Nếu như trước đây các dự án cổ phong chỉ được chú ý bởi hoạt động của một nhóm cộng đồng nhỏ trên mạng xã hội hoặc được thúc đẩy bởi các cơ quan bảo tồn văn hóa thì hiện tại đã có nhiều bạn trẻ dấn thân con đường này từ ý thức nội tại bên trong, bằng niềm đam mê nghiên cứu và mong muốn lan tỏa của mình. 

Kris Nguyễn (Nguyễn Quốc Trí), chàng trai làm trong ngành sáng tạo thuộc thế hệ Gen Z là một trong những bạn trẻ như thế. Với‌ ‌niềm‌ ‌đam‌ ‌mê‌ ‌văn‌ ‌hóa‌ ‌bản‌ ‌xứ‌ ‌và‌ ‌mong‌ ‌muốn‌ ‌trở‌ ‌thành‌ ‌một‌ ‌trong‌ ‌những‌ ‌người‌ ‌tiên‌ ‌phong‌ ‌mang‌ ‌đến‌ ‌cho‌ ‌mọi‌ ‌người‌ ‌hiểu‌ ‌biết‌ ‌hơn‌ ‌về‌ ‌cội‌ ‌nguồn,‌ ‌phong‌ ‌tục,‌ ‌tinh‌ ‌hoa‌ ‌văn‌ ‌hóa‌ ‌dân‌ ‌tộc‌ ‌của‌ ‌đất‌ ‌nước‌ ‌mình.‌ Kris Nguyễn gửi gắm điều đó thông qua những dự án thiết kế và nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ.
 

* Vì sao bạn lại lựa chọn “cổ phong” là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm sáng tạo của mình?
Hiện tại không chỉ riêng mình mà các bạn trẻ đã có sự quan tâm nhất định đến phong trào cổ phong. Mình thấy đây là một tín hiệu đáng mừng và đó không chỉ là sự quan tâm nhất thời mà là con đường lâu dài để phát triển văn hoá. Riêng với Kris, mình nhận ra sự yêu thích đối với văn hóa truyền thống Việt Nam và mong muốn giới thiệu nó đến với tất cả mọi người.

“Hãy để tôi kể cho bạn nghe những câu chuyện về thế giới của tôi - thế giới của một người sống qua nhiều thập kỷ và thế kỷ, lang thang giữa một vùng đất kỳ ảo của hiện tại và quá khứ”, mình từng chia sẻ trên trang cá nhân như thế, thật ra ý mình là sự di chuyển, tìm hiểu không ngừng về vùng đất mà chúng ta đang sống trong hiện tại và cả quá khứ.
Và, mình thực hiện điều đó thông qua nét vẽ và góc nhìn của bản thân.
 

* "Cổ phong" đã và đang được nhiều người đón nhận, trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều bạn trẻ. Trong quá trình thực hiện các dự án này, bạn có gặp nhiều khó khăn không?

Có lẽ khó khăn nhất đối với mình chính là việc cân bằng giữa thẩm mỹ cá nhân và thẩm mỹ thời xưa để đem tới những sản phẩm phù hợp với thời đại mà vẫn giữ yếu tố xưa cũ, đồng thời đảm bảo độ chính xác và thẩm mỹ của tác phẩm. 
Bơi thế mỗi dự án mình đều có một thời gian để hoàn thiện và chúng không thể tách khỏi quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức của mình kéo dài từ trước đến nay.
 

* Một trong những dự án được chú ý nhiều nhất của bạn đó là thiết kế trang phục phỏng theo cổ phục Việt Nam. Bạn cũng từng chia sẻ có niềm đam mê đối với trang phục truyền thống. Điều gì hấp dẫn bạn đến vậy?

Niềm đam mê này của mình đã hình thành từ rất lâu, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mình có một sự hứng thú đặc biệt đối với văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Càng tìm hiểu về văn hóa nước ta, mình càng yêu thích vì sự đẹp đẽ và độc đáo vốn có.
 
Mình không tự nhận là một nhà nghiên cứu hay làm với sứ mệnh gì lớn lao. Mình chỉ mong muốn thông qua nét vẽ, các thiết kế trang phục có thể mang nét đẹp cổ phục trở nên gần gũi hơn với mọi người. 

