Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM những ngày gần đây đang có chuyển biến mới phức tạp hơn. Không chỉ gia tăng F0 mà địa phương này còn xuất hiện nhiều ca không qua khỏi dù đã tiêm 1-2 mũi vaccine.
Bệnh nhân Covid-19 nhập viện được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo. (Ảnh: Người Lao Động)
Cụ thể, báo Thanh Niên đăng tải, sau khi tiến hành thống kê số ca nhiễm Covid-19 không qua khỏi có tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine, đến thời điểm này, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận sau 2 ngày, có 17 ca tiêm đủ 2 mũi và 26 ca tiêm 1 mũi ra đi.
Điều tra lịch sử dịch tễ, cơ quan chức năng xác định, đa phần những bệnh nhân này đều là trường hợp có bệnh lý nền.
Cụ thể, trong ngày 10/11, toàn TP.HCM có 43 ca không qua khỏi, trong đó có 39 ca nhiễm Covid-19 kèm theo bệnh nền; 2 ca không qua khỏi do bệnh nền kèm mắc Covid-19. Sau đó, đến ngày 12/11, thành phố tiếp tục có thêm 38 bệnh nhân ra đi, trong đó, 34 ca là mắc Covid-19 kèm bệnh nền; không có trường hợp trẻ em không qua khỏi.
Số ca mắc mới gia tăng khiến ngành y tế gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Bên cạnh nguyên nhân từ bệnh nền thì số trường hợp bị tăng huyết áp nhiễm Covid-19 không qua khỏi cũng tăng lên. Bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn thông tin trên Thanh Niên, từ 1/10 đến 6/11, đơn vị ghi nhận 58 F0 không qua khỏi, trong đó có 3 ca tiêm 2 mũi, 3 ca tiêm 1 mũi...
Đáng nói, có 33 ca mắc bệnh nền không qua khỏi do tăng huyết áp, 20 ca tiểu đường, 8 ca bị tim mạch, ngoài ra còn các vấn đề khác như thận mạn tính... Chủ yếu những ca này khi nhập viện đều đã nặng, phải thở máy và không thể chuyển viện vì có thể đối mặt tiên lượng xấu trên đường đi.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng xác nhận, trong vòng 1 tuần qua, đơn vị có 7 F0 không qua khỏi, bao gồm 2 ca tiêm 1 mũi và 5 ca chưa tiêm mũi nào.
Vaccine vẫn là biện pháp tốt nhất để đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh: VTV)
Trước mối lo này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM giải thích, không thể có chuyện 100 người tiêm đủ vaccine thì cả 100 người đều không nhiễm bệnh. Tùy loại vaccine mà có thể có khoảng trên dưới 20 người không may dương tính, nhưng không nặng và khi khỏi bệnh thì sẽ có miễn dịch.
Khoảng 80 người còn lại sẽ đủ miễn dịch để không mắc bệnh hoặc bệnh quá nhẹ nên không biết. Những người này khi hết bệnh họ sẽ càng tăng thêm miễn dịch, tuy nhiên thời gian sau mũi 2 càng lâu thì càng dễ mắc bệnh hơn. "Như vậy, sau khi chích đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 thì hãy hòa nhập càng sớm càng tốt để tăng thêm người có miễn dịch và miễn dịch cộng đồng bền vững. Nhưng cần chữa tốt những bệnh nặng, đặc biệt đã đủ 2 mũi nhưng vẫn nặng", báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ Khanh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, người lớn tuổi, người nguy cơ cao cần được bảo vệ vì đáp ứng miễn dịch của họ khá kém dù đã tiêm đủ 2 mũi. Theo bác sĩ Khanh, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid-19 nên hạn chế cho những đối tượng này hòa nhập, đồng thời tiêm mũi 3 cho họ. Trường hợp nhiễm Covid-19 cần phát ngay gói thuốc C – Mulnopiravir kể cả khi nhiễm bệnh không triệu chứng để giảm tải lượng virus.
Người cao tuổi thuộc đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. (Ảnh: Thành Ủy TP.HCM)
Còn Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, tất cả người trên 60 tuổi nhiễm Covid-19 đều nên nhập viện theo dõi ngay vì đối với họ, diễn biến bệnh khá khó lường. Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm túc 5K để hạn chế lây lan.
Mặc dù ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh đã tiêm vaccine nhưng không thể phủ nhận đây là lá chắn tốt nhất bảo vệ chúng ta trước tác động của Covid-19. Hơn nữa, những người tiêm đủ 2 mũi không may ra đi chủ yếu đều có bệnh nền, vì vậy hãy chấp hành nghiêm quy định chống dịch và tiêm vaccine ngay khi đủ điều kiện để dịch sớm dập tắt.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
F0 TĂNG, CHUYÊN GIA Y TẾ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC TIẾP TỤC GIÃN CÁCH XÃ HỘI
Trước diễn biến có thêm nhiều người mắc Covid-19, nhiều người đã bày tỏ lo ngại liệu có tiến hành giãn cách xã hội như trước đó hay không.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư/Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM bày tỏ quan điểm: "Trong thời gian tới, tôi nghĩ các địa phương có thể thực hiện những biện pháp phòng dịch cổ điển như hạn chế tiếp xúc, đi lại, thậm chí phong tỏa, giãn cách nếu cần thiết để hạn chế sự lây lan virus."
Phó Giáo sư/Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng thuộc Bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm trên và nhấn mạnh nếu chúng ta chủ quan, lơ là thì dịch có thể bùng lại rất nghiêm trọng.