"Vùng đất câm lặng", sự trỗi dậy của dòng phim kinh dị tối giản

19:10 22/04/2018

Trong thời đại phim bom tấn bùng nổ các phòng chiếu trên thế giới, những phim kinh dị với ý tưởng tối giản và kinh phí khiêm tốn lại cuốn hút khán giả hơn bao giờ hết.

Với sự ra mắt của A quiet place (tựa việt: Vùng đất câm lặng) phim kinh dị của đạo diễn John Krasinsky đang "làm mưa làm gió" khắp các phòng vé toàn cầu, người ta có thể nhận thấy sự trở lại của những bộ phim kinh dị “tối giản” nhưng chất lượng cao. John Krasinsky mang tới cho khán giả một trải nghiệm căng thẳng tới nghẹt thở trong bầu không khí im lặng đến đáng sợ trong câu chuyện có sự tập trung và trau chuốt.

Một gia đình người Mỹ sống biệt lập trong một trang trại nhỏ giữa bối cảnh thế giới hậu tận thế, nơi những quái vật khủng khiếp có thể tấn công bất cứ lúc nào dù chỉ với tiếng động nhỏ nhất. Cả bộ phim chìm trong sự yên lặng đến sởn da gà dù gia đình nhỏ này phải trải qua hàng loạt những tình huống ngàn cân treo sợi tóc không thể lường trước. 

Cách duy nhất để họ có thể giao tiếp được với nhau là thông qua ASL (American Sign Language), hay còn gọi là thủ ngữ, thứ ngôn ngữ diễn đạt qua cử chỉ của 2 tay dành cho những người không thể giao tiếp và tiếp nhận thông tin qua âm thanh. Tưởng như là một hạn chế, John Krasisnsky thật ra đã biến thứ ngôn ngữ này thành một thủ pháp quan trọng để kể câu chuyện gia đình dạt dào cảm xúc.

Chính nhờ thủ ngữ mà nhiều trường đoạn của Vùng đất câm lặng dường như vì thế mà trở nên cảm động hơn rất nhiều khi khán giả dõi theo số phận của từng thành viên trong gia đình này. Không chỉ vậy, bộ phim còn chạm đến trái tim khán giả với những tầng ý nghĩa ẩn dụ tinh tế trong các chi tiết dù nhỏ nhất của bộ phim. 

Bộ phim kinh dị nhỏ của Krasinsky đã đóng góp thêm vào làn sóng của những bộ phim kinh dị có tinh thần tương tự: tinh tế, giản dị, nhưng gây nhiều ấn tượng hơn bất cứ bộ phim ma ám hay máu me nào. Nếu nhìn lại Hollywood trong những năm gần đầy, khán giả có thể dễ dàng nhận ra những cái tên tiêu biểu của dạng phim này.

Get Out (2017) - Jordan Peele

Có lẽ là cái tên đáng chú ý nhất của làn sóng này những năm gần đây, Get out của Jordan Peele đã nhận được đề cử Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất năm 2017. Bộ phim theo chân Chris (Daniel Kaluuya) - một thanh niên da màu tới gặp gia đình cô người yêu da trắng của mình vùng ngoại ô. 

Toàn bộ sự “kinh dị” của bộ phim tới từ chính những nỗi sợ hãi có thật của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Câu chuyện phim vạch trần một góc khuất đen tối của xã hội Mỹ thông qua những phép ẩn dụ kín đáo nhưng cay đắng, pha lẫn một chút yếu tố kỳ ảo để tăng sự ghê rợn. Những chiêu thức hù dọa của Get out tưởng như hết sức đơn giản, nhưng khi đặt vào vị thế của một người gốc Phi ở Mỹ lại trở nên đáng sợ hơn bất cứ thứ gì khác.  

Don’t Breathe (2016) - Fede Alvarez

Đây có lẽ là bộ phim gần giống với Vùng đất câm lặng nhất gần đây. Cũng với ý tưởng không được phép tạo ra tiếng động và nhân vật phản diện tuy mù nhưng với các giác quan khác được nâng cao hơn bất thường. Một nhóm thanh niên tưởng rằng có thể lợi dụng ông già mù ở nhà một mình để đột nhập vào nhà và cướp tài sản. Nhưng họ cay đắng nhận ra ông già tuy tàn nhưng không phế, lại mang trong mình kỹ năng giết người thiện nghệ của 1 sát thủ. Họ nhanh chóng trở thành những con thú hoang mắc kẹt trong căn nhà nhỏ để lão già thản nhiên săn đuổi, làm thịt từng người một. 

Cũng giống như Vùng đất câm lặng, Don’t breathe tước đi một trong số những bản năng cơ bản nhất của con người, khả năng gây ra tiếng động, để làm cơ sở cho những nỗi sợ trong phim. Với diễn xuất tuyệt vời của tài tử gạo cội Stephen Lang trong vai lão sát thủ mù, bộ phim đã thành công tuyệt đối trong việc cuốn người xem vào một không gian bó hẹp, cũng như những tình huống căng như dây đàn.

