Những thiết kế với mục đích 'quảng bá' hình ảnh dân tộc ra nước ngoài của các nhà thiết kế gần đây dường như ngày càng bị 'over'.
Vài năm trở lại đây, mỗi khi có người mẫu (đặc biệt là người mẫu nam) xuất ngoại trong những cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc tế thì y như rằng họ sẽ được khoác lên người những trang phục "độc đáo". Những loại "quần áo, mũ mão và vũ khí này" vẫn thường được gán ghép vào những mỹ từ như "cách điệu từ hình ảnh cổ truyền", "thể hiện sức mạnh, khả năng chiến đấu"...
Trang phục của Trương Nam Thành khi tham gia vào Manhunt của năm ngoái được cho là 'cách điệu' từ hình ảnh của Lạc Long Quân
Nhưng không ai chịu nhìn nhận rằng những hình ảnh này thật không liên quan gì đến những gì người Việt bao nhiêu năm nay được nghe. Cụ thể nhất là trang phục gần đây của Trương Nam Thành được cho là lấy hình tượng của Thánh Gióng nhưng lại lòe loẹt và rườm rà quá mức cần thiết.
Dẫu biết rằng, sáng tạo là quyền của nhà thiết kế, nhưng sáng tạo như thế nào để không đi quá xa "phiên bản gốc", cũng như thuyết phục được sự đồng cảm của người xem là điều mà không phải nhà thiết kế nào cũng tỉnh táo. Quay lại bộ trang phục dân tộc của Trương Nam Thành trong cuộc thi Mr World 2012, chiếc "roi sắt" được thay thế bằng "thanh gươm nhiều màu sắc", còn bộ giáp sắt lại được cách điệu với nhiều khoảng trống hơn nhằm khoe hình thể đẹp của Trương Nam Thành nhưng lại có quá nhiều chi tiết rườm rà. Chưa kể, hình ảnh, chất liệu, họa tiết được dùng trong bộ trang phục này gần như được bê nguyên xi từ chất liệu của manga Nhật Bản. Thậm chí thoạt nhìn bộ trang phục, nếu không được giới thiệu rõ ràng, dễ ngộ nhận Trương Nam Thành đang tham gia vào một buổi cosplay của cộng đồng otaku chứ không phải trang phục dân tộc của Việt Nam.
Nhìn chung bộ trang phục có thể được tóm tắt là 'mang đậm tính cóp nhặt' và "lòe loẹt quá mức cần thiết".
Để mặc bộ trang phục này lên người, Nam Thành cần tới 3 sự hỗ trợ.
Bộ trang phục được thực hiện bởi nhà thiết kế Lê Long Dũng với sự hỗ trợ của hai bạn trẻ Mộc Thanh và An Kha.
Nhà thiết kế Lê Long Dũng và Trương Nam Thành.
Các người đẹp (cả nam lẫn nữ) không thể quanh đi quẩn lại với áo dài trong phần thi trang phục dân tộc khi "mang chuông đi đánh xứ người", nhưng cũng không thể để các nhà thiết kế mặc sức sáng tạo nên những bộ trang phục dân tộc mang phong cách truyện tranh như hiện tại. Đến bao giờ Việt Nam mới có được những trang phục thật sự đậm nét dân tộc nhưng vẫn đủ độ hoành tráng để các người mẫu đọ sức với bạn bè đồng nghiệp quốc tế? Đành phải chờ câu trả lời từ những nhà thiết kế thật sự tài năng và chuyên nghiệp!