Nhật Bản quả là đất nước kì lạ khi bất kì hành động nào của người dân xứ này cũng có thể được đúc rút thành hẳn một nét văn hóa. Từ văn hóa cúi chào, tới văn hóa xếp hàng, hay thậm chí là văn hóa đi thang cuốn.
Nếu được dịp tới đất nước mặt trời mọc, hãy ghé chân tới các trung tâm thương mại của Tokyo và quan sát cách người Nhật đi thang cuốn. Bạn sẽ phải thốt lên trong đầu: "Chuyện gì thế nhỉ? Tại sao người ta lại xếp thành một hàng dài và đứng gọn về một phía? Phải chăng ở tầng trên đang có sự kiện gì?"
Người Nhật xếp hàng khi đi thang cuốn.
Rõ ràng chỗ trống vẫn còn rất nhiều, tại sao không ai vượt lên mà vẫn cần mẫn đứng đó xếp hàng? Trong lòng bạn rất muốn phi thân thoát ra khỏi cái hàng dài như rết ấy, nhưng ngó ngang, nhìn dọc, bạn chẳng thấy ai hành động như thế cả. "Không được, phải nhập gia tùy tục, phải sang lên, phải lịch sự!" - Bạn nhủ thầm, nhưng vẫn không thể hiểu lí do cho hành động này của người Nhật nơi công cộng.
Thực tế, đây là khung cảnh hết sức bình thường và phổ biến tại bất cứ siêu thị hoặc trung tâm thương mại nào tại Nhật Bản. Dù có rất nhiều thang cuốn, dù chẳng có sự kiện nào cần phải xếp hàng thì người dân vẫn luôn đứng sang một bên thang và để trống bên còn lại. Việc này diễn ra một cách nhịp nhàng, đều đặn, trật tự và không hề có ngoại lệ nào, như thể dân Nhật bị "thôi miên" vậy.
Thói quen này được cho là bắt nguồn từ thời kì phong kiến Nhật Bản, khi các samurai vẫn xuất hiện trên đường phố với thanh katana giắt bên hông trái. Để tránh việc các đoàn samurai đi ngược chiều nhau sẽ khiến vỏ bao kiếm bị va quệt, các samura thường sẽ đi lệch về phía bên trái đường một chút và giấu kiếm vào trong. Ảnh hưởng từ samura đã tác động ít nhiều tới tiềm thức văn hóa và thói quen đi đứng của người Nhật. Tuy nhiên, nếu lấy việc này để giải thích cho hành động dành riêng một chỗ trống khi đi thang cuốn thì quả là hơi khó thuyết phục.
Thực ra, lí do cho việc xếp hàng khi đi thang cuốn không rắc rối như chúng ta nghĩ. Người Nhật thường có thói quen đi bộ tới công sở nên tần suất họ sử dụng thang cuốn là rất lớn. Vào giờ cao điểm, lượng người tập trung tại các điểm thang dẫn xuống tàu điện ngầm thường rất dày.
Người Tokyo thường đứng về phía bên trái...
Và thế là, những người sử dụng thang cuốn nhưng không vội vàng sẽ đứng dạt hẳn về phía bên trái, nhường lối đi cho những người đang sắp trễ chuyến tàu hoặc bus tới công ty. Nhờ đó, những người đang cần di chuyển gấp sẽ băng qua thang cuốn dễ dàng mà không va phạm hay làm phiền ai đó phải nhường đường.
Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào, người Nhật cũng đứng về phía bên trái của thang cuốn như người Tokyo vẫn làm. Ở thành phố cảng Osaka, người ta lại đứng về phía bên phải của thang cuốn. Điều này được lí giải là do nơi này xưa kia không có sự xuất hiện của nhiều samurai như ở Edo (tên cũ của thủ đô nước Nhật, nay là Tokyo) mà tấp nập thương nhân, cửu vạn bốc vác hàng hóa. Những người này thường dùng tay phải để bê dỡ hàng hóa từ cảng xuống nên luôn di chuyển lệch sang phải, tránh va quệt vào người đi ngược chiều.
Còn người Osaka đứng về phía bên phải của thang cuốn.
Giáo sư Maegaki Kazuyoshi của trường đại học Soai lại giải thích có giải thích khác, rằng người dân Osaka đi thang cuốn về phía bên phải kể từ khi nơi này xây dựng nhà ga Hankyu Umeda vào năm 1968. Hệ thống thang kéo dài từ tầng 1 lên tầng 3 nên việc di chuyển lên xuống thường gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người vội vã. Đa số người Nhật thuận tay phải nên việc đứng về bên phải sẽ giúp bám chặt vào thành thang cuốn, giảm thiếu va chạm. Ga Umeda cũng khuyên khách hàng nên đứng sang phải để có lực giữ thăng bằng tốt hơn, đồng thời nhường bên trái cho ai vội.
Cục Quản lý Người tiêu dùng nước này từng đưa ra một thống kê trong khoảng từ năm 2011 đến năm 2013 rằng đã có tổng cộng 3.865 người được đưa tới bệnh viện do gặp tai nạn thang cuốn ở Tokyo. Lí do cho những tai nạn này là bởi họ va chạm với những người đi vội trên thang hoặc thậm chí là mải chạy trên một chiếc thang đang di chuyển mà té vì mất thăng bằng.
Hiệp hội Thang máy Nhật Bản cũng cho biết thêm, các loại thang máy, thang cuốn luôn được thiết kế với giả định "con người sẽ đứng im". Tóm lại, việc xếp hàng dạt sang một phía trên thang cuốn vừa tạo sự thoải mái cho những người cần nhanh chóng băng qua nó, vừa hạn chế rủi ro tại nạn, lại tạo được hình ảnh hết xảy văn minh cho xứ này.
Tổng hợp
Ảnh: Internet