Sau thời gian giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn cẩn trọng trong việc đưa mọi hoạt động của địa phương trở về bình thường. Đối với các phương tiện vận tải, từ máy bay, tàu hỏa cho đến xe khách đã dần trở lại nhưng không hoạt động hết công suất.
Với xe buýt, phương tiện công cộng được nhiều người sử dụng sẽ có quy định nghiêm ngặt hơn, đặc biệt theo thông tin mới đây thì các hành khách đi xe sẽ phải thực hiện khai báo y tế. Đây được xem là biện pháp phòng dịch thiết thực, giúp việc kiểm soát dịch Covid-19 được tốt hơn.
Thời gian giãn cách xã hội, xe buýt tại nhiều tỉnh thành đã phải ngừng hoạt động, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Niên).
Hành khách đi xe buýt phải thực hiện khai báo y tế
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đưa ra thông báo về các quy định trong việc phòng chống Covid-19 đối với hoạt động của xe buýt trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, yêu cầu hành khách đi xe buýt phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian ở bến xe, trạm dừng và trên xe buýt. Đồng thời, hành khách phải thực hiện việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe, chấp hành việc giữ khoảng cách an toàn, không khạc nhổ bừa bãi và hạn chế tối đa việc nói chuyện, ăn uống trên xe.
Hành khách phải ngồi giãn cách để đảm bảo việc phòng dịch. (Ảnh: VTV).
Trên xe, hành khách phải được bố trí ngồi cách nhau một hàng ghế hoặc đảm bảo cách nhau tối thiểu 1 mét, phương tiện cũng không được chở quá 50% sức chứa. Đối với nhóm hành khách sống chung trong một gia đình có thể không cần thực hiện giãn cách. Toàn bộ phương tiện sau khi hoạt động đều phải được khử trùng như lau chùi ghế ngồi, tay vịn, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn.
Các hành khách nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... cần thông báo gấp đến nhân viên phục vụ trên xe hoặc liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
>> Có thể bạn chưa xem: Cục Hàng không xử nghiêm các hãng bay hủy chuyến nhưng không hoàn tiền
Quy định phòng dịch dành cho các đơn vị vận tải
Cũng trong thông báo của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ phải trang bị đầy đủ nước rửa tay khử trùng trên mỗi phương tiện. Các lái xe, nhân viên phục vụ buộc phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian làm việc, tiến hành theo dõi sức khỏe bản thân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải dán thông tin hướng dẫn cho hành khách, thông báo kịp thời khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở. Trên xe, nếu hành khách có những biểu hiện này thì cần yêu cầu họ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời, nhân viên phục vụ phải báo về đơn vị để báo cáo lại cho Trung tâm.
Các đơn vị vận tải cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. (Ảnh: Giáo dục thời đại).
Các phương tiện giao thông có thể mở được cửa sổ thì không sử dụng máy lạnh, còn các phương tiện không thể mở cửa sổ được phép sử dụng máy lạnh nhưng đặt nhiệt độ trên 26 độ C. Trên mỗi chuyến xe buýt cần chuẩn bị máy đo thân nhiệt để kiểm tra nhiệt độ cho hành khách, đồng thời yêu cầu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Hành khách trước khi lên xe được yêu cầu khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế giấy theo hướng dẫn của ngành y tế.
Xe buýt nếu không mở được cửa thì có thể bật máy lạnh trên 26 độ C. (Ảnh: Người Lao Động).
>> Có thể bạn quan tâm: Lễ 30/4 -1/5: Đơn vị vận tải cần đảm bảo chất lượng, cấm tăng giá vé
Sẽ xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ việc phòng dịch
Theo báo Thanh Niên, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Các lái xe, nhân viên phục vụ có quyền từ chối các hành khách không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, quy định phòng chống dịch Covid-19.
Hành khách đi xe buộc phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch. (Ảnh: Thanh Niên).
Được biết, theo phương án tổ chức hoạt động vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng từ ngày 23/4, các tuyến xe buýt không trợ giá được phép hoạt động trở lại theo cách khai thác của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng.
Đến thời điểm hiện tại, tuyến xe được hoạt động trở lại từ ngày 28/4 chỉ có tuyến Bến xe Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bến xe Biên Hòa (Đồng Nai) với lộ trình không thay đổi. Hệ thống xe buýt có trợ giá đến nay vẫn đang tạm ngừng và cơ quan quản lý có thể sẽ công bố những tuyến được hoạt động trở lại sau ngày 3/5 tới đây.
Các tuyến xe buýt sẽ dần hoạt động trở lại. (Ảnh: Báo Giao thông).
>> Xem thêm: Hành khách đi máy bay, tàu hỏa, xe khách phải thực hiện khai báo y tế
Trở lại sau giãn cách xã hội, các hoạt động vận tải đều phải thực hiện đúng, đủ các quy định phòng dịch Covid-19 chứ không riêng gì xe buýt. Việc khai báo y tế sẽ đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt hơn và hi vọng, mỗi hành khách sẽ thực hiện tốt quy định này.
Cùng cập nhật những tin tức cộng đồng với YAN nhé!
CÁC ĐƠN VỊ VẬN TẢI HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI SAU THỜI GIAN GIÃN CÁCH XÃ HỘI
Sau thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị vận tải lần lượt hoạt động trở lại nhưng không hoạt động hết công suất và phải đảm bảo việc phòng dịch.
Đối với ngành hàng không, các đường bay nội địa tăng lên trông thấy và riêng đường bay Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là 20 chuyến khứ hồi/ngày.
Trong những ngày giãn cách, vận tải hành khách liên tỉnh phải dừng hoạt động, nhưng sau ngày 22/4, các chuyến xe bắt đầu trở lại nhưng chỉ hoạt động ở mức độ 30 - 50% công suất.
Về vận tải đường sắt, các chuyến tàu Bắc - Nam, đặc biệt tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được phục vụ 3 đôi chuyến/ngày, tức 3 chuyến từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh và 3 chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội.
Xem thêm chi tiết TẠI ĐÂY!
Các diễn biến mới nhất về dịch Covid-19 sẽ liên tục được cập nhật TẠI ĐÂY!