Xót xa trước hoàn cảnh khó khăn của các cặp vợ chồng già

20:15 11/10/2020

Có lẽ đối với chúng ta, 5 nghìn đồng chỉ mua được mớ rau, miếng đậu chứ không thể mua được bữa cơm đầy đủ với thịt, trứng, cá. Thế nhưng, đối với vợ chồng ông Tài bà Đầm thì bữa ăn có đậu và rau đó cũng đã là vô cùng quý giá.

Đáng lẽ ở cái tuổi này, người khác sẽ được con cháu chăm sóc, quan tâm và chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Vậy mà cặp vợ chồng dưới đây vẫn phải sống trong những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ăn rau cháo nuôi nhau qua ngày.


Bữa cơm đơn sơ của vợ chồng nghèo ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Bữa cơm đơn sơ của vợ chồng nghèo ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

>>> Xem ngay: Xót xa hai cụ già lầm lũi bán rau mưu sinh những ngày cuối đời

Cặp vợ chồng "nghèo bền vững" suốt mấy chục năm nay

Ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đầm (79 tuổi) sống trong một ngôi nhà cấp bốn tại thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Gia đình ông bà là “hộ nghèo bền vững”, sống dưới căn nhà cấp bốn đơn sơ, cũ kỹ đã mấy chục năm nay.

Con đường dẫn vào nhà ông bà là một con đường nhỏ ẩm ướt, ngày bình thường đã nhớp nháp rất khó đi, không cẩn thận rất dễ bị trượt ngã, thế mà ông bà vẫn phải lò dò từng bước một.

Tìm đến căn nhà, hình ảnh đầu tiên mà mọi người nhìn thấy là một bà cụ lom khom cúi xuống quét sân bằng cái chổi cùn. Dường như bà chẳng bận tâm gì đến mọi người xung quanh.


Căn nhà cấp bốn đơn sơ cũ kỹ của ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Căn nhà cấp bốn đơn sơ cũ kỹ của ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

Anh hàng xóm gần nhà bà Đầm giải thích: “Bà Đầm mắt mờ, nhìn không rõ đâu, tai lại kém nên phải ghé sát, nói to may ra bà ấy mới nghe được, cho nên người lạ vào bà cũng không thấy.”

Ông Tài và bà Đầm có 4 người con, 2 trai 2 gái. Tuy nhiều con nhưng cô con gái đầu bỏ đi, bặt vô âm tín đã mấy chục năm nay, cô thứ hai lấy chồng xa nhà nên chẳng mấy khi về thăm bố mẹ, cậu thứ ba sống ở sát vách, còn cậu út thì mất từ hồi nhỏ.

Ông Tài chia sẻ: “Khi con cái lớn lập gia đình, tôi với bà nhà sống với nhau như thế này đã được 25 năm rồi. May được Nhà nước dựng cho cái nhà nên còn có chỗ chui ra chui vào.”

Trước đây khi còn khỏe, ông bà cũng thường ra đồng mò cua bắt ốc nuôi nhau qua ngày. Thế nhưng giờ đã già yếu, tai ông thì kém, mắt bà lại mờ, hai ông bà chỉ đành nhờ vào số tiền 700 nghìn đồng trợ cấp mỗi tháng để sống qua ngày.

Bữa cơm 5 nghìn đồng

Bữa sáng, hai ông bà thường nhịn để tiết kiệm tiền cho bữa trưa và bữa tối. Ông Tài rơm rớm nước mắt: “Hàng ngày tôi vẫn đi bộ xuống chợ mua thức ăn, thịt lợn rẻ mua khoảng 20 nghìn được 3 lạng cả nạc lẫn mỡ về kho mặn, ăn kèm rau tôi và bà nhà cũng ăn được 2 ngày đấy.”

Mỗi khi ông bà đi chợ, người dân thương tình lại cho mớ rau. Tính ra mỗi bữa ăn của ông bà cũng chỉ khoảng 5 nghìn đồng.

