Mặc dù chỉ mới 38 tuổi nhưng Samuel H. Altman đã nổi tiếng toàn cầu sau thành công của ChatGPT. Hiện khối tài sản của anh chàng ước tính lên tới 2 tỷ USD (hơn 47 nghìn tỷ đồng).

Ra mắt vào cuối năm 2022, công nghệ siêu AI ChatGPT do OpenAI phát triển đã lập tức tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu. Với khả năng trả lời câu hỏi, xây dựng kịch bản, viết văn,... theo ý người dùng, ChatGPT được ví mang trí thông minh không khác gì người thật. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ứng dụng này đã cán mốc 100 triệu người dùng và có tới 13 triệu người truy cập mỗi ngày. Chính vì thế, cha đẻ của ChatGPT là Samuel H. Altman nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người. 

Samuel H. Altman (Sam Altman) sinh ngày 22/4/1985 tại thành phố Chicago (thuộc bang Illinois, Mỹ), nhưng lớn lên ở thành phố St. Louis (thuộc bang Missouri). Là người gốc Do Thái nên từ nhỏ anh đã bộc lộ trí thông minh vượt trội của mình. Vào năm sinh nhật 8 tuổi, Sam Altman được mẹ tặng cho một chiếc máy tính. Nó đã khơi gợi niềm đam mê công nghệ trong thiên tài nhí. Cậu bé 8 tuổi khi ấy đã tự mày mò học lập trình và nó cũng trở thành ước mơ mà anh theo đuổi trong tương lai. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, Sam Altman thi đỗ vào đại học Stanford ngành Khoa học máy tính. Đây là một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ nhưng anh chàng quyết định từ bỏ việc học chỉ sau 2 năm. Sam Altman bắt đầu khởi nghiệp từ năm 19 tuổi với mạng xã hội dựa trên vị trí Loopt. Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh lớn với Facebook và Twitter nhưng Sam Altman vẫn kêu gọi được số vốn lên tới 30 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, thời điểm đó Sam Altman còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Loopt không thể tiếp tục cạnh tranh với các mạng xã hội toàn cầu và đến năm 2012 buộc phải đóng cửa. Sau đó nó đã được tập đoàn tài chính công nghệ Green Dot thu mua với giá 43,4 triệu USD (hơn 1 nghìn tỷ đồng). 

Mặc dù không hoàn thành chương trình đại học nhưng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực công nghệ, Sam Altman vẫn được trường Đại học Waterloo (Canada) trao tặng tấm bằng danh dự vào năm 2017. Anh cũng khiến nhiều người bất ngờ khi công khai mình là thành viên thuộc cộng đồng LGBT từ khi còn đi học. Sam Altman từng có 9 năm hẹn hò với Nick Sivo, đồng sáng lập Loopt. Tuy nhiên, cả hai đã “đường ai nấy đi” sau khi công ty khởi nghiệp chung bị thâu tóm. 

Sự thất bại của Loopt cũng chính là động lực và để lại cho Sam Altman nhiều bài học quý giá trên hành trình theo đuổi đam mê công nghệ của mình. 

Trong thời gian khởi nghiệp với Loopt, Sam Altman cũng làm việc bán thời gian tại Y Combinator. Đây là một trong những công ty hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Từ khi Loopt chính thức đóng cửa, anh chàng cũng gia nhập Y Combinator. Với tài năng thiên bẩm của mình, chàng trai gốc Do Thái nhanh chóng tạo sự chú ý với chủ tịch  Paul Graham - nhà sáng lập của công ty.

Anh chàng đã thành công lập quỹ đầu tư mạo hiểm Hydrazine Capital và huy động được 21 triệu USD (gần 500 tỷ đồng). Sam Altman đã đầu tư 75% số tiền đó vào các công ty Y Combinator. Cũng nhờ đó mà sau thất bại của Loopt, chàng trai gốc Do Thái vẫn dẫn đầu vòng gọi vốn Series B của Reddit.

Năm 2014, Sam Altman đã được chính chủ tịch của Y Combinator trao lại vị trí này khi mới 29 tuổi. Chỉ 2 năm sau khi nắm quyền điều hành, anh chàng đã vươn lên vị trí chủ tịch YC Group. Từ đó năm giữ trong tay cả Y Combinator và các đơn vị khác. Sam Altman cũng đặt ra mục tiêu sẽ tài trợ 1.000 startup mỗi năm. Tại đây, Sam Altman đã tạo được tiếng vang lớn khi thành công đầu tư vào hàng loạt dự án ấn tượng. Trong đó có thể kể đến một số cái tên như: Reddit, Airbnb, Pinterest, Anasa, Teespring, Instacart, Zenefits hay Optimizely.

