Hãy bơi ngược dòng. Hãy đi ngược lại. Hãy bỏ qua sự khôn ngoan theo lẽ thường - Sam Walton
Unilever có một lịch sử thú vị. Những bước đầu tiên hướng tới việc thành lập công ty được thực hiện vào năm 1927, khi hai nhà máy sản xuất bơ thực vật ở Hà Lan và Đức hợp nhất để tạo thành Margarine Unie. Sau đó, vào năm 1929, cả hai gia nhập Lever Brothers, một nhà sản xuất xà phòng của Anh. Điều này dẫn đến Unilever, vì tên của cả hai được trộn thành một.
Trải qua 93 năm, Unilever là một trong những tập đoàn lớn trong lĩnh vực dinh dưỡng, vệ sinh và chăm sóc cá nhân với hơn 400 nhãn hàng quen thuộc. Tất cả đều có độ nhận diện nhất định trong lòng người tiêu dùng, nhưng điều đặc biệt hơn cả là chúng không chỉ được nhớ tới một cách độc lập mà luôn gắn kèm với tập đoàn Unilever nổi tiếng, kèm theo chữ U xuất hiện trên góc bao bì mỗi sản phẩm cũng khiến người tiêu dùng chú ý.
“Soi” kĩ, người ta sẽ nhận ra 25 biểu tượng nhỏ từ chữ U ấy. Và, ít ai biết được ý nghĩa thật sự của chiếc logo tưởng như “hổ lốn” nhưng lại rất tinh tế và thuần nhất này.
Biểu tượng của Unilever được "lột xác" vào năm 2004. (Ảnh: Internet)
“Đoạn tuyệt” với phong cách công nghiệp và thiếu thân thiện
Khá thú vị: Dù được thành lập vào năm 1929 nhưng phải 40 năm sau, Unilever mới thông qua logo chính thức đầu tiên để đại diện cho thương hiệu của mình. Tuy không xác định được người thiết kế, và cũng không ấn tượng bằng logo hiện tại, logo đầu tiên cũng mang hình dạng và ý nghĩa phù hợp với thương hiệu. Trong đó, chữ U được cách điệu từ hình ảnh của tòa tháp đôi Trung tâm thương mại Thế giới cũ, một biểu tượng của sự phồn vinh lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, dù nói được nhiều điều về ý nghĩa và tham vọng của công ty, logo này vẫn chưa thật sự đủ. Hơn nữa, nó có thể gợi lên sự đáng tin cậy nhất định đối với các sản phẩm, nhưng phông chữ lại nhạt nhẽo và kém hấp dẫn. Thực tế, logo hiếm khi được xuất hiện trên bao bì của các sản phẩm, ngoại trừ việc thỉnh thoảng được chèn vào cuối các video quảng cáo của Unilever tại một số nước Đông Nam Á như Phillipines hay Malaysia.
Để rồi, tất cả đã thay đổi kể từ năm 2004. Unilever đã giới thiệu logo mới và họ bắt đầu quảng bá hình ảnh công ty một cách nổi bật hơn trên các sản phẩm của mình, kèm theo lời giải thích: Logo cũ quá mang tính công nghiệp và không đủ thân thiện với khách hàng.
Logo mới đã thay đổi hình ảnh thương hiệu một cách đáng kể, Không hẳn đi theo một hướng thiết kế khác nhưng nó đã mang nhiều ý nghĩa hơn ngoài sự đáng tin cậy và chất lượng. Đặc biệt, sau chiến dịch “lột xác” này, logo mới xuất hiện trên tất cả nhãn sản phẩm thuộc nhãn hàng trực thuộc Unilever. Đến giờ, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao một thương hiệu nổi tiếng lại quyết tâm tăng mức độ phổ biến như vậy sau khi thay đổi. Phải chăng, nó hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt mà thương hiệu này muốn khách hàng ghi nhớ về họ?
Sau khi thay mới, Unilever gắn logo lên hầu hết các sản phẩm của các nhãn hàng trực thuộc tập đoàn. (Ảnh: Internet)
Xứng tầm thương hiệu
Logo mới được Unilever kết hợp với Wolff Olins tạo ra. Miles Newlyn, nhà thiết kế chính, chia sẻ trên trang web của công ty khi nói về dự án này: “Logo bao gồm 25 biểu tượng được đan xen nhau một cách phức tạp để tạo thành một chữ U. Làm việc với giám đốc sáng tạo Lee Coomber, chúng tôi đã sử dụng một quy trình sáng tạo linh hoạt. Theo đó chúng tôi nghĩ về cách thức và những gì Unilever làm, trong khi các biểu tượng vẽ và chữ U được kết hợp đồng thời.”