Căn nhà cấp bốn chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ mà ông bà được đứa cháu cho, ngoài ra là 2 chiếc giường, một bộ bàn ghế bằng nhựa và một bộ ấm chén đã ngả màu.


Trong nhà chẳng có đồ đạc gì nhiều ngoài chiếc giường, một vài thùng đựng nước mưa và vài bộ quần áo cũ. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Trong nhà chẳng có đồ đạc gì nhiều ngoài chiếc giường, một vài thùng đựng nước mưa và vài bộ quần áo cũ. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

Trong nhà đầy những thùng to, thùng nhỏ được đậy kỹ. Đó là nước mưa mà ông bà hứng được dùng để ăn và sinh hoạt hàng ngày. Cái chum nhỏ bên cạnh đựng chút gạo, không biết từ bao giờ lũ mọt đã sống nhờ trong đó.

Ông Tài nói: “Tranh thủ những hôm mưa tôi mang xô, chậu ra hứng nước để sử dụng, già cả rồi đi xách nước ở xa sao được, nhà lại không có giếng nên chỉ còn cách làm vậy thôi.”

Những lúc rảnh rỗi, bà Đầm thường nhổ cỏ ở sân sau nhà. “Tôi giờ mắt kém nên không đỡ được ông nhà cái gì, chỉ có nằm rồi lại ngồi, chán quá thì mò mẫm ra sau nhà nhổ cỏ cho đỡ buồn”, bà Đầm nói.

Cứ vậy cũng được mấy chục năm qua, ngày nào ông cũng lọ mọ nấu cơm, luộc rau, nhóm bếp, làm đủ mọi việc để chăm sóc cho bà.


Bà Đầm lo sợ khi không qua khỏi sẽ không ai giúp đỡ. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Bà Đầm lo sợ khi không qua khỏi sẽ không ai giúp đỡ. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

>>> Xem thêm: Căn nhà chật hẹp giữa Sài Gòn của vợ chồng ông cụ gần 90 tuổi: Tuy nhỏ nhưng yêu thương đong đầy

Nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm

Căn bếp nhỏ của ông bà chất đầy củi, chỉ có đúng một chỗ ngồi để đun nấu, lại không có cửa nên ông phải lấy nứa để che chắn mỗi khi trời mưa.

Trên thềm nhà, cạnh đường đi xuống bếp là cái chạn cũ kỹ không biết sẽ sập lúc nào. Trên đó chỉ vỏn vẹn vài ba cái bát mẻ và đôi đũa mốc.

Ông bà cũng không có tiền mua gia vị để nấu ăn, chỉ có chai nước mắm. Cái bát đựng mỡ bao năm rồi vẫn trống không, sạch bong nằm im lìm chờ đến ngày được sử dụng.


Chạn bát cũ kỹ không biết sẽ sập lúc nào. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Chạn bát cũ kỹ không biết sẽ sập lúc nào. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

Tuy khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng ông bà vẫn rất tình cảm. Mỗi khi nấu cơm xong, ông đều dọn ra giữa nhà rồi gọi bà vào ăn. Hai ông bà quây quần bên mâm cơm nhỏ, có miếng gì ngon ông cũng gắp cho bà, để bà ăn thịt còn mình chỉ ăn đậu và rau khiến ai cũng phải xúc động trước tình nghĩa vợ chồng.

Ông Tài cười nói: “Hôm nay con gái xuống thăm cho được mấy túi rau và ít thịt nên mới có thịt nạc ngon như này, chứ bình thường tôi chỉ dám mua nửa nạc nửa mỡ ăn cho rẻ thôi.”

Cô con dâu thứ ba chia sẻ, do ông bà đã già lại khó tính nên mới muốn ra sống riêng. Tuy nhiên, cả nhà kinh tế ai cũng eo hẹp không thể giúp được ông bà nhiều, nên ông bà vẫn phải dựa vào trợ cấp nuôi nhau sống qua ngày.