Mình cũng nhận ra nhiều nét văn hoá còn bị bỏ ngỏ. Đặc biệt đối với trang phục Việt Nam, sự đứt gãy văn hoá đã tạo nên một sự xa lạ trong trang phục khiến cho mọi người không định hình được những bộ trang phục Việt Nam trông như thế nào và từ đó tạo ra sự sai lệch trong truyền bá, trong phim ảnh, sản phẩm thiết kế nghệ thuật,...
 

* Chắc hẳn, khó khăn nhất khi làm trang phục cổ phong chắc là làm sao để vừa gần gũi với thời đại vừa giữ được hồn túy vốn có của nó và cả sự chính xác ứng với từng niên đại, bạn làm thế nào để cân bằng điều này?

Không chỉ riêng mình mà các bạn đang làm công việc tương tự luôn dành sự tôn trọng cho những bộ trang phục xưa. Hiện có hai trường phái làm cổ phong đang được nhiều người theo đuổi. Một là tái hiện nguyên bản, hai và lấy cảm hứng, áp dụng một vài yếu tố cổ để đưa vào sản phẩm hiện đại.

Định hướng của chúng mình không phải là phục dựng nguyên bản mà là thiết kế, mô phỏng dựa trên những bộ trang phục hiện hữu ngày xưa. Cụ thể, mình sử dụng phom dáng cũng như hình thức sắp xếp hoa văn theo quy tắc, thẩm mỹ xưa. Nhưng thêm vào đó, mình sử dụng các tông màu hiện đại và các kỹ thuật sản xuất mới hiện nay. 

Để đảm bảo sự chính xác với niên đại, mình tìm nguồn cảm hứng và tham khảo từ những hình ảnh tư liệu còn sót lại trên sách báo, tranh ảnh, tài liệu….Bên cạnh đó, còn là sự học hỏi từ những người đi trước và những người bạn có cùng đam mê. 
 

* Trào lưu "cổ phong" phát triển tạo ra những tín hiệu đáng mừng. Nhưng ngược lại nó cũng đi kèm nỗi lo về một số sản phẩm có sự sai lệch về yếu tố lịch sử hoặc không được đầu tư chỉn chu, làm chưa tới khiến nhiều người hiểu biết sai về văn hóa truyền thống. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là một vấn đề đáng quan tâm, không chỉ ở những sản phẩm có yếu tố văn hoá mà còn nói chung cho ngành thiết kế sáng tạo. Ở bất kì đề tài nào chúng ta cũng cần tìm hiểu kĩ càng mới có được những sáng tạo hợp lý. Nhưng mình tin những vấn đề trên chỉ là thiểu số,  vẫn có nhiều sản phẩm chỉn chu, được đầu tư công phu từ những tác giả, hay đơn vị uy tín.

Nhìn chung, những người làm công việc này cần tự trang bị cho mình kiến thức về văn hóa truyền thống. Ở một mức độ nhất định, chúng ta sẽ có thêm sự tự tin để truyền tải những nét đẹp trong văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ sáng tạo cá nhân. 

* Chắc hẳn bạn cũng biết sự cố của một thương hiệu giày thời gian gần đây, khi họ lựa chọn vải gấm mang đặc trưng lâu đời của nước khác để làm sản phẩm giày tôn vinh nét đẹp truyền thống miền Trung của Việt Nam. Theo bạn, làm thế nào để tránh những sự cố như thế?


Mình nghĩ đó là một sự cố không đáng có và đối với mình họ đã đưa ra giải quyết hợp lý. Thật sự đây một phần lỗi trong truyền thông khi thương hiệu đó không làm rõ vấn đề, khiến nó trở nên rối. Tuy nhiên qua sự việc lần này chúng ta cũng có thể thấy sự thiếu thốn trong nguyên vật liệu tại Việt Nam, đây là sự khó khăn chung của những người làm sản phẩm mang yếu tố truyền thống. Mình hy vọng trong thời gian sắp tới điều này sẽ dần được khắc phục. 

Cảm ơn những chia sẻ của bạn!