Mới đây, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Đáng nói, chỉ vài giờ trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND về việc ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn.
Công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.Hà Nội. (Ảnh: Báo Điện Tử - Đảng Cộng Sản Việt Nam)
Người Lao Động đăng tải, trong kế hoạch vừa được ban hành mới đây, UBND TP.Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế. Trong đó phải đặc biệt chú trọng đến việc yêu cầu hành khách nhập cảnh có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường rà soát các hành khách nhập cảnh có lịch sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...
Mới một tháng, thế giới đã ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm Omicron.
Trong kế hoạch ghi rõ: "Tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó".
Công tác phòng dịch được tăng cường tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Bộ Y tế)
Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường triển khai nhiều biện pháp khác nhau nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 với biến chủng Omicron.
Cụ thể là tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt các trường hợp có liên quan người nhập cảnh. Đặc biệt, tại sân bay, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép nhằm tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.
Theo yêu cầu từ UBND TP, các phòng xét nghiệm trên địa bàn phải chủ động phát hiện sớm các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Để làm được điều đó phải xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm gen RT-PCR dương tính nCoV.
Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm PCR. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai)
Dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính SARS-CoV-2, các phòng xét nghiệm phải lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích một trong 3 nhóm bệnh nhân sau để làm xét nghiệm giải trình tự gen: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron; người tái nhiễm Covid-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh); bệnh nhân trong các ổ dịch phức tạp có số mắc cao.
Đối với các trường hợp nghi ngờ khác, thành phố sẽ tiến hành tổ chức giám sát ngẫu nhiên tùy vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho các hành khách tại sân bay. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Dựa theo bản kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, ngay khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, lực lượng chức năng phải khẩn trương điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu.
Đồng thời tiến hành tìm kiếm, khoanh vùng những người tiếp xúc gần để kịp thời xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Sau đó theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, không qua khỏi...
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Quân Đội Nhân Dân)
Chỉ cách vài giờ sau khi UBND TP.Hà Nội ban hành hướng dẫn, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân này là hành khách K.V.H.M, vừa trở về từ Anh Quốc. Vào ngày 19/12, ông đã xuống sân bay Nội Bài. Tại đây, ông được test nhanh Covid-19 và có kết quả dương tính với nCoV. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Do vừa trở về từ Anh nên mẫu bệnh phẩm của ông đã được Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Đồng thời giải trình tự gene bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới. Qua đó phát hiện ra rằng bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
Ngay khi có kết quả khẳng định, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thuộc Bộ Y tế đã nhanh chóng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - nơi cách ly ca mắc Omicron đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Người Lao Động)
Trước khi phát hiện ca mắc Omicron đầu tiên, Hà Nội đã kịp thời đưa ra kịch bản ứng phó với biến chủng nguy hiểm này. Qua đó có thể thấy công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta đang được triển khai rất nhanh chóng, an toàn.
Vì vậy, trong khoảng thời gian này, bà con nên bình tĩnh, đồng thời chủ động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
SARS-COV-2 CÓ KHẢ NĂNG TỒN TẠI HƠN 200 NGÀY TRONG CƠ THỂ F0 HẬU COVID
Bloomberg đăng tải, mới đây qua nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã phát hiện thêm được một điều về sự phân bố và tồn tại của virus trong cơ thể và não bộ. Cụ thể, họ nhận thấy rằng sau khi xâm nhập vào cơ thể, mầm bệnh có khả năng nhân bản, thậm chí còn tái tạo bên ngoài đường hô hấp.
Vì vậy, nếu chậm thanh lọc virus ra khỏi cơ thể có thể dễ đến những di chứng kéo dài ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
Nói về điều này, Ziyad Al-Aly – giám đốc Trung tâm dịch tễ lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St Louis tại bang Missouri, Mỹ cho biết: “Trong một khoảng thời gian dài, chúng ta vẫn tự hỏi tại sao Covid kéo dài lại ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể người đến thế. Và nghiên cứu này đã giúp chúng ta hiểu ra vấn đề, giải thích lý do Covid có thể để lại di chứng với cả những người mắc ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.”