Từ lâu, trào lưu chế ảnh đã trở thành một trong những thói quen của cư dân mạng. Đi dạo khắp vòng các fanpage, ở đâu cũng những tấm ảnh chế được chuyền tay nhau.
Có thể nói, xuất phát từ mục đích “vui là chính”, nên việc chế ảnh càng ngày càng được “phổ biến” trong cộng đồng mạng. Và mới đây, đang “làm mưa làm gió” trên khắp các trang mạng xã hội chính là trào lưu chế ảnh nhân vật cố tích như Bạch Tuyết, Lọ Lem, Nàng tiên cá hay tất tần tật các nhân vật hư cấu từ truyện cổ tích.
Xuất nguồn từ ý tưởng “chế ảnh cho vui” cộng hưởng vào việc Facebook cho phép người dùng bình luận bằng hình ảnh, những bức ảnh chế các nhân vật cổ tích luôn được đính kèm các dòng chữ như “Tuyệt vời”, “Chị thích”… nhìn vui mắt, nghe vui tai và nhanh chóng nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng. Thế nhưng, mọi chuyện sẽ không có gì để bàn cãi nếu nó chỉ dừng lại ở mức độ vui nhẹ nhàng đó.
Càng ngày, những bức ảnh chế này càng lệch lạc và đi theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Xuất hiện nhan nhản những nhân vật cổ tích với các bình luận đi kèm càng lúc càng khiếm nhã đến kệch cỡm. Không dừng lại ở những tấm hình xuất hiện trong các bình luận, những fanpage ăn theo trào lưu cũng xuất hiện với mục đích tổng hợp tất cả các hình ảnh chế này để thu hút cộng đồng mạng bấm like và chia sẻ với nhau. Và thật bất ngờ rằng, chỉ mới trong một thời gian ngắn, mà những trang fanpage này đã có được số lượng bấm like và theo dõi trang lên đến con số chục nghìn, và không hề có dấu hiệu dừng lại ở đó.
Xuất hiện và nhận được nhiều sự yêu thích của giới trẻ, nhưng cũng chính sự lố lăng quá đà trong từng tấm ảnh chế với bình luận thô tục đã khiến không ít cư dân mạng tự cảm thấy phản cảm và “quay lưng” lại với trào lưu này. Một vài cư dân mạng chia sẻ: “Lúc đầu thấy vui vui nên mình thích và cũng có sử dụng hình ảnh, vui là chính thôi. Nhưng khi nghe em gái hỏi về những tấm ảnh của mấy công chúa cổ tích sao lại có những dòng chữ như vậy, nghĩa là gì thì mới giật mình nhìn lại, mọi thứ có vẻ đã đi quá xa rồi”, hay một bạn trẻ khác cũng bất bình: “Nhìn những nhân vật cổ tích từng một thời thân thuộc với mình trong tuổi thơ, lại xuất hiện với những dòng chữ thô tục thật kệch cỡm sao đó. Thật sự là rất phản cảm"
Những nàng công chúa ngoan hiền, những chàng hoàng tử oai phong hay những mụ phù thủy đại diện cho cái ác luôn được lấy làm tấm gương răn dạy trẻ thơ đã bị biến tướng một cách lố lăng, đầy thô thiển. Chính sự lan tràn của trào lưu này cùng chiều hướng tiêu cực, những bình luận thô tục được đem ra sử dụng lố tay đã đem lại một dấu trừ rất nặng cho trào lưu “vui là chính” này.
Chính chúng ta cũng đã từng một thời sống với những câu chuyện cổ tích. Liệu những hành động chế ảnh cổ tích đến mức độ lố lăng, thô tục này phải chăng đang phá hỏng hết những hình ảnh đẹp của thế giới cổ tích, cũng như quay lưng lại với chính tuổi thơ của mỗi người.
Cái gì thì cũng nên dừng đúng giới hạn của nó, đi quá giới hạn không những gây phản cảm cho người khác mà còn tự biến chính mình thành những con người kệch cỡm đầy thô thiển mà thôi.
Bài viết cộng tác cho chuyên mục Giải trí vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected]