Vụ tạt sơn hàng loạt ô tô ở Hà Nội: Chủ xe phải chịu phí sửa chữa lớn

09:40 30/09/2021

Những ngày vừa qua, dư luận đã không khỏi xôn xao, bàn tán trước vụ hàng loạt xe ô tô đỗ hai bên tuyến đường Khu đô thị Trung Văn, gần tòa nhà Intracom Trung Văn và tòa nhà CT3 bị tạt sơn đỏ.

Không chỉ chủ xe, nhiều dân tình còn bức xúc trước hành động phá hoại của kẻ gian. Đến nay, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vẫn đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng điều tra để xử lý vụ việc.

 
Hàng loạt xe bị tạt sơn đỏ nham nhở. (Ảnh: Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)
Hàng loạt xe bị tạt sơn đỏ nham nhở. (Ảnh: Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Zing News đưa tin, vụ việc xảy ra vào tối ngày 26/9 vừa qua. Tổng số xe bị tạt sơn đỏ là 11 chiếc, trong đó có cả xế hộp mang giá trị đắt đỏ. Hầu hết các xe đều bị dính sơn ở phần thân, nắp capo và cửa kính.

Tuy chưa biết người làm có mục đích gì, nhưng khu vực đỗ xe của cả 11 chiếc ô tô đều không hề sai. Bởi lẽ, địa điểm này là nội bộ khu đô thị, không có biển cấm dừng đỗ và các chủ xe đã có sự đồng ý của bảo vệ trong toà nhà. 


Hành động tuyệt vời của chủ nhà khi thấy có xe muốn đỗ nhờ.

Kẻ tạt sơn sẽ bị xử lý như nào?

Bàn về điều này, luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, hành động trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy chưa thể xác định là gì nhưng việc cố ý bôi bẩn (tạt sơn) xe của người khác vẫn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đây được xem là hành vi cố ý làm hư hỏng và phá hoại tài sản của người khác nên người thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, nếu tổng thiệt hại của vụ việc chưa đến 2 triệu đồng thì kẻ thực hiện tạt sơn sẽ chỉ bị xử phạt hành chính với mức tối đa là 5 triệu đồng. Còn theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Nếu thiệt hại gây ra từ 2 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc vi phạm có tổ chức thì có thể bị xử phạt đến 7 năm giam giữ; trường hợp gây thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên có thể bị phạt đến 10 năm giam giữ; cao nhất là mức phạt “kịch khung” lên đến 20 năm giam giữ nếu thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên”.

Đặc biệt, dù trong trường hợp nào, người thực hiện tạt sơn cũng phải bồi thường dân sự cho chủ sở hữu xe.

Toàn bộ phần kính của chiếc Ford Ranger bị dính sơn. (Ảnh: Vietnamnet)Toàn bộ phần kính của chiếc Ford Ranger bị dính sơn. (Ảnh: Vietnamnet)

>>Xem thêm: Chiếc xe sang đỗ trước cửa nhà dân bị đập nát bét: Người phụ nữ có tiền sử bệnh tâm thần

Bảo hiểm có bồi thường?

Trao đổi với Zing News, anh Q.C.M - chủ xe Ford Ranger, một trong những chiếc ô tô bị tạt sơn - cho biết: "Chúng tôi đều phải đi sơn lại. Mà sáng giờ tôi đi 4-5 gara chưa nơi nào nhận xử lý. Chi phí thì tùy mỗi xe nhưng xe của tôi chắc sẽ mất khoảng 15 triệu đồng". Có thể nói, vụ tạt sơn đã gây thiệt hại khá lớn cho các chủ ô tô. Hầu hết họ đều phải tự chi trả khoản sửa chữa này. 

Còn về vấn đề bảo hiểm có bồi thường giúp hay không, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ với Báo Tri thức và Cuộc sống: "Các công ty bảo hiểm chỉ có thể chi trả tiền bảo hiểm thân vỏ cho chủ các chiếc xe này nếu như trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận cụ thể về trường hợp này hoặc có căn cứ cho thấy chủ xe đã có hành vi có lỗi. Còn nếu do lỗi của người khác gây hư hỏng chiếc xe thì thông thường trong hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm."

Như vậy, nếu đúng theo nguyên tắc thì bên nào có lỗi, gây ra thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Phía bảo hiểm chỉ chi trả phí sửa chữa khi chủ xe có lỗi. Trường hợp trên nếu dựa theo hợp đồng bảo hiểm, thiệt hại sẽ thuộc về chủ sở hữu xe. Vì vậy, họ rất khó có thể yêu cầu bảo hiểm chi trả phí sửa chữa.

 
Chủ sở hữu có thể sẽ phải tự trả chi phí sửa chữa xe. (Ảnh: Thanh Niên)
Chủ sở hữu có thể sẽ phải tự trả chi phí sửa chữa xe. (Ảnh: Thanh Niên)

>>Có thể bạn quan tâm: Tán tỉnh bất thành, thanh niên phá hoại ô tô của nhà bạn gái trả thù

Vụ việc trên cũng là một lời nhắc nhở đến tất cả mọi người. Dù trong tình huống nào cũng tuyệt đối không được tự ý phá hoại tài sản của người khác. Như vậy chỉ hại chính mình mà thôi. Nếu có tranh chấp, hãy báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Về vụ việc trên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ và tìm ra kẻ đã gây nên sự việc.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

XẾ HỘP MỚI TOANH BỊ TẠT CẢ XÔ SƠN KHIẾN DÂN TÌNH XÔN XAO

Trước đó, dư luận cũng từng xôn xao trước hình ảnh một chiếc ô tô bị tạt sơn đỏ toàn bộ phần đầu xe. Theo nhiều người đồn đoán, rất có thể chủ ô tô đã đỗ xe sai nơi quy định, thế nên mới khiến ai đó bực tức. Để cảnh cáo, người này đã dùng sơn đỏ đổ lên toàn bộ phần nắp, capo và cửa xe. 

Vụ việc này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều bình luận cho rằng việc làm này là không nên, bởi rất có thể sẽ bị xét vào hành vi phá hoại tài sản của người khác. Thay vào đó, bà con có thể đặt giấy nhắc nhở chủ xe để họ biết và không tái phạm nữa là được.

Xem thêm tại đây