Không quốc gia nào từng suy sụp vì thương mại. – Benjamin Franklin
Thông thường khi nhắc đến mua hàng online ở Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Taobao, Tmall hay Jingdong - những sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc với lượng khách hàng khổng lồ cả trong và ngoài nước. Nhưng bây giờ, những con nghiện mua sắm online tại đây còn sung sướng hơn với những tiện ích mua hàng được tích hợp trên các nền tảng mạng xã hội.
Bởi đơn giản, thương mại trên mạng xã hội (Social Commerce) ở đất nước tỷ dân này là bước tiến tất yếu, khi thương mại điện tử đang là xu hướng của hiện tại và tương lai, còn các mạng xã hội với lượng người dùng siêu khủng, chẳng có lý do gì họ lại từ bỏ một nguồn kiếm lợi đang sẵn có như thế này.
Siêu tiện dụng
Mô hình Social Commerce đã được đầu tư từ sớm. Tháng 08/2014, Wechat công bố dự án “Wechat - Cuộc sống thông minh” cung cấp các giải pháp kinh doanh với vòng tròn mạng khép kín bao gồm: cổng thương mại điện tử, phân loại người dùng, bảo vệ và duy trì quan hệ khách hàng, dịch vụ sau bán hàng và bảo vệ quyền lợi.
Tháng 12 cùng năm, mạng xã hội Xiaohongshu chính thức ra mắt nền tảng thương mại điện tử mang tên “Fulishe”. Tiếp theo sau đó, Douyin (Tik Tok phiên bản Trung Quốc) và Kuaishou (tên quốc tế là Kwai) vào năm 2019 cũng nối bước tiến vào mảnh đất thương mại điện tử béo bở sau khi đã phát triển mạnh mẽ và sở hữu mạng lưới người dùng rộng lớn. Ngoài ra cũng phải kể đến hình thức ghép/lập nhóm mua/sử dụng dịch vụ chung của Pinduoduo, Shihuituan,...
Social Commerce ở Trung Quốc thật sự mở ra một thế giới mới khi dung hợp thành công cả hai xu hướng hiện đại là mạng xã hội và thương mại điện tử vào trong một ứng dụng. Người dùng một bên có thể dùng ứng dụng như một mạng xã hội, chia sẻ trạng thái hay kết giao bạn bè. Họ cũng có thể mua hàng dễ dàng với lượng hàng hóa đa dạng với những nguồn cung cấp không chỉ là các cá nhân mà còn có cả các thương hiệu từ nhỏ đến lớn. Cùng với sự tiện dụng và phổ biến của ví Wechat và Alipay, khách hàng khi mua hàng cũng có thể mua và thanh toán một cách nhanh chóng như khi mua ở sàn như Taobao hay Jingdong, không cần phải lăn tăn quá và tìm hiểu về phương thức thanh toán cho bên bán hàng.
Ngoài ra, các ứng dụng mạng xã hội tích hợp thương mại điện tử ở Trung Quốc hiện tại như Xiaohongshu hay Babytree đều có giao diện rất đẹp và dễ nhìn, phần mạng xã hội và thương mại điện tử được chia khu rõ ràng nhưng vẫn dễ tìm thấy ngay tại trang chủ. Người dùng một mặt có thể vừa lướt xem những video hay bài đăng thú vị trên mạng xã hội vừa tìm kiếm và mua hàng một cách nhanh chóng, một mặt có thể chia sẻ trải nghiệm hoặc giao lưu kết bạn với những người bạn trên mạng.
Đáng chú ý, các ứng dụng mạng xã hội kiêm thương mại điện tử ở Trung Quốc đều có yêu cầu nghiêm ngặt với phía bán hàng, đồng thời có chính sách bảo vệ người mua khá tốt, hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo hay bán những sản phẩm cấm. Kuaishou và Douyin là hai lính mới và các chính sách của hai ứng dụng này vẫn chưa hoàn thiện, nhưng những nỗ lực bổ sung về mặt này thời gian vừa qua cũng cho thấy nỗ lực họ bỏ ra trên đường đua Social Commerce này.
Bức ảnh miêu tả hệ sinh thái Social Commerce tại Trung Quốc (Ảnh gốc: Viện nghiên cứu ngành công nghiệp tiềm năng Trung Quốc)
Mạng lưới siêu khủng của đất nước tỷ dân
Thực chất, mô hình Social Commerce này không hẳn quá xa lạ trên thế giới. Năm 2016 Facebook đã cho ra mắt tính năng Marketplace trên ứng dụng, tạo ra một không gian cởi mở và tiện lợi cho người dùng thực hiện các hành động mua bán với hình thức C2C (hoạt động thương mại giữa cá nhân với cá nhân) là chủ yếu. Bên cạnh đó chức năng livestream của Facebook cũng được nhiều người dùng sử dụng làm phương tiện để bán hàng.
