VnExpress cho biết, năm 2021, trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP.HCM xét tuyển đại học theo 4 phương thức. Từ số liệu vừa được trường công bố, với phương thức 1, có đến 11/17 ngành không tuyển đủ thí sinh.
Cụ thể, ngành Kĩ thuật tài nguyên nước chỉ đáp ứng được 7,5% kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tuyển được 3 thí sinh. Ngoài ra, ngành Quản lí tài nguyên & Môi trường, cùng ngành Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững chỉ tuyển được 5 trường hợp; Thuỷ văn học 6 trường hợp.
Sĩ tử tham gia kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021. (Ảnh: Người Đưa tin)
Trái ngược với nhóm ngành trên, kết quả tuyển sinh của một số ngành khác lại khá khả quan. Ví dụ, số lượng thí sinh trúng tuyển ở Quản trị kinh doanh cao gấp 15,7 lần so với chỉ tiêu; Công nghệ thông tin gấp 8 lần; còn ngành Quản lí đất đai gấp 4,6 lần. Đây cũng là những ngành có điểm chuẩn cao nhất: Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin 24 điểm; Quản lí đất đai 22 điểm; những ngành còn lại dừng ở mức 15 điểm.
PGS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cho hay, những ngành không đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh đều nằm trong nhóm đặc thù thuộc khối ngành tài nguyên môi trường. Kết quả vừa rồi cũng cho thấy tình trạng thí sinh đăng kí lệch giữa các ngành khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo cân đối nguồn nhân lực.
Cũng theo PGS. Huỳnh Quyền, thực trạng này xảy ra ở một số trường đại học khác, trong đó các khối Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin được nhiều em ưa chuộng hơn cả.
Thí sinh trao đổi bài khi vừa hoàn thành kì thi. (Ảnh: Báo Bạc Liêu)
Liên quan đến tình hình tuyển sinh năm 2021, những ngày gần đây, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin nhiều sĩ tử đạt điểm cao, song vẫn trượt đại học. Báo Công an TP.HCM đưa tin, có đến 58 em nộp hồ sơ vào các trường thuộc khối Công an nhân dân đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn không trúng tuyển. Trước phản ánh từ báo chí, đại diện Cục Đào tạo thuộc Bộ Công an nhận định, các thí sinh này là chiến sĩ nghĩa vụ Công an tại ngũ, không đáp ứng được tiêu chuẩn về học lực (kết quả 3 năm THPT không đạt yêu cầu, có môn thuộc tổ hợp xét tuyển chỉ dưới 6,5 điểm).
Mọi quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách thức tuyển sinh đều được công bố rõ ràng trước khi thí sinh tham gia dự tuyển. Các quy trình tuyển sinh của Bộ Công an cũng đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy định. Do đó, hoàn toàn không có chuyện bỏ lọt thí sinh điểm cao.
Thí sinh đi nộp hồ sơ xét tuyển trong thời điểm trước khi có dịch. (Ảnh: Kênh Tuyển sinh)
Thanh Niên cho biết, cách đây ít ngày, tại cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo T.Ư, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề cập đến việc sẽ thực hiện đổi mới kì thi tuyển sinh theo từng bước, tiến tới việc việc tổ chức nhiều lần trong năm. Mục đích của phương án này là để các địa phương chủ động trong việc tổ chức và xây dựng đề thi, dựa theo tình hình thực tế của địa bàn, như trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh.
Cũng theo Thứ trưởng Sơn, điều này không gây ảnh hưởng đến thí sinh. Thông tin này nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, khá nhiều người đồng tình khi cho rằng, việc tổ chức kì thi nhiều lần sẽ giúp các tỉnh/thành chủ động, linh hoạt tại nhiều mốc thời gian khác nhau, đồng thời khắc phục được các tình huống xấu do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Hiện, những thông tin xoay quanh vấn đề thi cử, xét tuyển đang là chủ đề thu hút sự chú ý từ nhiều người. Bạn có quan điểm gì về những vấn đề trên? Chia sẻ cho YAN biết nhé!
MỘT ĐẠI HỌC KHÔNG TUYỂN THÍ SINH NÓI NGỌNG
Sư phạm được xem là một trong những ngành tuyển sinh thu hút dự chú ý. Theo đó, năm 2021, Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Với ngôi trường này, thí sinh được tham gia tuyển sinh qua 4 phương thức:
- Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021;
- Xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do trường đề ra;
- Xét học bạ THPT;
- Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với kết quả thi năng khiếu.
Một trong những quy định tuyển sinh gây chú ý chính là không tiếp nhận những em bị dị hình, dị tật, nói lắp, nói ngọng. Chính vì lí do này, nhiều em phát âm sai L, N rất lo lắng. Theo đó, cư dân mạng cho rằng, việc quy định như vậy khiến cho môi trường giáo dục sẽ đúng chuẩn hơn. Thầy cô giáo ảnh hưởng tới rất nhiều thế hệ, chính vì vậy, dễ hiểu khi người nói ngọng không đủ điều kiện dự thi.
Xem thêm TẠI ĐÂY!