ mà phải chiến thắng người giỏi nhất để được mọi người công nhận và khẳng định bản thân là số 1 trong cuộc chiến này.

Tâm lý vững vàng trong bất kỳ thời điểm nào là quy tắc thứ 2 mà cô tuân theo trong sự nghiệp của mình. Khác với quy tắc đầu tiên, phải mất một khoảng thời gian khá dài, trải qua nhiều giải đấu khác nhau thì Naomi Osaka mới có thể nhận ra tầm quan trọng của việc điều chỉnh tâm lý bản thân. Nếu trước đây, cô dễ dàng buông xuôi và thậm chí “tự thua” nếu như cục diện trận đấu không theo ý mình, thì giờ đây ở tuổi 23 Naomi đã trở nên mạnh mẽ và gan lì hơn rất nhiều. Vẫn nét mặt lạnh lùng, vẫn những cú giao bóng thần sầu, vẫn những cú đánh uy lực nhưng sức mạnh của cô đã mạnh mẽ hơn rất nhiều nhờ sự vững vàng trong tâm lý thi đấu. Quy tắc thứ 2 của Naomi Osaka chính là minh chứng rõ nhất cho câu nói “bạn không thể điều khiển được những chuyện xảy đến với mình nhưng bạn có quyền chọn cách phù hợp để đối phó với nó”

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là Naomi Osaka luôn chọn ở bên những người mang lại cho cô nguồn năng lượng tích cực. Ngay sau khi giành chức vô địch ở Australian Open 2019 và leo lên ngôi số 1 thế giới, Naomi Osaka đã gây bất ngờ khi nói lời chia tay với vị huấn luyện viên Sascha Bajin. Mặc cho những đồn đoán của truyền thông thế giới, Naomi chỉ nhẹ nhàng trả lời rằng “tôi không còn thấy vui khi hợp tác cùng Sascha nữa và tôi sẽ không bao giờ hy sinh niềm hạnh phúc của mình để có được thành công”. Naomi xem trọng việc thành công trong sự nghiệp nhưng hạnh phúc mới là điều mà cô quan tâm hơn cả. Vì với bản thân cô, niềm hạnh phúc khi làm việc mới có thể giúp con người ta đạt được những thành công về lâu về dài trong sự nghiệp của họ. Với những gì mà bản thân cô đã có được sau khi chia tay Sascha Bajin thì Naomi Osaka đã hoàn toàn đúng trong chuyện này.

“Naomi là một người phụ nữ đặc biệt, cô ấy đại diện cho thế hệ của mình và cũng là hình mẫu cho số đông. Sự nghiệp và niềm tin của cô ấy thật sự truyền cảm hứng. Tôi rất kính trọng Naomi, cô ấy luôn sống thật với bản thân và không thỏa hiệp” - Nicolas Ghesquière, giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton ca ngợi Naomi Osaka khi chọn cô làm đại sứ toàn cầu mới của thương hiệu này. Hay như Jennifer Brady - “bại tướng” mới đây nhất của Naomi Osaka ở Australian Open 2021 cũng phải “ngả mũ thán phục” và dành tặng những lời có cánh cho cô "Tôi mong rằng các cô gái trẻ ở nhà đang theo dõi sẽ được truyền cảm hứng từ những gì mà Naomi Osaka đang làm. Cô ấy thật sự là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người trong đó có cả tôi”. 

Naomi Osaka không chỉ là một tay vợt nữ tài năng bậc nhất hiện nay hay là một gương mặt truyền cảm hứng cho giới trẻ, mà sự thành công của cô còn là niềm hy vọng để thay đổi những giá trị trong tiềm thức về màu da, sắc tộc đã dần lạc hậu tại quê nhà Nhật Bản. Sự thay đổi này không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thể thao mà còn lan rộng ra cả toàn xã hội. Thi đấu tại Olympic Tokyo 2021 tới, chắc chắn mục tiêu của Naomi Osaka sẽ là tấm huy chương vàng danh giá, không chỉ để khẳng định vị thế của cô trong làng quần vợt nữ thế giới mà còn để cho nước Nhật tự hào vì đã có một người con khác biệt nhưng đầy tài năng và xuất sắc như cô.