Thời điểm dịch bệnh còn phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố cho phép học sinh học tập qua các ứng dụng trực tuyến. Phương án này giúp hạn chế việc lây nhiễm bệnh nhưng lại tạo ra không ít rắc rối, thậm chí là sự cố hi hữu.
Báo Thanh Niên đăng tải, vào sáng ngày 15/10, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) - ông Lê Trung Sơn xác nhận thông tin một học sinh lớp 5 không qua khỏi do điện thoại nổ trong lúc đang nghe giảng online.
Dịch bệnh phức tạp nên nhiều tỉnh, thành phố áp dụng phương án giảng dạy trực tuyến. (Ảnh minh họa: Tinh tế)
Chi tiết hơn, ông Lê Trung Sơn cho biết, vào chiều ngày 14/10, em N.V.Q (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nam Anh) vừa dùng điện thoại học trực tuyến, vừa cắm sạc. Ca học diễn ra vào từ lúc 15 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, vào khoảng 16 giờ, khi Q. đang học thì điện thoại bất ngờ phát nổ, lửa cháy bén vào quần áo khiến nam sinh bị phỏng nặng. Mặc dù đã được gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu nhưng thương tổn quá nặng, cháu bé không thể qua khỏi. Được biết, Q. là con trai thứ 3 trong gia đình, nhà rất khó khăn.
Khi dịch bệnh tại Nam Đàn được kiểm soát, Phòng giáo dục huyện đã cho phép học sinh đến trường và nghe giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì học 1 buổi học trực tuyến mỗi tuần nhằm chuyển trạng thái cần thiết khi dịch bệnh tái diễn phức tạp.
Khu vực xảy sự cố ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Pháp luật plus)
Sự việc nam sinh lớp 5 gặp sự cố dẫn tới kết quả đau lòng như trên khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng, đặc biệt là trong bối cảnh con em họ vẫn đang học trực tuyến do dịch. Trước mối lo ngại này, mọi người nên tìm hiểu một số kiến thức về cháy nổ điện thoại.
Cụ thể, thông tin từ Phụ Nữ Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ điện thoại là do pin. Theo đó, khi sạc không đúng cách trong thời gian dài, pin điện thoại có thể bị giảm tuổi thọ (hiện tượng chai pin), làm nóng máy và gây ra cháy nổ. Kỹ sư Bùi Văn Tuấn, làm việc tại Trung tâm sửa chữa ở Hà Nội cho biết, mọi người cần lưu ý 4 vấn đề nhỏ để hạn chế tình huống đáng tiếc xảy ra.
Vừa sạc, vừa sử dụng là một trong những nguyên nhân khiến điện thoại dễ phát nổ. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Thứ nhất, nên sử dụng thiết bị sạc phù hợp với điện thoại, đặc biệt là loại cùng thương hiệu. Các thiết bị sạc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng cũng có thể khiến điện thoại bị nóng, vượt quá mức nhiệt và tăng nguy cơ phát nổ.
Thứ hai, mọi người nên sạc pin tại vị trí thoáng mát, tránh việc để điện thoại trên chăn, nệm hoặc phủ khăn, đồ vật lên máy trong lúc đang tiếp điện. Đặc biệt, các vị trí sạc như gần máy tính, tivi,... cũng dễ khiến máy điện thoại bị nóng và khi cháy nổ sẽ tạo ra chuỗi liên hoàn.
Thứ ba, mọi người cần lưu ý không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, đặc biệt là khi đang làm công việc có tải lượng nặng như học bài, chơi game, trò chuyện,...
Thứ tư, nếu máy điện thoại có tình trạng chai pin hoặc phồng nhẹ, mọi người nên chủ động đi thay thế tại các cửa hàng chính hãng. Đồng thời, không nên sử dụng những dòng điện thoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Sự cố bất ngờ xảy đến với em Q. hiện vẫn đang khiến nhiều người bàng hoàng. Mong rằng, đây là bài học sâu sắc để các bậc phụ huynh lưu ý khi cho con học online tại nhà qua thiết bị điện tử.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
TÂM SỰ GIÁO VIÊN DẠY ONLINE: "CHƯA BAO GIỜ KIỆT SỨC TỚI THẾ"
Học online là phương pháp thay thế cho học tập trực tiếp tại trường, nhằm hỗ trợ bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch. Tuy nhiên, không chỉ học sinh hay phụ huynh mà ngay cả các giáo viên cũng có rất nhiều nỗi lo khi dạy trực tuyến.
Cụ thể, một giáo viên tâm sự trên mạng xã hội rằng: "Chưa bao giờ tôi thấy kiệt sức như vậy, đầu óc cứ căng ra như một dây đàn. Soạn bài, sách cũ, sách mới, nghĩ trò chơi, trả lời tin nhắn phụ huynh, động viên học sinh. Nếu cứ thế này, tôi vỡ tung ra mất, nhiều lúc ngồi mà nước mắt cứ chảy dài ra, hay ước gì mình biến mất". Song song đó, việc không được tiếp xúc với học sinh cũng khiến giáo viên mất đi một chút nhiệt huyết.