Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ bản thân là điều cần thiết. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xa lánh những bệnh nhân đã khỏe bệnh và được xuất viện.
Động thái không mấy thiện cảm của mọi người xung quanh đang khiến một số bệnh nhân khỏi bệnh gặp vấn đề trong việc tái hoà nhập, trở lại cuộc sống bình thường như trước đó.
Dù đã được trị khỏi bệnh và xuất viện, một số bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 vẫn còn bị mọi người xa lánh (Ảnh: TTXVN).
>>> Đừng bỏ lỡ: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu không kỳ thị người đến từ vùng dịch
Chịu nhiều lời đàm tiếu không hay dù đã khỏi bệnh
Làm việc tại công ty Trường Sinh, chị H. (sinh năm 1979, Tam Trinh, Hà Nội) trở thành bệnh nhân mắc Covid-19 N195 hồi tháng 3. Nhớ lại thời gian khó khăn sau khi điều trị hết bệnh, chị H không kìm được nước mắt.
Sau khi khỏi bệnh, chị H cũng mất luôn công việc đã gắn bó suốt 18 năm. Dù vậy, áp lực khi phải tìm việc mới trong thời buổi khó khăn cũng không bằng một phần so với những lời mọi người nói ra nói vào dù chị đã khỏi bệnh.
Không chỉ thế, nhiều người không hiểu sự tình còn buông ra những lời lẽ không hay với chị trên mạng xã hội.
Ổ dịch từ công ty Trường Sinh vào tháng 3 (Ảnh: Bộ Y tế).
Chị chia sẻ trên Infonet, nhiều chị em cùng phòng bệnh cũng căng thẳng, mất ngủ vì liên tục chịu những lời không hay từ hàng xóm, đồng nghiệp khi phải cách ly do tiếp xúc với mọi người. Sau 2 tháng nằm viện, chị H vẫn tiếp tục tự cách ly 1 tháng từ ngày xuất viện, tất cả kết quả xét nghiệm đều âm tính.
Hết thời gian cách ly, chị vẫn ở nhà, không dám mở cửa gặp ai vì sợ tái dương tính và có nguy cơ lây nhiễm cho mọi người. Đến khi cảm thấy an tâm, chị mới về Gia Lâm để thăm bố mẹ sau biến cố. Nhưng khi vừa đến đầu ngõ, hàng xóm đã đàm tiếu, hỏi chị "còn bệnh không đấy?”.
Hiện tại, chị đã tìm được việc làm bảo vệ kho để hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Với chị H, chị chỉ mong thời gian sẽ làm nguôi ngoai được sự việc này.
Những người rời khỏi khu cách ly đang mong được đón nhận và ủng hộ để hoà nhập cộng đồng (Ảnh: Bộ Y tế).
>>> Có thể bạn quan tâm: Người nghi mắc, nhiễm Covid-19 có đáng bị tẩy chay
Những bệnh nhân vẫn đang chung tay cứu người
Dù gặp nhiều biến cố, nhưng ở phía sau, những bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn đang âm thầm chung tay cứu chữa những bệnh nhân còn đang chống chọi với dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, chị H và nhiều bệnh nhân đã đăng ký hiến huyết tương, mong có thể góp phần sức cứu chữa những ca bệnh nặng. Được biết, chị H đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cơ sở 1 để lấy huyết tương phục vụ nghiên cứu.
Những người tham gia hiến huyết tương phục vụ viện nghiên cứu, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Bộ Y tế).
Còn anh H.D.D, 42 tuổi ở tại Hoàng Mai, Hà Nội là bệnh nhân Covid-19 số 109. Anh D cho biết, mình may mắn là trường hợp bình phục nhanh, sức khoẻ tốt. Vì thế, từ lúc ở bệnh viện, hay tin có thể dùng huyết tương người bệnh Covid-19 đã khỏi để cứu bệnh nhân chuyển biến nặng, anh đã không ngần ngại đăng ký lập tức.
Chị H, anh D và nhiều bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 đều đang hi vọng sẽ lan toả thông điệp hiến huyết tương để chung tay cứu chữa bệnh nhân nhiễm nặng. Và hơn hết, họ vẫn mong chờ cộng đồng, xã hội đừng quay lưng với những bệnh nhân đã chiến thắng căn bệnh này.
Cộng đồng người khỏi bệnh đang truyền tải, kêu gọi hành động hiến huyết tương cứu chữa đồng bào (Ảnh: Bệnh viện Việt Đức).
>>> Xem thêm: 5 người khỏi Covid-19 hiến huyết tương điều trị cho bệnh nhân
Việc giữ gìn sức khoẻ bản thân, gia đình và xã hội trong thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, với những bệnh nhân đã may mắn khỏi bệnh, chúng ta hãy đón nhận, tạo điều kiện để mọi người trở về cuộc sống thường nhật.
5 người khỏi Covid-19 hiến huyết tương điều trị cho bệnh nhân
Bộ Y tế phê duyệt về phương pháp hỗ trợ điều trị Covid 19 bằng phương pháp hiến huyết tương từ người bệnh đã bình phục.
Người đủ điều kiện hiến huyết tương từ 18 đến 65 tuổi, nam giới nặng trên 50kg và nữ giới trên 45kg, là bệnh nhân mắc Covid-19 và khỏi bệnh trên 14 ngày. Để đảm bảo nguồn huyết tương sạch, người hiến huyết sẽ được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc.
Xem thêm TẠI ĐÂY