Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động. Đây là cảnh báo UNICEF đưa ra trong một báo cáo toàn cầu mới về trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng.
Ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của các bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai, và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, trong khoảng thời gian trẻ ăn bổ sung - từ 6 tháng đến 2 tuổi, có đến 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm, và 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.
Đây được xem là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn đề suy dinh dưỡng tại Việt Nam càng thêm nặng nề.
Thực phẩm giàu chất Sắt cho mẹ bầu.
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019: “Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng” chỉ ra rằng trên thế giới cứ ba trẻ dưới năm tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân. Và cứ ba trẻ từ sáu tháng đến hai tuổi thì có hai trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt về thể chất lẫn trí não, khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.
Tại Việt Nam, số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017 đã được thống kê:
- 24% trẻ em dưới năm tuổi thấp còi
- 6% trẻ em dưới năm tuổi gầy còm
- 6% trẻ em dưới năm tuổi thừa cân
- Hơn 50% trẻ em dưới năm tuổi bị đói tiềm ẩn
Cũng theo Báo cáo trên, trẻ em càng lớn lên, việc tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh càng trở nên đáng báo động, chủ yếu là vì các hoạt động quảng cáo, tiếp thị không phù hợp, thực phẩm siêu chế biến tràn ngập ở các thành phố và cả những vùng sâu vùng xa, thức ăn nhanh và nước giải khát có chất tạo ngọt ngày càng sẵn có. So với năm 1975, ngày nay số trẻ em gái ở nhóm tuổi này mắc bệnh béo phì tăng gấp 10 lần và số trẻ em trai tăng gấp 12 lần.
“Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới nơi có nhiều trẻ em được sinh tồn, song quá ít trẻ em được phát triển khỏe mạnh. Nếu chúng ta có thể đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt ngay trong 1.000 ngày đầu đời, thì trẻ em sẽ có một nền tảng khởi đầu vững chắc. Có được dinh dưỡng tốt, nghĩa là đảm bảo phụ nữ mang thai nhận được các dưỡng chất đầy đủ, để cơ thể khỏe mạnh và nuôi con nhỏ phát triển tốt. Sau khi sinh, người mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, sau đó cho con ăn thêm dần các nhóm thực phẩm khác nhau bao gồm rau và hoa quả. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua, tuy nhiên, suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được và tỉ lệ thừa cân sẽ còn tăng.” Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ.
Cha mẹ hãy tìm hiểu về dinh dưỡng khi còn mang thai con, để con có thể phát triển khoẻ mạnh về thể chất và trí não.
UNICEF kêu gọi khẩn thiết các cơ quan tổ chức có trách nhiệm, các nhà tài trợ, các bậc phụ huynh, gia đình và doanh nghiệp cần phải giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách:
- Tăng quyền năng cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên để họ có nhu cầu và đòi hỏi thực phẩm dinh dưỡng thông qua cải thiện giáo dục về dinh dưỡng và áp dụng các chính sách có hiệu quả - ví dụ như áp dụng thuế đối với đồ ăn thức uống có đường - nhằm giảm nhu cầu sử dụng những đồ ăn thức uống không lành mạnh.
- Gây ảnh hưởng đến những nhà cung ứng thực phẩm để họ phải có các thực hành đúng đắn đối với trẻ em, thông qua việc khuyến khích sản xuất thực phẩm lành mạnh, thuận tiện, giá thành phải chăng và được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng.
- Xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua việc áp dụng những phương thức đã được chứng minh là có hiệu quả, như dán nhãn thực phẩm với thông tin chính xác, dễ hiểu và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tiếp thị những thực phẩm không lành mạnh cũng như các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
- Huy động các hệ thống hỗ trợ như y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục và an sinh xã hội – tăng cường kết quả đạt được trong việc cải thiện dinh dưỡng cho tất cả trẻ em.
- Thu thập, phân tích và sử dụng số liệu và bằng chứng có chất lượng tốt một cách thường xuyên nhằm định hướng hành động và đánh giá các kết quả đạt được.
Năm 2019 đánh dấu một mốc quan trọng đánh dấu kỷ niệm 30 năm phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.