Tuy nhiên chức năng này của Facebook sau 5 năm ra mắt vẫn chưa thật sự có bước tiến dài, mặt khác, giao diện không nịnh mắt và lối tắt được “cất” khá kĩ cũng là một điểm yếu của Marketplace. Ngoài ra, tính năng này cũng không cho phép người dùng thanh toán ngay với một số cửa hàng bởi Facebook chỉ cho thanh toán ngay với những cửa hàng điều kiện, mà Marketplace lại quá nhiều cá nhân bán hàng không rõ ràng, và phía Facebook cũng không chịu trách nhiệm cho bất cứ “tai nạn mua hàng” nào của khách hàng về sau. Có lẽ Facebook còn phải cần khá nhiều thời gian để tối ưu Marketplace.
Tương tự, năm 2020 vừa qua cả Facebook và Instagram cũng đã cho ra mắt tính năng Instagram Shop/Facebook Shop, cho phép người dùng đăng ký tài khoản bán hàng chính thức trên mạng xã hội hình ảnh nổi tiếng này và đăng tải hình ảnh sản phẩm từ trang web lên Facebook với giao diện bán hàng khá đẹp mắt. Tuy nhiên, khách hàng nếu có nhu cầu thì vẫn phải mất thời gian tìm kiếm nếu không biết sẵn những thương hiệu hay cửa hàng, và khi mua hàng họ vẫn cần gửi tin nhắn cho người bán hoặc ấn vào liên kết dẫn đến trang web bán hàng để thanh toán, một phần bởi tiện ích Faebook Pay vẫn còn quá mới mẻ với người dùng.
Giao diện của Marketplace và Facebook Shop (Ảnh: cap màn hình)
Trong khi đó, cả thế giới phải ngả mũ trước Trung Quốc với những thông số mà Social Commerce đã mang lại cho nền kinh tế nước này. Cụ thể, theo eMarketer, doanh thu ước tính từ Social Commerce trong năm 2021 sẽ đạt được 363,26 tỷ USD, tăng đến 35,5% so với cùng kỳ của năm ngoái và gấp ba lần so với năm 2018, và gấp gần mười lần so với Mỹ với con số khiêm tốn 36,62 USD. Ngành thương mại mới này vào năm 2019 đã chiếm 11,9% thị phần thương mại điện tử Trung Quốc nói chung. Dự đoán sắp tới Social sẽ chiếm 13,1% thị trường thương mại điện tử tại nước này trong năm nay.
Ước tính doanh thu từ Social Commerce của trong năm nay Mỹ sẽ đạt được 36,26 USD, một mức tăng đáng kể so với 19,42 USD vào năm 20219. Tuy nhiên con số này vẫn chỉ mới bằng khoảng 1/10 so với Trung Quốc (Ảnh: eMarketer)
Những ứng dụng nổi bật
Hiện tại những ứng dụng đi theo hướng Social Commerce ở Trung Quốc đang không ngừng nở rộ, một số ứng dụng nổi bật có thể kể đến là Wechat, Xiaohongshu, Babytree, Douyin, Kuaishou,...
Wechat là một siêu ứng dụng lớn nhất Trung Quốc và tích hợp vô cùng nhiều tiện ích. Sự tiện lợi đó khiến Wechat trở thành nơi marketing và bán hàng không thể lý tưởng hơn dành cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Cụ thể, bên bán có thể tạo một tài khoản chính thức trên Wechat, đây là tài khoản được xác minh bởi Wechat và tất nhiên người dùng phải trả phí cho Wechat. Với tài khoản này người dùng có thể đăng tải hình ảnh và thông tin về sản phẩm một cách thẩm mỹ và chuyên nghiệp, đồng thời gửi những bài viết đó đến người tiêu dùng thông qua cách nhắn tin trực tiếp. Tuy nhiên cách này không hề làm phiền đến người dùng bởi tất cả được tích hợp trong một mục gọi là "Tin tức tài khoản đăng ký".
Khi mua hàng tại những tài khoản đã được xác minh này, người mua sẽ được dẫn liên kết đến một bên thứ 3 đã có hợp tác chiến lược với Wechat ngoại trừ Wechat Mall, đó có thể là Jingdong hay Youzan. Tất nhiên với ví Wechat, người dùng hoàn toàn không cần tốn quá nhiều thời gian cho thao tác thanh toán.
Wechat - siêu ứng dụng với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng đã khai thác Social Commerce từ rất sớm (Ảnh: AHIMHK)
Xiaohongshu
Xiaohongshu là một nền tảng mạng xã hội về phong cách sống và cũng là một cổng thương mại điện tử của Trung Quốc với hơn 100 triệu người dùng mỗi tháng, trong đó có 70% là những người dùng thuộc thế hệ trẻ là 9X trở về sau.
Được thành lập vào tháng 06/2013, đến tháng 12 cùng năm liền cho ra mắt cộng đồng chia sẻ mua hàng nước ngoài. Tháng 12/2014, Xiaohongshu chính thức cho ra mắt nền tảng thương mại điện tử mang tên “Fulishe”, từ một cộng đồng nhanh chóng thăng cấp trở thành sàn thương mại điện tử.
