Những ngày qua, vụ án người mẹ tự tay giết chết đứa con mới 33 ngày tuổi của mình đã gây rúng động dư luận. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên chính là chứng trầm cảm sau sinh khá phổ biến ở các bà mẹ.
Ngày 12/6 vừa qua, Công an TP Hà Nội nhận được tin báo của Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội về việc cháu V.A (sinh ngày 10/5/2017) bị ngạt tử vong trong chậu nước. Bất ngờ hơn, nghi phạm lại là chị P.T.T, mẹ đẻ của cháu bé. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do người mẹ bị chứng trầm cảm sau sinh, dẫn đến thần kinh không được ổn định và đã ra tay sát hại con mình.
Hiện trường vụ án gây xôn xao những ngày qua
Trên thực tế, những trường hợp mẹ trầm cảm sau sinh gây ra chuyện lớn thế này chưa phải là chưa từng xảy ra. Tiêu biểu là vào tháng 2/2016, một người phụ nữ tên Đ.T.H (SN 1990, Quốc Oai, Hà Nội) cũng có biểu hiện trầm cảm, đã được bác sĩ chuẩn đoán và cảnh báo cần tách riêng hai mẹ con. Đến mùng 3 Tết âm lịch, trong khi mọi người đang ăn uống trong nhà thì người mẹ đã giết con rồi cùng nhảy xuống giếng. Đứa bé đã ra đi mãi mãi, chị H. may mắn được cứu sống nhưng sau đó chị luôn ngồi trong góc tối và tự lẩm bẩm một mình.
Câu chuyện đáng buồn từ một người mẹ trẻ.
Không phải đến nay chúng ta mới biết về chứng “trầm cảm sau sinh”. Trên thực tế, "cơn ác mộng" này luôn ẩn nấp trong mỗi gia đình mỗi khi có niềm vui thêm thành viên mới. Chúng chỉ im lặng đeo bám những người vừa lên chức mẹ, khiến người phụ nữ hiền lành chìm đắm trong những suy nghĩ không lối thoát hoặc có những hành động thiếu kiểm soát.
Tối thiểu 1 trong 10 người làm mẹ đều mắc chứng trầm cảm sau khi sinh
Một nghiên cứu cho thấy tại Mỹ cứ 7 người phụ nữ thì có một người mắc trầm cảm trước, trong khi mang thai và sau khi sinh em bé. Theo một khảo sát nhỏ tại bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ này lên đến 40% những người được khảo sát và theo báo cáo mới hơn tại Bệnh viện Từ Dũ con số này là 12,5%.
Phần lớn biểu hiện của chứng bệnh là cảm giác buồn chán, mệt mỏi, chán ghét con, quá lo sợ cho sự an toàn của con, nghĩ bản thân không đủ tốt cho con dẫn đến lo âu, căng thẳng, có ý định tự sát và thậm chí quyết định giết cả con mình. Điều đáng nói là bình thường họ đều cố tỏ vẻ bình thường, che giấu những thay đổi, bất an bên trong dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.
Con số những bà mẹ tìm đến cơ sở y tế để điều trị trầm cảm sau sinh ngày càng gia tăng.
Rất có thể trong những người bạn, người chị, người em gái hay chính mẹ của bạn đều đã từng đối mặt với chứng trầm cảm sau khi sinh. Đón nhận một sinh linh mới chào đời là một chuyện không hề dễ dàng. Sau 9 tháng mang nặng đẻ đau, cơ thể và hormone người mẹ đều thay đổi. Đến khi phải chịu 57 đơn vị đau tương đương việc gãy 20 cái xương cùng một lúc để sinh con, người mẹ lại tiếp tục đối mặt với áp lực chăm lo cho sinh linh bé bỏng dễ bị tổn thương và hay khóc mà không thể hiểu vì sao. Thiếu ngủ, áp lực từ việc làm mẹ, những thay đổi trong sinh hoạt cuộc sống bình thường tất cả đều đè nặng lên vai người phụ nữ.
Chia sẻ để cùng vượt qua
Tháng 5/2017, một bức ảnh so sánh sự tương phản giữa 2 hình tượng người mẹ của cô Kathy DiVincenzo kèm theo câu chuyện của mình đã được chia sẻ một cách nhanh chóng vì thông điệp của nó. Một bên là người mẹ gọn gàng tươi tắn và một bên là người mẹ mệt mỏi, chán nản, bừa bộn. Điểm chung lớn nhất giữa hai bức ảnh chính là người mẹ này đang trải qua chứng trầm cảm sau khi sinh. Hình ảnh uể oải chán nản chính là sự thật những gì họ đang chịu đựng nhưng điều mệt mỏi hơn cả chính là phải gồng mình giả vờ là người mẹ hoàn hảo, xem mọi thứ bình thường.
Bức ảnh chân thật về cuộc sống thường ngày của một bà mẹ khiến nhiều cư dân mạng đồng cảm.
Cách tốt nhất để vượt qua “con quái vật” đó chính là chia sẻ câu chuyện của mình để nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Khi chia sẻ, bạn sẽ thấy mình không cô độc, rất nhiều phụ nữ khác cũng phải đối mặt với cảm giác tương tự, “con quái vật” ấy không hề đáng sợ như bạn nghĩ. Và hơn hết, việc chia sẻ ấy còn giúp những người phụ nữ đang đơn độc đối mặt với chứng trầm cảm tìm thấy lối thoát cho chính mình.
Bên cạnh đó, việc quan trọng hơn là sự quan tâm từ những người xung quanh, thăm hỏi thường xuyên một cách chân thành và tạo điều kiện cho người mẹ có thể nghỉ ngơi, thư giãn hợp lí. Tinh thần tốt là vũ khí tốt nhất để đánh đuổi chứng trầm cảm ngay từ những ngày đầu tiên.
Ảnh: Internet.