Mới đây, một đoạn clip ghi lại hình ảnh người đàn ông ngồi trên chiếc xe đạp, chuẩn bị từ Sài Gòn về Cà Mau khiến cư dân mạng không khỏi tò mò.
Cụ thể, theo người đăng tải clip cho biết, người đàn ông trong đoạn video do bị cắt giảm nhân sự nên phải rời Sài Gòn về quê. Để tiết kiệm tiền, anh đã quyết định chạy xe đạp từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Cà Mau. Trong đoạn clip có thể nghe rõ đoạn hội thoại giữa người đàn ông và người quay clip.
Người đàn ông đi xe đạp từ Sài Gòn về Cà Mau được chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Cắt từ clip)
Theo đó, người đàn ông trong đoạn clip nói rằng giờ công ty không còn nhận anh làm nữa, lúc anh về đã có nhiều người ngỏ ý cho anh tiền. Tuy nhiên người đàn ông này không nhận.
Những người ngồi bên ngoài liền hỏi vì sao anh không lấy tiền để đi xe khách, đỡ phải đi xe đạp cho khổ cực thì anh trả lời rằng: "Dạ thôi, em chạy xe đạp về, vừa đi vừa ngắm cảnh luôn." Nụ cười hiền hòa của người đàn ông khi ấy đã khiến nhiều cư dân mạng cảm thấy xúc động, đồng thời ngưỡng mộ hành động của anh.
Xem đoạn clip có thể nhận thấy, anh thở khá nhanh vì phải đạp xe đường dài. Những người ngồi bên vệ đường vừa nói chuyện vừa ngỏ ý mua cho anh ly nước để uống. Họ rất thương anh vì hiểu rằng việc đạp xe từ thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau không phải dễ, đoạn đường rất xa, lên tới gần 400 km.
Đoạn clip được chia sẻ trên TikTok. (Nguồn: TikTok)
Không chỉ ly nước, mọi người còn muốn mời anh tô hủ tiếu để có sức tiếp tục đạp xe về Cà Mau. Tuy nhiên lúc này, người đàn ông lên tiếng từ chối, anh nói: "Dạ thôi, ly nước là em cảm ơn các anh nhiều lắm rồi."
Nhận ly nước từ tay người bán hàng, anh chào mọi người rồi tiếp tục đạp xe về quê nhà. Những người ngồi bên vệ đường chỉ có thể chúc anh "thượng lộ bình an", bởi người đàn ông có lòng tự trọng cao, không nhận tiền và chỉ muốn về quê bằng chính khả năng của mình.
Người đàn ông chỉ nhận ly nước rồi tiếp tục lên đường. (Ảnh: Cắt từ clip)
Thực tế, mùa dịch Covid-19 vừa qua, nhiều công ty, doanh nghiệp đã đứng trên bờ vực khó khăn, thậm chí là phá sản do sản xuất và việc tiêu thụ hàng hóa ngưng trệ. Việc tinh giản bộ máy nhân sự là lựa chọn bắt buộc của nhiều công ty trước tình hình khó khăn.
Dĩ nhiên, công ty khó khăn một thì những người nằm trong danh sách bị cắt giảm lại khó khăn mười. Họ chắc chắn rất buồn khi nhận tin, đặc biệt là đối với những người từ tỉnh lẻ lên thành phố làm việc. Dù vậy, cách họ đối mặt với việc mất đi "cần câu cơm" lại cho thấy sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, vào chính bản thân mình, như người đàn ông trên đây.
Dù còn nhiều khó khăn, song người đàn ông trong đoạn clip luôn nở nụ cười và lạc quan hướng về phía trước. (Ảnh: Cắt từ clip)
Được biết, sau khi đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận, tỏ ý cảm phục sự cố gắng cùng tinh thần lạc quan của người đàn ông. Hi vọng, đoạn đường mà người đàn ông trở về Cà Mau sẽ thật suôn sẻ, thuận lợi và hơn hết, anh sẽ sớm tìm được một công việc tại quê nhà.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI CÔNG TY CẮT GIẢM NHÂN SỰ
Nếu người lao động bị ảnh hưởng bởi công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 thuộc Bộ luật Lao động năm 2012. Trường hợp có chỗ làm việc mới cần ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Nếu trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động theo quy định tại điều 49 Bộ luật Lao động 2012.
Việc cho thôi việc với nhiều người lao động theo quy định chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.