Các cô các cậu học trò ít khi nào chịu ngồi yên và ngoan ngoãn mà cứ thích “tối tạo” ra những trò nghịch ngợm “bá đạo”, đơn cử là trào lưu mới mang tên “Thầy cô VS Dụng cụ học tập” gần đây.
Trào lưu "bá đạo" cực... "sáng tạo"
Với trào lưu này, các “thánh” nghịch ngợm sẽ “canh me” xem hôm nay thầy cô mặc trang phục màu gì, như thế nào và nhanh chóng tìm một món dụng cụ học tập có màu sắc và kiểu phối hợp y hệt như thế ấy, cuối cùng là một bức ảnh mang đậm phong cách “thầy cô và dụng cụ học tập là đôi bạn thân” ra đời!
Thưa cô, em vừa tìm được em gái sinh đôi của cô ở... phía cuối lớp. (Ảnh: Internet)
"Mốt" của các thầy cô bây giờ là hóa trang thành dụng cụ học tập? (Ảnh: Internet)
Em vừa mua được cục tẩy với giá rẻ bất ngờ và rất vui khi biết nó cũng xinh đẹp giống cô. (Ảnh: Internet)
Có hẳn một bộ sưu tập hoành tráng luôn nhé. (Ảnh: Internet)
"Vòng eo A4" hay "đầu gối iPhone 6" là xưa rồi, nay thầy em "lăng xe" xu hướng "bo-đì" com-pa nhé. (Ảnh: Internet)
Đến nước này thì thầy cô cũng cạn lời với các em... (Ảnh: Internet)
Cô giáo em là nguồn cảm hứng bất tận cho các thiết kế vật dụng trong lớp học. (Ảnh: Internet)
Độ hài hước của trào lưu này thì khỏi phải bàn cãi, nhưng để có được một tấm ảnh đúng chuẩn trào lưu thì "không phải dạng vừa" đâu nhé! Nào là phải tìm "đỏ con mắt" cho ra một vật dụng giống y hệt bộ trang phục của thầy cô. Chưa hết, lại còn phải nhìn trước ngó sau, "canh me" thật kĩ lúc chụp ảnh mới thoát khỏi nguy cơ được "vinh danh" trong sổ đầu bài.
Thầy cô chúng ta nói gì?
Khi "khám phá" ra một trong những "trò mèo" mà các học sinh đang làm khi mình quay lưng viết bảng, các thầy cô sẽ có phản ứng và suy nghĩ như thế nào?
Thầy Vĩnh Sang, giáo viên trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: “Nếu trò ‘troll’ này diễn ra ngay trong lớp học thì mình sẽ hơi không hài lòng, vì đó là làm việc riêng trong giờ học. Còn lại thì mình không chấp nhất lắm, tuổi học trò mà, phải nghịch ngợm tí mới vui. Mình thường hay thích dạy mấy lớp cá biệt hoặc “nhoi nhoi” hơn là mấy lớp hiền và trầm quá. Có lẽ do mình còn trẻ, cá tính cũng sôi nổi nên có cách nghĩ hơi khác với các giáo viên lớn tuổi”.
Thầy Vĩnh Sang - giáo viên trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Cũng phản ứng trước trào lưu "nhất quỷ nhì ma" này với một tâm thái thoải mái, thầy Trương Văn Tuấn - giáo viên Ngữ văn tại một trường THPT ở Bến Tre, nói: "Nếu tôi trở thành nạn nhân của trò này chắc mình sẽ có chút xíu bối rối để hình dung về việc: nếu giống với đồ vật như vậy thì là đẹp hay xấu. Sau đó chắc tôi cười suốt mấy ngày". Không những vậy, thầy Tuấn còn tỏ ra thích thú, thậm chí... khen ngợi óc sáng tạo, hài hước và độ nhanh tay lẹ mắt của những bạn học sinh này: "Tôi có lời khen những bạn học sinh này, vì để tạo nên một bức ảnh như vậy trước hết các bạn phải có khả năng quan sát, liên tưởng, óc hài hước. Đồng thời, nhiều bức ảnh trong số này chắc không phải dễ dàng mà chụp được. Có tấm là do nhanh tay chớp lấy khoảnh khắc tình cờ. Nhưng có tấm là do: từng thấy trang phục giáo viên, từng thấy đồ dùng giống thế, rồi các bạn trông chờ một cơ hội “tái ngộ” để đặt hai đối tượng này vào một khung ảnh".
Mặc dù khá thoải mái và thông cảm với trào lưu nghịch ngợm này của các học sinh nhưng cả hai thầy giáo đều gửi lời khuyên rằng không nên quá sa đà vào trào lưu này để rồi ảnh hưởng đến các bạn khác và chất lượng học tập của bản thân. Thầy Vĩnh Sang "tự thú" rằng mình cũng thuộc "tuýp người thích để cho trí tưởng tượng bay cao bay xa, nhưng các em cũng không nên sa đà quá vào việc đùa giỡn này mà ảnh hưởng đến nề nếp lớp học".
Còn thầy Trương Văn Tuấn kể lại một trải nghiệm của bản thân với trò nghịch ngợm của học sinh: "Các bạn nên có điểm dừng hợp lí. Như trường hợp của tôi cách đây không lâu, một học trò của lớp mình chủ nhiệm đã ghép mặt tôi vào ảnh chụp tượng nữ thần tự do rồi đăng lên mạng xã hội. Đấy là xuất phát từ tình cảm yêu quí mà học trò dành cho mình. Tuy nhiên một khi bức ảnh được đăng lên mạng thì không còn là chuyện riêng của thầy và trò nữa mà nó được nhiều người trông vào, đánh giá".
Dù trào lưu có vui, hài hước, sáng tạo đến mức nào đi chăng nữa thì nó cũng sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến bản thân và những người xung quanh. Lớp học cần những giây phút vui vẻ để thầy trò hiểu và xích lại gần nhau hơn, tuy nhiên cũng cần biết giới hạn để không gây ra những hiểu lầm không đáng có.