Bồ câu bị nhuộm lông, rùa bị vẽ lên mai, và hôm nay là cá "xăm mình". Vậy bạn sẽ nghĩ gì khi biết sự thật đằng sau hình ảnh những chú cá tung tăng bơi lội với chiếc vây sặc sỡ.
Xuất hiện trong khoảng ba năm trở lại đây, hai loài cá có tên “Hồng kén hoa” và “Tài phát hoa” được nhiều người ưa chuộng bởi nó là loại cá duy nhất có hình xăm.
Những hoa văn được xăm trên vẩy cá, tập trung chủ yếu ở hai bên phần thân. Theo người bán thì loài cá này bình thường có màu hồng hoặc hơi phớt vàng, sống rất khỏe và sinh trưởng tốt. Khi mới sinh chúng cũng bình thường như những loại cá cảnh nước ngọt khác, không có hoa văn trên vây. Nhưng với "kỹ thuật" xăm lên vây cá, người ta có thể xăm lên mình cá cảnh nhiều hình dạng ngộ nghĩnh như: hình hoa hồng, I love you, caro,...
Loại cá có hình xăm thường là giống cá hồng két, loại cá này có lớp vảy cứng và “thể lực” tốt để chịu được những đường xăm trên cơ thể.
Giá mỗi cặp cá “hồng kén hoa” 150.000 đến 300.000 đồng. Còn cá tài phát hoa có giá 200.000 đến 300.00 đồng/đôi, tùy kích cỡ cá và hình xăm trên từng loại cá.
Theo một số chủ hàng cá cảnh: "Trung bình đối với những giống cá hồng két thì giữ được 3, 4 tháng đối với những con xăm màu đậm 5 6 tháng, còn riêng đối với loài cá phát tài giữ được nhanh hơn khoảng 2, 3 tháng là sẽ mờ đi."
Các mũi kim xuyên vây cá khiến người ta khó dám nhìn thẳng.
Sau khi trào lưu này xuất hiện, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về việc xăm lên cá mặc dù người đăng giải thích rằng xăm lên vây cá hoàn toàn không ảnh hưởng tuổi thọ của cá.
Trước đây, các trào lưu vẽ hình, họa hình lên động vật để tạo nét khác biệt, lạ mắt, thích thú cho con người như: vẽ lên mai rùa, nhuộm lông bồ câu,...Nhưng sau đó những trào lưu này dần biến mất bởi vì không được sự ủng hộ của phần lớn người dân nhưng điều này đã để lại những vết tích dai dẳng mà chính những con vật đáng thương phải nhận lấy hậu quả.
Vẽ lên mai rùa trước đó cũng được CĐM săn tìm và lên án.
Một ý kiến cho rằng việc sơn vẽ hay tạo hình thêm cho động vật khác với hình dạng ban đầu chúng có là một việc làm tàn nhẫn đối với chúng. Một ví dụ với con người, chúng ta không khuyến khích nhau thay đổi màu da và với động vật cũng thế. Động vật bị thay đổi màu sắc hình thù có thể trông rất đẹp nhưng vốn dĩ chúng có tập tính đặc trưng, cấu tạo riêng, thích nghi cũng vậy.
Như bầy bồ câu trắng ở Nhà thờ Đức Bà trước đây bị nhuộm, đặc tính của loài bồ câu là sống bầy đàn và không kết giao với những con có màu sắc sặc sỡ, nhưng vì hành động của một số người mà những con bị nhuộm lông đã bị cô lập.
Nhiều người tỏ ra bất bình trước việc "xăm mình" cho cá.
Tuy nhiên đó chỉ là nhuộm, chưa ảnh hưởng đến da thịt của chúng. Đối với loài cá, khi xăm lên vây muốn lưu lại hình cần phải vào sâu hơn bên trong vây, như vậy loài cá cần có bộ vây thật khỏe và sức chịu đựng cũng tương tự.
Nhiều người nước ngoài tỏ ra xót xa khi thấy bộ lông sặc sỡ của những chú bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà.
Nhớ lại câu chuyện đuổi đàn khỉ phá phách trên rừng Thượng du Việt Nam, với ớt và cơm nguội, người ta dụ cho khỉ tới bốc ăn rồi dụi mắt cay xè nằm lăn ra, họ chỉ cần bắt hai con, sơn một con mặt xanh một con mặt đỏ rồi thả đi. Khi chạy về bầy, chúng sẽ tự cắn xé và rượt nhau khắp cả Trường Sơn chỉ vì con nào trông con nào cũng "lạ hoắc" và từ đó không con nào đến phá phách hoa màu của người dân nữa.
Bạn nghĩ sao về việc thay đổi tập tính ban đầu của động vật? Và để phục vụ cho nhu cầu và mục đích của riêng con người điều này có đáng được đồng tình?