Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn điều chỉnh một số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.
Trong nội dung được đưa ra, có nhắc đến việc bỏ quy định các cơ sở trên phải kết thúc hoạt động trước 22 giờ hàng ngày. Đồng thời, ở vùng xanh và vàng (cấp độ 1 và 2), các quán ăn, nhà hàng...cũng sẽ được tiếp tục thí điểm bán đồ có cồn đến hết ngày 31/12.
Từ nay đến 31/12, các quán ăn tại TP.HCM có thể hoạt động sau 22 giờ. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Tuổi Trẻ đăng tải, sau khi nhận được đề xuất từ Sở Công thương, UBND TP.HCM đã xem xét, chỉ đạo tiếp tục thí điểm cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12, với điều kiện tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong công văn 3818.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao cho chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tăng cường kiểm tra đột xuất mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ đồ uống có cồn trên địa bàn. Nếu trường hợp nào không chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Sau thời gian thí điểm, các địa phương sẽ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công thương tổng hợp, đề xuất UBND TP.HCM.
Thời gian gần đây, TP.HCM liên tục gia tăng số ca không qua khỏi do Covid-19.
Trong công văn số 3818 UBND TP.HCM ban hành ngày 16/11 có nêu rõ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đáp ứng đủ mọi quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Với địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới.
Ở cấp độ 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ nhưng không vượt quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán hay để khách sử dụng đồ uống có cồn. Cuối cùng là khu vực có cấp độ dịch ở mức 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.
Nhân viên và đầu bếp của quán ăn phải đeo khẩu trang nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. (Ảnh: Thanh Niên)
Cũng trong báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, trong thời gian thí điểm vừa qua, hầu hết cơ sở kinh doanh ăn uống đã tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Hiện tại cũng chưa có cơ sở nào xác định việc kinh doanh ăn uống, phục vụ đồ uống có cồn làm lây lan Covid-19.
Trong khi đó, theo nhận định của Sở Công thương, việc thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và giải tỏa áp lực tâm lý của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội vừa qua.
Thời gian vừa qua, các quán ăn đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng dịch. (Ảnh: Người Lao Động)
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, dù đi đâu, làm gì, bà con cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Đồng thời không ngừng nâng cao sức khoẻ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa Covid-19.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
CHUYÊN GIA LÊN KỊCH BẢN ỨNG PHÓ OMICRON XÂM NHẬP VÀO TP.HCM
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã khiến cho toàn thế giới e ngại. Ngay tại Việt Nam, các chuyên gia cũng đã lên kịch bản nhằm ứng phó với biến chủng nguy hiểm này. Đặc biệt là ở khu vực TP.HCM - nơi từng bị biến thể Delta bao trùm.
Theo ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, Omicron có tốc độ lây nhiễm cao, vì vậy hoàn toàn có thể xâm nhập và lây lan tại Việt Nam. Thậm chí, ông còn khẳng định việc biến thể này xuất hiện ở nước ta chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vì vậy, kể cả khi chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy biến chủng này “hiền” hay “dữ", Việt Nam vẫn cần phải đề phòng Omicron.