Ngày 17/9, nhiều Facebooker lan truyền đoạn clip hội thoại, nội dung là cuộc trò chuyện giữa 1 nam sinh với giảng viên của mình. Trong clip, khi nam sinh bày tỏ mong muốn được nghe thầy giảng lại do không nghe rõ vì tiếng mưa ồn, anh liền bị thầy mời ra khỏi lớp học trực tuyến.
1 sinh viên tham dự tiết học trực tuyến. (Ảnh: Dân Trí)
Nhiều ý kiến cho rằng, vị giảng viên đã khá nóng tính. Trong khi số khác nhận định, việc giảng dạy online gây khá nhiều áp lực cho thầy cô. Và việc ứng xử ra sao còn phụ thuộc vào khả năng, bản lĩnh sư phạm của mỗi người. Báo Thanh Niên đưa tin, TS. Nguyễn Văn Thuỵ (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Cụ thể, TS. Thuỵ cho rằng, việc giảng dạy online có thể khiến giáo viên mệt gấp 3-4 lần so với bình thường; đồng thời, họ cũng phải liên tục suy nghĩ, tìm cách để học trò nắm được bài vở. Bên cạnh đó, các lớp học trực tuyến thường xảy ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười, ví dụ như học sinh không chịu bật camera vì lí do máy tính hỏng, không tắt mic gây ảnh hưởng đến các bạn còn lại, hoặc đang phát biểu thì màn hình bị trục trặc, khiến mọi người chờ đợi… Những việc trên tuy nhỏ, nhưng nếu xảy ra nhiều lần có thể khiến tiết học bị loãng, ảnh hưởng đến tâm lí người giảng dạy.
Việc internet kết nối chậm có thể gây ức chế với một số sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh (Giảng viên trường ĐH Văn Hiến) là người từng trải qua không ít tình huống như TS. Thuỵ đề cập. Tuy nhiên, cô cho biết không nên để những lí do như vậy khiến mình nổi nóng.
Thay vào đó, nữ giảng viên đưa ra 1 số chế tài và yêu cầu sinh viên thực hiện. Chẳng hạn như nếu các bạn thực sự bị rớt mạng, cần hoàn thành bài tập và nộp lại trước 22h cùng ngày; hay 1 sinh viên bị gọi tên 3 lần không thưa sẽ được cho là vắng tiết. Cô nhận định, thầy và trò đều cần cố gắng để bài giảng diễn ra hiệu quả. Nếu phải dùng đến những biện pháp mạnh như xúc phạm hoặc đuổi sinh viên ra khỏi lớp, có lẽ người thầy đó chưa đủ bản lĩnh sư phạm, dẫn đến việc xử lý và nhìn nhận chưa thấu suốt. Tất nhiên, học trò không được lừa dối thầy cô và có ý thức học tập tốt.
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều trường học trên cả nước buộc phải chuyển đổi hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Điều này dẫn đến một vài thách thức nhất định với hệ thống giáo dục.
Học sinh nhỏ tuổi phải học online dưới sự hướng dẫn từ phụ huynh. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Vietnamnet cho hay, việc dạy học online tại nước ta bộc lộ khá nhiều bất cập. Nổi bật phải kể đến việc thiếu trang thiết bị học tập, tình trạng internet không ổn định…. Nhất là tại những địa phương còn khó khăn, thiếu thốn, không phải phụ huynh nào cũng thành thạo công nghệ để hướng dẫn các con. Ngoài ra, việc thầy và trò chỉ tương tác qua màn hình máy tính có thể làm sụt giảm hiệu quả học tập. Đồng thời, khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc truyền cảm hứng, tạo hứng thú học tập cho các em – điều không thể thiếu nếu muốn học trò tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc áp dụng lệnh giãn cách, tạm dừng hình thức học tập tập trung tại những địa phương có dịch được cho là cách làm khá hiệu quả để phòng, chống dịch. Hi vọng rằng, cả thầy cô lẫn các học trò có thể giữ thái độ cởi mở, từ đó không tạo áp lực cho nhau, giúp buổi học đạt hiệu quả tốt nhất.
Đón xem tin tức mới nhất trên YAN!
TOÀN BỘ CUỘC HỘI THOẠI VỤ NAM SINH BỊ MỜI RA KHỎI LỚP
Được biết, theo đoạn video ghi lại cuộc hội thoại giảng viên mời nam sinh ra khỏi lớp, lí do được anh đưa ra là do tiếng mưa quá to, khiến mình nghe không rõ. Chính vì vậy, anh hi vọng thầy có thể giảng lại nhưng không được chấp thuận. "Để tôi cho anh ra khỏi lớp. Mưa to quá học làm gì, ngủ đi. Mưa to phải tự lấy tai phone để nghe, mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng nhiều lần", giảng viên này cho hay.
Chỉ sau ít giờ xuất hiện, đoạn clip này ngay lập tức dẫn đến nhiều tranh cãi trên khắp diễn đàn mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo dân mạng.