Unilever logo chia làm 2 phần chính gồm phần biểu tượng và phần chữ tên của thương hiệu. Thoạt nhìn vào phần biểu tượng, ai cũng nghĩ đó là chữ U đại diện cho chữ cái đầu của Unilever. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, bên trong chữ U lại chứa đựng những hình vẽ khác nhau đại diện cho 25 sản phẩm thành công nhất của hãng. Theo Unilever, họ cam kết biến cuộc sống bền vững trở nên bình thường và logo là biểu hiện trực quan cho cam kết đó, với các biểu tượng nhỏ của chữ 'U' lớn màu xanh.
Mỗi biểu tượng đại diện cho những sản phẩm nổi tiếng và truyền tải thông điệp của hãng. (Ảnh: Internet)
Sun - Mặt trời: Nguồn ánh sáng và năng lượng tái tạo vô hạn, biểu trưng cho việc Unilever luôn hướng tới những sáng tạo để giảm tác động của hiệu ứng nhà kính đối với sản phẩm trong suốt vòng đời.
Dove - Chim bồ câu: Biểu tượng của tự do, quyền lực và lòng tự trọng.
Plant - Thực vật: Biểu tượng của thế giới tự nhiên, thể hiện cam kết của công ty trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường ở toàn bộ chuỗi giá trị của mình.
Spark - Tia lửa: Thể hiện vai trò của Unilever như một chất xúc tác cho sự thay đổi, nhằm nâng cao sinh kế của những người mà họ làm việc cùng trên khắp thế giới – kể từ các nhà cung cấp, nhà phân phối cho tới những người nông dân.
Chilli pepper - Ớt: Thể hiện cam kết của Unilever trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu nông nghiệp cho các sản phẩm một cách bền vững.
Spoon - Cái thìa: Một biểu tượng của dinh dưỡng, khẩu vị và nấu ăn. Nó thể hiện cam liên tục cải thiện hương vị và chất lượng dinh dưỡng ở tất cả sản phẩm thực phẩm của Unilever.
Bowl - Cái bát: Tượng trưng cho cam kết về việc dùng các nguyên liệu chất lượng và tạo nên những bữa ăn ngon, lành mạnh, đủ dinh dưỡng.
Flower - Hoa: Một biểu tượng của sự nhạy cảm, cẩn thận và sự tôn trọng của con người đối với vẻ đẹp, bao gồm cả vẻ đẹp của người tiêu dùng và vẻ đẹp của thiên nhiên.
Ice cream - Kem: Biểu tượng của sự chữa lành, niềm vui và tận hưởng.
Hand - Bàn tay: Một biểu tượng của sự nhạy cảm, cẩn thận và cần thiết, thể hiện cam kết giúp mọi người cải thiện sức khỏe và thói quen vệ sinh hàng ngày của Unilever thông qua các chương trình của mình.
Hair - Tóc: Một biểu tượng của vẻ đẹp và sự tự tin.
Lips - Đôi môi: Biểu tượng của sự giao tiếp, cởi mở và minh bạch.
Swirl - Xoáy: Thể hiện sự đam mê cũng như cách Unilever đề cao những hương vị tuyệt vời.
Fish - Cá: Đại diện cho thực phẩm tươi sống, biển và tài nguyên thiên nhiên.
Clothes - Quần áo: Một biểu tượng quen thuộc và không thể thiếu của Unilever, đại diện cho những sản phẩm làm sạch quần áo nổi tiếng của hãng, tạo nên cảm giác đẹp đẽ và tự tin.
Bee - Con ong: Thể hiện tinh thần cộng đồng của người dân và cam kết của họ trong việc tìm ra những sáng tạo để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Particles - Hạt: Cam kết tìm ra những cách thức sáng tạo mới để cải thiện cuộc sống của người tiêu dùng.
Packaging - Bao bì: Tượng trưng cho sự cống hiến với trải nghiệm người tiêu dùng cũng như cam kết về những sáng tạo cho điều này.
Transformation - Chuyển đổi: Một biểu tượng của chuyển đổi tích cực để tìm ra những phương thức kinh doanh bền vững mới.
