Với các bậc làm cha mẹ, đặc biệt là những người trẻ mới làm quen với công việc này, việc nuôi con thật nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Bất cứ thay đổi nào dù là nhỏ nhất của con, cũng khiến cha mẹ lo lắng, liệu rằng có nguy hại và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không?
Nhiều cha mẹ luôn thắc mắc rằng con mình có đang phát triển bình thường hay không, khi phát hiện những dấu hiệu kì lạ ở bé. Vậy bạn hãy theo dõi một số biểu hiện được tổng hợp dưới đây, nếu con bạn cũng đang ở trong tình trạng tương tự, thì hoàn toàn không có gì đáng ngại cả.
Trẻ sơ sinh thường xuất hiện những dấu hiệu kì lạ khiến cha mẹ băn khoăn.
Bé có vẻ ngoài kì lạ
Bất cứ phụ huynh nào đều hi vọng con mình sẽ được trắng trẻo xinh đẹp, nên khi mới đón con chào đời, nhiều người không tránh khỏi sửng sốt. Đầu bé đôi khi bị bẹt, trên đỉnh đầu có một vị trí mềm và luôn phập phồng. Bé khoác lên mình một lớp lông mỏng gọi là lông tơ. Mặt bé có thể bị sưng lên, còn mắt lúc nào cũng nhắm nghiền. Tay chân xuất hiện những vệt màu xanh, hoặc những đốm đen trên da đầu... Tùy cơ địa của từng bé, có thể sẽ có nhiều những biểu hiện khác nhau, nhưng đó đều là những kết quả mà khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ để lại, nên bố mẹ đừng lo lắng quá nhiều về vẻ ngoài có phần “lạ lùng” của bé nhé!
Dân gian thường gọi đây là “cứt trâu”, mẹ dùng chanh hoặc lá tắm cho con là sẽ đỡ ngay thôi!
Bé chỉ là đang thay lớp da mới mịn màng hơn thôi mẹ ơi!
Bé hắt hơi hoặc nấc nhiều
Khi bé hắt hơi nhiều, các bậc cha mẹ lo lắng rằng con bị cảm, cúm hoặc dị ứng.Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lớp niêm mạc mũi chưa phát triển hoàn thiện, không khí hoặc một chút cặn sữa đều có thể gây phản xạ hắt hơi hoặc nghẹt mũi nhẹ ở trẻ. Bé cũng có thể thể đã hít phải một chút nước ối khi được sinh ra, và nhờ hắt xì, bé sẽ đẩy hết những chất này ra, nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
Hắt hơi không có nghĩa là con bị ốm đâu mẹ nhé!
Tương tự, với dấu hiệu bé nấc nhiều lần trong ngày, các bác sĩ đã chỉ ra. Nguyên nhân là do sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại. Bé thường nấc kéo dài vài phút và có thể nấc 3-4 lần trong một ngày. Mẹ có thể giảm nấc cho bé bằng cách không cho bé bú sữa quá no, sau khi ăn nên bế bé ở tư thế cao đầu khoảng 10 phút,... Hiện tượng này sẽ dần biến mất khi bé lớn hơn, vì vậy ba mẹ không cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra đâu nhé.
Bé phát ra những âm thanh lạ khi ngủ
Khi ngủ, trẻ sơ sinh có thể gây ra các âm thanh lạ, mẹ hãy xem đây là hiện tượng rất bình thường của trẻ. Bởi khi mới sinh ra mũi trẻ rất nhỏ, chỉ một chút đờm dãi hoặc bụi bẩn cũng sẽ gây tắc và khiến tiếng thở tạo nên âm thanh khác thường. Mẹ chỉ cần chú ý vệ sinh mũi cho bé, nhỏ nước muối với nồng độ phù hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ là được.
Nếu bé phát ra âm thanh lạ khi ngủ thì mẹ cũng đừng lo nhé!
Ngực và bộ phận sinh dục to bất thường
Mặc dù biểu hiện này có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực chất cũng chỉ vì bé đã tiếp xúc với hooc-môn của người mẹ suốt quá trình lớn lên trong bụng, và do sự phát triển bình thường của các bộ phận này. Dần dần, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, nên mẹ không cần quá hoang mang. Nhưng nếu có những dấu hiệu khác như các vết hoặc đốm đỏ xuất hiện xung quanh kèm sốt, mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.
Điều này không có gì đáng lo ngại nhưng bố mẹ cũng đừng lơ là nhé!
Các bộ phận cũng như các cơ quan của trẻ sơ sinh vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện, vậy nên sẽ xuất hiện những biểu hiện lạ lùng. Mẹ không cần phải quá lo lắng vể điều này, nhưng nhất định cũng không được chủ quan, hãy quan sát và chăm sóc con thật kĩ để con được phát triển khỏe mạnh mẹ nhé!
Như vậy, các bậc cha mẹ đã được giải đáp thắc mắc xoay quanh những biển hiện lạ bên ngoài của bé rồi phải không nào? Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lơ là và hãy chăm sóc bé thật tốt nhé!
Ảnh: Internet