Bữa cơm 5 nghìn đồng của ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)
Bữa cơm 5 nghìn đồng của ông Tài bà Đầm. (Ảnh: Đời sống Việt Nam)

Vẫn còn nhiều lắm những mảnh đời nghèo khó

Không chỉ có vợ chồng ông Tài, bà Đầm mà vợ chồng ông Hoạt bà Tưởng cũng khó khăn không kém. Hai ông bà dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn còn phải cáng đáng thêm phần của 4 đứa cháu, trong đó còn có một cháu mắc bệnh nặng.

Ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, chắp vá của hai ông bà nằm tại thôn Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hai ông bà đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải trông nhờ vào mấy sào ruộng nhỏ để nuôi các cháu ăn học.

Có bao nhiêu vốn liếng, ông bà đã đổ vào chữa trị cho người cháu bị bệnh nặng và chôn cất cho con trai cả bị tai nạn giao thông. Khổ lắm, nghèo lắm nhưng ông bà vẫn quyết không để các cháu chịu đói, chịu rét.


Bà Tưởng chăm sóc cho cháu bị bệnh não. (Ảnh: Nhà báo và công luận)
Bà Tưởng chăm sóc cho cháu bị bệnh não. (Ảnh: Nhà báo và công luận)

Khác với vợ chồng ông Tài, ông Hoạt, vợ chồng ông Thi bà Chi sống tại Cà Mau lại viết đơn xin thoát nghèo sau 11 năm cố gắng phấn đấu. Đã hơn 60 tuổi nhưng ông bà vẫn cố gắng làm lụng mong một ngày được rút tên ra khỏi hộ nghèo.

Ông Thi chia sẻ: "Dù biết xin thoát nghèo gia đình tôi sẽ mất đi một số quyền lợi. Tuy nhiên, nghĩ đến việc nhà nước giúp đỡ, lo lắng nhiều năm nay, trong khi hiện kinh tế đã tương đối ổn hơn, nên vợ chồng tôi muốn nhường chế độ, chính sách cho người khó khăn hơn.”


Vợ chồng ông Thi bà Chi viết đơn xin thoát nghèo sau hơn 11 năm cố gắng. (Ảnh: Vietnamnet)
Vợ chồng ông Thi bà Chi viết đơn xin thoát nghèo sau hơn 11 năm cố gắng. (Ảnh: Vietnamnet)

>>> Đừng bỏ lỡ: Xót xa chuyện cấp cứu giữa đêm khuya của đôi vợ chồng già nghèo khó

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tuy mỗi gia đình đều gặp những khó khăn riêng nhưng điểm chung của các cặp vợ chồng già này là vẫn luôn phấn đấu vươn lên, không sợ khó, không sợ khổ và luôn quan tâm nhau dẫu đã đi gần hết cuộc đời.

Tham gia ngay nhóm Việt Nam Ơi! để đọc thêm nhiều câu chuyện cảm động về những cặp vợ chồng già vẫn cùng nhau vượt qua khó khăn mỗi ngày nhé!

CẶP VỢ CHỒNG HƠN 90 TUỔI SỐNG LAY LẮT TRONG CĂN NHÀ RỘNG CHƯA ĐẾN 2M2

Không chỉ mỗi ông Tài, bà Đầm mà trong xã hội còn rất nhiều cặp vợ chồng già khác cũng đang cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn, điển hình như ông Tám bà Ngừng sống trong căn nhà rộng chưa đến 2m2.

Căn nhà nhỏ nằm cạnh đường tàu, chẳng đủ chỗ để hai người nằm thẳng nhưng ông bà vẫn bám trụ tại đây hơn 20 năm trời.

Mắt bà Ngừng đã mờ, tai ông Tám cũng đã kém nhưng ông bà vẫn quyết tâm sống tại nhà của mình chứ không chịu di chuyển đi đâu.

Xem thêm tại đây!