10 Cloverfield Lane (2016) - Dan Trachtenberg

Theo truyền thống của dòng phim Cloverfield do J. J. Abrams khởi xướng, sự ra mắt của 10 Cloverfield Lane cũng đã khiến khán giả toàn cầu phải “lăn đùng ngã ngửa”. Không chỉ xuất hiện không kèn trống và gây ấn tượng bởi sự hấp dẫn của mình, khán giả còn bất ngờ khám phá ra rằng bộ phim thuộc “vũ trụ điện ảnh Cloverfield” cùng với một phim từ 2008. 

Sau một tai nạn ô tô, Michelle (Mary Elizabeth Winstead) tỉnh dậy trong một căn hầm bí mật dưới lòng đất cùng hai người đàn ông bí ẩn. Cô được kể một cách mơ hồ về một cuộc tấn công trên mặt đất đã xóa sổ toàn bộ loài người, và bầu không khí đã không còn có thể hít thở. Nhưng qua một thời gian ở cùng nhau, Michelle bắt đầu nhận ra có sự khuất tất đằng sau hành động và lời nói của Howard (John Goodman), người đã bắt cô xuống hầm từ ngày đầu tiên.

Sử dụng thủ pháp hạn chế tối đa thông tin, 10 Cloverfield Lane khiến cả nhân vật chính và người xem cảm thấy không ngừng bất an trong bầu không khí ngột ngạt của cuộc sống dưới hầm kín. Sự mơ hồ và bí ẩn cũng khiến người ta cảm thấy đứng ngồi không yên với một người đàn ông kỳ quặc. Và rồi kết thúc của bộ phim cũng không kém phần “nhức não” và “dở khóc dở cười”.

Lights Out (2016) - David F. Sandberg

Mang đúng tinh thần của một phim độc lập, Lights out là phiên bản mở rộng chiếu rạp của một tác phẩm ngắn từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Ý tưởng gốc của phim là một con ma chỉ xuất hiện trong bóng tối và không hiện hình ngoài ánh sáng. Bộ phim đã khai thác triệt để hiệu quả của kỹ thuật “jump scare” (doạ một cách bất ngờ) trong thể loại phim kinh dị với những thủ pháp khá sáng tạo và gây được sự sợ hãi cho khán giả.

Cảnh phim từng "gây bão" trong bản phim ngắn trên mạng với nhân vật chính đứng ở hành lang và bật tắt đèn, nhưng chỉ thấy bóng người khi không có ánh sáng đã gây ám ảnh cho rất nhiều khán giả cả trong phiên bản chiếu rạp. Nhưng trong phim dài, con ma này còn được trang bị thêm khả năng điều khiển các thiết bị tạo sáng để có thể tự tay nó tắt đèn của nhân vật, đưa họ vào cảnh tranh tối tranh sáng vô cùng hoang mang. 

It Follows (2014) - David Robert Mitchell

Trong phim ít được đánh giá cao này, người xem và nhân vật chính Annie bị ám quẻ bởi một thế lực siêu nhiên kỳ lạ bám theo tới mọi ngóc ngách. Thế lực này không có một hình dạng cụ thể, mà thường xuyên hiện hình thành những người hết sức bình thường, nhưng hành xử hết sức kỳ quặc. “Nó” cứ luôn dai dẳng theo chân Annie và không bao giờ có dấu hiệu buông tha cô bất cứ lúc nào. 

Người xem luôn được đặt vào những tình huống và bầu không khí hết sức ngột ngạt và khó thở mỗi khi có một người quái đản, hiện thân của thế lực siêu nhiên này xuất hiện và điên cuồng theo đuổi cô gái. Nỗi sợ được nâng cao dần từ sự hoang mang và bất lực của việc không hề biết rõ điều gì cụ thể về mối đe dọa trong câu chuyện. 

Nhưng hơn thế, bộ phim là một ẩn dụ khá sâu sắc và tinh tế về nỗi sợ hãi của tuổi trẻ khi đứng trước những ngã rẽ trưởng thành của cuộc đời. Khoác trên mình lớp vỏ tưởng như khá “truyền thống” của một phim kinh dị, It follows lại truyền đạt được những tầng ý nghĩa khá phức tạp về tâm sinh lý và những “nỗi sợ” của sự lớn lên luôn liên tục đeo đuổi tất cả chúng ta.

 

Kết
Vùng đất câm lặng và cả những bộ phim kinh dị độc lập kinh phí thấp này đang chứng tỏ một điều quan trọng cho Hollywood và cả người hâm mộ: Đôi khi kiệt tác có thể đến từ những điều hết sức đơn giản nhưng có trọng tâm, và được thực hiện một cách nghiêm túc và có nhiều sự đầu tư sáng tạo. Với những bộ phim tuy không phải “bom tấn” ồn ào nhưng chất lượng như thế này, khán giả có được một điểm nghỉ cần thiết giữa những cơn bão cháy nổ, hành động, siêu anh hùng vẫn đang thống trị thế giới điện ảnh ngày nay.