Thời gian này, anh chàng cũng có có loạt bài giảng tại Stanford về chủ đề: "Làm thế nào để bắt đầu một công ty khởi nghiệp" thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Năm 2015, chàng trai gốc Do Thái được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ những nhà nhà đầu tư hàng đầu thế giới dưới 30 tuổi. Nhận xét về vị chủ tịch trẻ tuổi của chủ tịch YC Group, Mark Andreessen, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz khẳng định: "Dưới thời Sam, mức độ tham vọng của Y Combinator đã tăng lên gấp 10 lần”.

Năm 2015, Sam Altman cùng tỷ phú Elon Musk, Greg Brockman, Reid Hoffman, Jessica Livingston và Peter Thiel thành lập OpenAI, chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Lúc đầu tổ chức này được thành lập với mục đích phi lợi nhuận, phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo thân thiện và có lợi, tránh khả năng AI vượt tầm kiểm soát của con người. 

Đến 2019, Sam Altman đã từ chức ở Y Combinator để tập trung vào OpenAI và trở thành CEO của công ty. Từ khi thành lập, OpenAI đã phát triển nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo khác nhau. Thậm chí có cả AI biết chơi game vượt qua kỹ năng của các game thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ đến khi công nghệ siêu AI ChatGPT ra mắt vào cuối tháng 11 năm 2022, OpenAI mới thực sự phủ sóng toàn cầu. 

Đây là một chatbot (phần mềm chat tự động) được tích hợp trí tuệ nhân tạo. Nó có thể trò chuyện với con người một cách tự động thông qua những câu hỏi. Người dùng có thể đưa ra bất cứ câu hỏi về tất cả các lĩnh vực từ đời sống, khoa học, xã hội đến văn học ChatGPT đều có thể đưa ra câu trả lời. Thậm chí, nó còn có khả năng tự học hỏi và cập nhật các cơ sở dữ liệu để đưa ra các phản hồi tốt hơn những lần trước đó. Chính vì vậy, ChatGPT được đánh giá là siêu trí tuệ AI thông minh nhất hiện nay. Đặc biệt, sau khi ChatGPT được giới thiệu đến công chúng, ông lớn trong ngành công nghệ là Google đã phải phát “báo động đỏ” cho toàn công ty ngay trước lễ Giáng sinh.

Như vậy, từ chàng trai thất bại với mạng xã hội Loopt, Sam Altman đã khẳng định được vị trí của mình với ChatGPT. Bên cạnh đó, trong năm 2022, OpenAI cũng thành công vang dội với hàng loạt các siêu phẩm như: AI Dall-E 2 có thể sáng tạo tác phẩm nghệ thuật chỉ từ một chuỗi văn bản. Chàng trai gốc Do Thái kỳ vọng ChatGPT trong tương lai có thể vượt qua được trí thông minh của con người.

Dù mới gia nhập đường đua công nghệ không lâu nhưng OpenAI đã thành công khiến nhiều công ty công nghệ khác phải “đau đầu”. Hiện tại, OpenAI đang thu về lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Điều này càng khẳng định tài năng của Sam Altman nhưng nó cũng khiến anh gặp phải tranh cãi vì đi ngược lại tôn chỉ phi lợi nhuận ban đầu của OpenAI.

Thông tin đăng tải trên tờ Thời báo Phố Wall cho hay trong một đề nghị đấu thầu trước đó, OpenAI được định giá khoảng 14 tỷ USD (hơn 330 nghìn tỷ đồng). Hiện tại, nguồn thu của công ty này đến từ việc bán các đoạn code cho các nhà phát triển khác. Sam Altman cũng không giấu ý định kinh doanh với công ty công nghệ này. Anh khẳng định sẽ sớm định hình chiến lược kiếm tiền từ các sản phẩm đã ra mắt. 

Trong tương lai, ChatGPT có thể kiếm bội tiền từ việc thu phí người dùng. CEO của OpenAI kỳ vọng doanh thu hàng năm lên tới 1 tỷ USD (hơn 23 nghìn tỷ đồng) từ việc thu phí người dùng và doanh nghiệp sử dụng. 

Mặc dù rất thành công trong lĩnh vực công nghệ nhưng Sam Altman lại được ví như một “thiên tài lập dị”. Anh luôn bị ám ảnh về ngày tận thế, thậm chí đã chuẩn bị hết tất cả của cải, vũ khí, trang thiết bị sinh hoạt để đề phòng cho ngày này. Dẫu vậy, những đóng góp của chàng trai gốc Do Thái cho ngành công nghệ toàn cầu là không thể phủ nhận.