Waves - Sóng: Là biểu tượng của sự sạch sẽ, tươi mới và mạnh mẽ.
DNA: Chuỗi xoắn kép, biểu tượng của di sản mạnh mẽ về sự thay đổi tích cực của Unilever, vốn là trọng tâm của hoạt động kinh doanh ngày nay.
Palm tree - Cây cọ: Tượng trưng cho sự tôn trọng với cây, rừng, sự phát triển và môi trường của thế giới tự nhiên.
Heart - Trái tim: Một biểu tượng của tình yêu, sự chăm sóc và sức khỏe, gắn với cam kết giúp giúp cải thiện sức khỏe và hạnh phúc.
Virtuous cycle - Chu kỳ: Một vòng tròn liên tục, thể hiện việc giảm thiểu các chất thải liên qua tới sản phẩm của Unilever.
Ở phần phông chữ, logo Unilever là kiểu chữ tùy chỉnh viết tay đầy cá tính, nằm dưới chữ U lớn để tôn lên vẻ sang trọng tinh tế. Và sự kết hợp ấy trên thực tế đã tạo ra một trong những logo có lẽ là thông minh và truyền cảm hứng nhất trên thế giới.
Những biểu tượng tạo nên sự độc đáo của logo. (Ảnh: Internet)
Triết lý xuyên suốt
Logo vốn luôn là phần quan trọng cho bất kì nhãn hàng nào. Nó không chỉ là biểu tượng để khách hàng ghi nhớ mà còn chứa đựng câu chuyện, giá trị, ước mơ và thông điệp của thương hiệu. Và, có nhiều thông tin lan truyền trên Internet, dù chưa được kiểm chứng, rằng logo này của Unilever trị giá 4 tỷ USD. Cho đến nay, chi phí để tạo ra logo vẫn được Unilever giữ kín. Nhưng có một điều chắc chắn, nó tạo ra bởi nhiều cuộc nghiên cứu và trải qua các vòng thảo luận phức tạp.
Cũng cần nhắc lại, vì là một công ty đa ngành hàng bao gồm 1600 sản phẩm khác nhau, rõ ràng rất khó để Unilever lan tỏa thông điệp chính với vô số thương hiệu và cũng không thể có được động lực tăng trưởng thống nhất. Do vậy, một logo đại diện, kết nối các sản phẩm của công ty và hướng đến khách hàng một cách đồng bộ là giải pháp hoàn hảo cho trường hợp này.
Các văn phòng công ty của nhãn hàng thuộc Unilever đều xuất hiện những biểu tượng này. (Ảnh: Internet)
Và thực tế, các doanh nghiệp thuộc Unilever trên 150 quốc gia đã chấp nhận ý tưởng có chung một biểu tưởng đầy sức sống này. Từ đó, họ có một định hướng chung trong các quyết định về đầu tư và dự án đổi mới. Điều này cũng đã mang lại kết quả tài chính tuyệt vời. Điển hình, theo Wolff Olins, trong suốt năm 2004, ngay sau khi có sự thay đổi độ nhận diện và thống nhất, các thương hiệu hàng đầu của Unilever đã tăng trưởng doanh thu 3,7%, trong khi đó lợi nhuận hoạt động tăng trung bình 15% một năm trong bốn năm liên tiếp.
Hiện tại theo báo cáo được chia sẻ trên trang web chính, Unilever đã có mặt trên hơn 190 quốc gia với 2,5 tỷ người sử dụng hơn 400 loại sản phẩm của họ mỗi ngày. Riêng tại Việt Nam, họ trở thành một trong những thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng nhất suốt mấy mươi năm qua với những sản phẩm như Lifebouy, P/S, Vim, Knorr...Tất cả không chỉ thuyết phục bởi chất lượng mà còn mang đến những thông điệp nhân văn thông gửi gắm đến khách hàng như trân trọng bữa ăn mẹ nấu, nhà vệ sinh sạch đẹp cho học sinh, phát triển bền vững cùng người nông dân,...
Lời người viết: Logo luôn là một phần không thể thiếu và quan trọng đối với bất cứ thương hiệu nào. Và, logo độc đáo hiện xuất hiện trên mọi sản phẩm của Unilever, cũng như tại các kệ hàng trên toàn thế giới, vẫn đang giúp họ truyền đi những thông điệp của mình.