Xiaohongshu là thiên đường cho người trẻ tự do thể hiện cá tính, phong cách sống của mình. Với slogan “Đánh dấu cuộc sống của tôi”, ứng dụng này cho phép người dùng, dù mới sử dụng, dễ dàng chia sẻ những đoạn video ngắn, những hình ảnh, thông điệp về cuộc sống tươi đẹp tích cực.
Bên cạnh là một mạng xã hội, cổng thương mại điện tử của Xiaohongshu cũng đã tạo được chỗ đứng vững vàng và có hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Khi mua hàng tại Xiaohongshu khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm tất cả đều là hàng chính hãng. Và tất nhiên ở đây cũng thường xuyên có các chương trình giảm giá, khuyến mãi và các hoạt động vào các ngày lễ lớn như Thất Tịch hay 11/11.
Giao diện gọn gàng tích hợp cả mạng xã hội và sàn thương mại điện tử của Xiaohongshu (Ảnh: Cap màn hình)
Babytree
Nếu Xiaohongshu là thiên đường thuộc về người trẻ tự do thì Babytree là vùng đất dành cho những người phụ nữ chuẩn bị và đang làm mẹ của các em bé. Trang web Babytree ra đời vào ngày 08/03/2007 và đến tháng 5/2012 cho ra mắt ứng dụng di động Babytree Pregnancy. Mất thêm 3 năm, sàn thương mại điện tử của Babytree mang tên Meitunmama chính thức ra mắt, tạo ra một mô hình mới cộng đồng kết hợp với thương mại điện tử.
Người dùng của Babytree có thể ghi chú và theo dõi quá trình phát triển của thai nhi hoặc em bé ngay tại trang chủ của mình khi vừa mở ứng dụng. Bên cạnh đó cộng đồng mà Babytree tạo ra cho phép các bà mẹ trải nghiệm nhiều tính năng hữu dụng như tìm hiểu kiến thức về mang thai/nuôi trẻ, hỏi đáp, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các đoạn video ngắn, giao lưu,...
Còn sàn thương mại điện tử của Babytree tập trung kinh doanh các mặt hàng dành cho phụ nữ và cho em bé như mỹ phẩm, quần áo em bé, tã sữa,... Và tất nhiên là tất cả sản phẩm hiện diện trên sàn này đều là hàng chính hãng của các thương hiệu nổi tiếng, người dùng ngoài việc có một không gian chuyên biệt để chia sẻ niềm vui làm mẹ thì còn có thể thuận tiện mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân và các bé.
Babytree, một trong những nền tảng mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử thành công rực rỡ tại đất nước tỷ dân (Ảnh: Cap màn hình)
Douyin
Douyin (Tik Tok phiên bản Trung Quốc) cũng là một nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ những đoạn video ngắn, ra đời vào tháng 9/2016. Cho đến nay, Douyin đã phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, không chỉ tạo ra hàng loạt trend hot trong giới trẻ mà còn giúp những "võng hồng" (người nổi tiếng trên mạng) trên nền tảng này nổi tiếng và gia nhập giới giải trí. Và tất nhiên không nằm ngoài xu thế, Douyin cũng đã ra mắt "Douyin Mall" được tích hợp trên chính ứng dụng Douyin với mong muốn tạo ra một sàn thương mại điện tử của riêng mình.
Douyin Mall cho phép người dùng dễ dàng đăng ký cửa hàng trên ứng dụng với những điều kiện rất đơn giản: Có một tài khoản Douyin, lượng follow không dưới 1000 và tài khoản này phải có không dưới 10 tác phẩm đã được đăng tải. Người bán có thể đính kèm sản phẩm của mình trong những tác phẩm video, rất dễ dàng để tiếp cận khách hàng. Còn người mua khi lướt Douyin và tình cờ ưng ý một sản phẩm ở đó thì có thể ấn vào mua và thanh toán ngay.
Vì sinh sau đẻ muộn nên Douyin vẫn chưa thể tối ưu như những ứng dụng đi trước và vẫn gặp những ý kiến than phiền của khách hàng, tuy nhiên với sự đầu tư trước mắt có thể thấy hiện tượng mạng xã hội video ngắn này thật sự nghiêm túc với Social Commerce.
Douyin Mall, "người mới" trong cuộc đua Social Commerce (Ảnh: Cap màn hình)
LỜI NGƯỜI VIẾT
Social Commerce ra đời đưa sự tiện lợi mà con người hiện đại đang hướng đến tiến thêm một bước dài. Nó cũng giúp sự tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng chặt chẽ hơn so với thương mại điện tử truyền thống và giảm bớt áp lực tìm kiếm nguồn khách hàng cho doanh nghiệp. Và khi tạo ra một mô hình mới cho kinh doanh, đồng thời làm thay đổi các yếu tố như lối sống, quan niệm tiêu dùng, mối quan hệ giữa người bán và người mua... không có gì lạ khi Social Commerce là xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.