TP.HCM lên kế hoạch thí điểm cho học sinh cuối cấp đi học trực tiếp

14:30 19/11/2021

VnExpress cho biết, sáng ngày 19/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT về việc lên kế hoạch năm học 2021-2022. Dự kiến, kế hoạch dạy và học trực tiếp của Sở sẽ được hoàn thiện trong tuần này, sau đó đơn vị sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm. Kế hoạch cũng sẽ được triển khai đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.Thủ Đức, quận, huyện và các sở, ngành liên quan để có sự thống nhất, đồng bộ.

 
Học sinh học tập trực tiếp tại trường. (Ảnh: Pinterest)
Học sinh học tập trực tiếp tại trường. (Ảnh: Pinterest)

Theo Chủ tịch thành phố, việc cho học sinh đi học trực tiếp là việc lớn và rất khó, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội cũng như phụ huynh, học sinh. Chính vì vậy, thành phố phải bàn bạc, chuẩn bị kĩ để việc mở cửa lại trường học đảm bảo yếu tố an toàn, tránh trường hợp mở cửa rồi lại tiếp tục đóng. Ông Mãi yêu cầu ngành giáo dục phối hợp với Sở Y tế TP.HCM phối hợp rà soát các yếu tố như: tỉ lệ tiêm chủng vaccine, cơ sở vật chất, các phương án an toàn trước khi cho học sinh đi học trực tiếp.

Trong đó, những cơ sở giáo dục từng được trưng dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch phải được sửa chữa, và dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Thầy cô và học sinh trong độ tuổi từ 12-17 phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày. Đồng thời, mỗi đơn vị trường học cũng cần lên phương án xử lí nếu không may xảy ra tình huống bất ngờ nào đó. Các phương án phải có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để công tác xử lí được bình tĩnh, hiệu quả.

 
Học sinh đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo an toàn phòng dịch. (Ảnh: Tạp chí Sao)
Học sinh đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo an toàn phòng dịch. (Ảnh: Tạp chí Sao)

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khi hội đủ những yếu tố trên, ngành giáo dục sẽ thí điểm mở cửa trường học với khối lớp 9 và 12 ở những khu vực vùng xanh ổn định, thầy trò ít có sự xáo trộn. "Các em đủ lớn để có thể chủ động trong nhiều tình huống", ông Mãi chia sẻ.

Về khối mầm non, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị các bên liên quan nghiên cứu phương án mở cửa thí điểm cơ sở giáo dục mầm non, dựa trên nguyên tắc là có sự đồng thuận lớn từ phụ huynh. Nếu kết quả thí điểm dừng ở mức tốt, sẽ đánh giá thêm để tiếp tục triển khai.

 
Học sinh ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là địa phương duy nhất tại thành phố được đi học trực tiếp. (Ảnh: Báo Lao động)
Học sinh ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là địa phương duy nhất tại thành phố được đi học trực tiếp. (Ảnh: Báo Lao động)

Căn cứ theo lộ trình mở cửa trường học được Sở GD-ĐT báo cáo vào sáng cùng ngày, việc tập huấn cho giáo viên, cán bộ về công tác phòng, chống dịch sẽ được diễn ra vào đầu tháng 12; tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 9 và 12 trước ngày 5/12. Học sinh đi học trực tiếp từ ngày 10/12, bắt đầu từ khối 9 và 12, sau đó lần lượt đến các khối khác. Mốc thời gian dự kiến đi học tại trường vẫn giữ nguyên. Còn thời gian tổ chức các công việc trên được đẩy lên sớm lên khoảng 1 tuần so với kế hoạch được ban hành trước đó.

Hiện, thông tin về việc TP.HCM sẽ thí điểm cho học sinh cuối cấp THCS và THPT đi học trực tiếp đang là chủ đề nhận được sự quan tâm của dư luận. Hi vọng tình hình dịch tại TP.HCM sẽ ngày càng được kiểm soát, để các em sớm được trở lại trường gặp bạn bè, thầy cô.

Đón xem tin tức mới nhất trên YAN!

TP.HCM DỰ KIẾN CHO HỌC SINH TẠI CÁC VÙNG HỌC TẬP THẾ NÀO?

Được biết, vào ngày 8/11 vừa qua, đại diện Sở GD-ĐT thành phố cũng đã có báo cáo về phương án cho học sinh đi học trực tiếp. Theo đó:

- Địa phương thuộc cấp độ dịch 1 và cấp độ 2: Được tổ chức giảng dạy trực tiếp tại trường; tuy nhiên cần đáp ứng một số yêu cầu.

- Với địa bàn cấp độ 3: Tổ chức dạy học kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tùy theo tình hình thực tế mà cá địa phương có quyết định riêng.

- Địa phương trong vùng dịch cấp độ 4: Tiếp tục dạy học trực tuyến và qua truyền hình; thầy cô cũng sẽ giao bài tập cho học sinh tự học tại nhà.