Vụ đánh ghen vũ nữ Cẩm Nhung bằng hình thức tạt axit diễn ra vào ngày 17 tháng 7 năm 1963 tại Sài Gòn được xem là vụ đánh ghen tàn bạo và rùng rợn nhất từng được ghi nhận tại miền Nam trong suốt một thời gian dài. Báo chí thời điểm đó đánh giá đây là vụ đánh ghen um sùm nhất trong giới thượng lưu Sài Gòn, là tâm điểm quan tâm của nhiều tầng lớp lúc bấy giờ.
Vòng xoáy cuộc đời đã tạo ra một bông hồng đen đầy gai nhọn
Năm 15 tuổi, cả gia đình Cẩm Nhung di dân từ Bắc vào Nam tìm nguồn sống mới. Chưa được bao lâu, người cha bất hạnh qua đời. Mẹ cô - bà Ninh Thị Liễu lúc ấy còn trẻ, đẹp nên quyết định đi bước nữa và sinh thêm một người con trai với chồng sau.
Nhan sắc "một thuở ngẩn ngơ" của cô vũ nữ bậc nhất Sài Gòn (Ảnh minh họa)
Cuộc sống khó khăn khiến cô gái nhỏ bỏ học từ sớm, cô xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với nhiều bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar. Cẩm Nhung trở thành vũ nữ chuyên nghiệp từ đó, cô làm ra tiền liền mua một căn nhà ở khu Hồ Ếch (quận 8, TP.HCM) cho mẹ, em trai và dượng dọn về ở. Bản thân vốn quen kiếp sống “bướm đêm” nên cô không ở nhà thường, chỉ trú những khách sạn hạng sang là chính.
Cuộc tình oan nghiệt với vị Trung Tá đào hoa
Trong giai đoạn lịch sử này, phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn. Vậy nên danh tiếng của Cẩm Nhung trở nên vang danh một cõi, kẻ nào may mắn sở hữu được trái tim của nàng vũ nữ nổi tiếng chính là “tay chơi” bậc nhất Sài Thành. Định mệnh rồi cũng đến, tại vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do - một trong những con đường phồn hoa và đắt giá nhất Sài Gòn thời đó, Cẩm Nhung gặp gỡ trung tá Trần Ngọc Thức, một tay chơi có tên tuổi làm trong ngành xây dựng công trình quân sự.
Thân hình nóng bỏng khiến bao chàng trai "đổ gục" chính là vũ khí lợi hại của Cẩm Nhung (Ảnh minh họa)
Thời ấy, “Thức công binh” nổi như cồn trong giới ăn chơi tại miền Nam. Trung tá Thức tuổi đã ngoài 30, đam mê nhảy đầm. Từ trước đến nay chưa có vũ nữ nào là “mối ruột” của ông nhưng chỉ gặp Cẩm Nhung lần đầu, ông đã say mê như điếu đổ. Còn cô gái Cẩm Nhung 23 tuổi (lúc bấy giờ) dù đã từng trải trong tình trường nhưng không hiểu sao lại bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi "hớp hồn" ngay từ lần gặp đầu tiên. Có lẽ bởi sự già dặn, từng trải, phong lưu và cách tiêu tiền như nước của gã, mà cũng có thể vì cái danh trung tá thời ấy rất oai, cả Sài Gòn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên cô vũ nữ sành điệu đã nhanh chóng sà vào vòng tay bao bọc của ông ta, dù cô thừa biết rằng ông ta đang có bà "vợ già” nổi danh tàn ác ở nhà.
Cơn ác mộng kinh hoàng ám ảnh đời cô gái trẻ
Đúng cho câu “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”, khi mà “đôi uyên ương” đang say đắm trong tình yêu, trong những chuyến hẹn hò lãng mạn, những đêm nóng bỏng xoay vòng trong điệu nhạc disco đầy màu sắc, thì đâu đó ngoài con đường Cô Bắc, có một người phụ nữ hậm hực lòng ghen.
Cẩm Nhung là một nhành hoa hồng đầy gai nhọn nhưng cũng đầy "ngây ngô"
Đêm kinh hoàng đã đến, 22h ngày 17/07/1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn "hành nghề" như mọi khi. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua, tiến về phía cô, nắm chặt cô không buông, Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì một gã đàn ông khác đã tạt mạnh can axit nóng hổi vào mặt cô gái trẻ.
Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Hai gã đàn ông sau khi gây án, nhanh chóng leo lên chiếc xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.
Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, người đi đường nhanh chóng chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại, mùi axit bốc lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên taxi, chở cô đến bệnh viện Đô Thành để cứu người đẹp qua khỏi cơn nguy kịch.
Câu chuyện đi tìm hai chữ “công lý”
Do bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng do thứ hóa chất nặng như axit, Cẩm Nhung sau đó đã được chuyển đến bệnh viện Đồn Đất để tiếp tục điều trị. Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm cô ngay sau đó, họ đã góp tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn nên không ai quản được chuyện “động trời” này.
Hình ảnh của Cẩm Nhung xuất hiện ngay trên các mặt báo tại thời điểm bấy giờ
Ngày 18 tháng 7 năm 1963, đồng loạt các tờ báo, tạp chí Sài Gòn đăng tin về việc "Nữ hoàng vũ trường" bị tạt axit phá hủy toàn bộ gương mặt xinh đẹp, sự nghiệp tan rã, không biết tương lai về đâu. Bà Trần Lệ Xuân - Đệ nhất phu nhân, biết được vụ việc qua báo chí khi đang ở nước ngoài và rất tức giận. Bà chỉ đạo an ninh vào cuộc ngay khi về nước, bắt xử những kẻ tạt axit. Trung tá Trần Ngọc Thức bị tước bổng lộc và buộc phải giải ngũ ngay tức khắc. Bà nhiều lần thu xếp đưa Cẩm Nhung đi Nhật chữa trị nhưng với trình độ y học chưa tiến bộ lúc bấy giờ thì công sức cũng như “đổ sông đổ bể”.
Dù có sự giúp đỡ của phu nhân Trần Lệ Xuân nhưng cuộc đời của Cẩm Nhung cũng bị hủy hoại từ đó.
Phiên tòa mở ra 3 tháng sau đó kết tội bà Năm Rađô và tên tạt axit thuê mỗi người 20 năm tù và 15 năm tù cho tên đồng bọn khác. Vài tuần sau đó, cuộc đảo chính diễn ra, bà Trần Lệ Xuân phải sống lưu vong ở nước ngoài. Vụ xử đánh ghen đang kháng cáo bị dừng lại và đi vào quên lãng trong không khí chính trị rối ren của Sài Gòn vào thời điểm đó.
Kết thúc buồn cho cuộc tình không trọn vẹn
Gia đình trung tá Thức chính thức đổ vỡ từ đây. Ông tiếp tục sống một cách khép kín, ít người biết được hành tung sau này của ông. Vợ ông, bà Nguyệt (tên thật bà Năm Rađô) vào chùa để sống hết những ngày còn lại với tội lỗi mà mình gây ra, có lẽ mỗi tiếng kệ lời kinh bà niệm mỗi ngày để ăn năn, hối hận về tội ác mình từng nhẫn tâm thực hiện.
Thân hình vũ nữ luôn là cái được trưng bày cho thiên hạ thưởng thức (Ảnh minh họa)
Mất đi nhan sắc, mất đi sự nghiệp lẫn danh tiếng thuở nào, Cẩm Nhung chán nản lao vào nghiện ngập, hút thuốc, uống rượu,… Sau khi tiêu tán hết tài sản và hai người thân nhất qua đời (mẹ và bà vú nuôi), năm 1969, Cẩm Nhung cho người phóng to tấm ảnh có cô và trung tá Thức để mang trước ngực lê la khắp các đường phố Sài Gòn để khất thực. Người hay tin kéo nhau đến xem và giúp cô được khá nhiều. Sau đó cô về bến phà Mỹ Thuận ở miền Tây để tiếp tục xin ăn. Sau đó, cô bị đưa vào trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật nhưng cô trốn ra tiếp tục ăn xin và mất tăm một thời gian sau đó.
Kiếp vũ nữ là kiếp đớn hèn mà lắm đau thương.
Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Đúng 50 năm sau vụ đánh ghen, vào đầu năm 2013, Cẩm Nhung qua đời tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cô được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa... kết thúc cuộc đời đầy hào quang nhưng thấm đẫm nước mắt của cô vũ nữ lừng danh nửa thế kỷ trước.
Có một ca khúc nói về phận hồng nhan - Bài ca cho người kỹ nữ của hai tác giả Nhật Ngân – Duy Trung. Không biết các tác giả viết bài hát này để tặng cho ai khác hay vì xót thương số phận của Cẩm Nhung mà lời bài hát như nói về cuộc đời của cô vũ nữ bất hạnh này.
Lời bài hát có đoạn:
“…Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em
Loài người vô tình giết chết đời em…"