Ngày 17/8, một sự việc đáng tiếc và đau lòng đã xảy ra khiến không ít bậc phụ huynh phải giật mình hoảng hốt.
Theo đó, trên trang cá nhân của mình, B.H đã đăng tải bức hình người bố đi chân đất ôm con đến bệnh viện cấp cứu nhưng không còn kịp, vì cháu đã tử vong trước khi đến bệnh viện và anh chỉ còn biết gào khóc bên thi thể con, với dòng chú thích ảnh như sau:
“Hôm 16/8 tại bệnh viện A Thái Nguyên, một bé trai tử vong do hóc hột nhãn.
Các mẹ chú ý, cẩn thận khi cho con ăn đừng để xảy ra hậu quả đáng tiếc nhé. Chứng kiến cảnh này mình là người ngoài còn rơi nước mắt”
Câu chuyện thương tâm này đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng mạng với gần 30 nghìn lượt chia sẻ. Phải chứng kiến cảnh này, ai nấy đều cảm thấy đau thắt lòng và chỉ còn biết chia buồn cùng gia đình đứa trẻ xấu số.
Người bố hoảng loạn ôm con đến bệnh viện cấp cứu. (Ảnh: Internet)
Người dùng M.H chia sẻ: “Thương con. Mong con yên nghỉ. Chuyện không may cũng đã xảy ra, hi vọng bố mẹ sẽ sớm vượt qua nỗi đau. Hi vọng các bậc phụ huynh có thể rút ra được nhiều điều từ câu chuyện đau lòng này.”
Thông tin về trường hợp này đã được một cán bộ công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên xác nhận. Đúng là ngày 16/8, bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhi bị hóc hạt nhãn, nhưng cháu đã tử vong trước khi kịp tới nơi cấp cứu.
Hình ảnh người cha gào khóc tuyệt vọng bên thi thể con, như một lời cảnh tỉnh cho những người làm cha mẹ và đang có con nhỏ. Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn rất hờ hững và chủ quan trong việc chăm sóc trẻ. Họ vẫn thường cho con ăn các loại trái cây và thức ăn dễ gây hóc, thậm chí, là các loại đồ chơi nhỏ mà trẻ rất dễ cho vào miệng nuốt.
Mặt khác, nhiều phụ huynh không được trang bị những kiến thức sơ cứu cơ bản cho trẻ trong những trường hợp khẩn cấp, nên những hậu quả thương tâm vẫn thường xuyên xảy ra. Tài khoản H.M đã chia sẻ: “Các cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở. Với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh nên dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Còn trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, hay còn gọi là phương pháp Heimlich.”
Trước đó, tháng 7/2016, bé Bùi Gia Huy (2,5 tuổi) ở Hòa Bình cũng bị hóc hạt vải. Khi mẹ đang cho bé ăn quả vải thì đột nhiên Gia Huy ho sặc sụa rồi chuyển sang tím tái và khó thở. Vì quá hoảng, người mẹ đã đưa tay vào móc miệng con nhưng điều này càng khiến bé thêm khó thở, tím tái và chảy máu vùng miệng.
Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, chị đã thực hiện phương pháp sơ cứu lấy dị vật ra khỏi cơ thể trẻ đã từng xem trên ti vi do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn. Bằng cách cho bé nằm sấp đầu thấp, vỗ vào lưng, rồi đặt bé nằm ngửa, ấn vào vùng ngực nhiều lần, cuối cùng chị cũng làm cho hạt vải văng bật ra ngoài.
Qua những sự việc này, chúng ta có thể thấy, do trẻ không ý thức được sự nguy hiểm nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý khi chăm sóc và vui chơi cùng con, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.