TP.HCM tiếp tục chi hàng nghìn tỉ đồng hỗ trợ bà con khó khăn qua app

17:45 26/09/2021

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2021, TP.HCM sẽ tiến hành chi trả hỗ trợ đợt 3 cho hơn 7,3 triệu người trên địa bàn thành phố. Tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ này vào khoảng 7.347 tỉ đồng được triển khai qua ứng dụng App SafeID Delivery do QTSC phát triển.

 
Giao diện thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đợt 3 qua app. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Giao diện thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đợt 3 qua app. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tập trung thẩm định và hoàn tất phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 3 trước ngày 26/9. Đồng thời, danh sách cần được gửi về QTSC trước ngày 26/9 để cập nhật thông tin lên hệ thống quản lý chi trả phạm vi toàn thành phố.

Chủ UBND 312 xã, phường, thị trấn phải lập danh sách nhân sự phụ trách thực hiện hỗ trợ đợt 3, mỗi nơi 40 người để QTSC cung cấp tài khoản, hướng dẫn cài đặt và sử dụng điện thoại khi chi trả tiền.

Mỗi quận, huyện và Thành phố Thủ Đức có 2 tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng phòng Lao động – Thương binh & Xã hội để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn. Tương tự, mỗi đơn vị xã, phường sẽ có 1 tài khoản quản trị do chủ tịch UBND phụ trách.

 
Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở quận Tân Bình, TP.HCM nhận quà hỗ trợ. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở quận Tân Bình, TP.HCM nhận quà hỗ trợ. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)


Người Sài Gòn rưng rưng nước mắt nhận tiền hỗ trợ.

Mức hỗ trợ đợt 3 là 1 triệu đồng/người, chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy theo đăng kí của từng người. Trong đợt này sẽ có 5 nhóm đối tượng thuộc diện được chi trả tiền như sau:

1. Thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.

2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hiện đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

3. Người phụ thuộc của đối tượng 2 gồm cha mẹ, vợ chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

 
Nhiều đối tượng không có thu nhập sẽ được nhận trợ cấp. (Ảnh: Công Đoàn)
Nhiều đối tượng không có thu nhập sẽ được nhận trợ cấp. (Ảnh: Công Đoàn)

4. Cha mẹ, vợ chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một căn hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 có hoàn cảnh thực sự khó khăn đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

5. Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

 
Mức hỗ trợ đợt 3 sẽ là 1 triệu đồng/người. (Ảnh: Lao Động)
Mức hỗ trợ đợt 3 sẽ là 1 triệu đồng/người. (Ảnh: Lao Động)

Những người đang được hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 sẽ không nằm trong diện trợ cấp đợt 3 của thành phố.

UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng. Ngoài ra, cần đảm bảo chi đúng, chi đủ, không trùng lặp và không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.

Như vậy sắp tới sẽ có thêm nhiều người được giúp đỡ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra tại TP.HCM. Số tiền này có thể hỗ trợ họ phần nào giảm bớt khó khăn để duy trì cuộc sống hàng ngày. 

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

BÀ CON TP.HCM CẦN LÀM GÌ ĐỂ NHẬN TIỀN HỖ TRỢ MÙA DỊCH?

TP.HCM đã thực hiện chi trả nhiều đợt hỗ trợ cho bà con trong suốt mùa dịch. Để nhận được tiền, những người thuộc nhóm đối tượng chi trả trong từng đợt phải chủ động liên hệ tổ trưởng dân phố, khu phố hoặc công an khu vực nơi mình sinh sống để được hướng dẫn về các thủ tục đăng kí.

Đồng thời họ phải kê khai thông tin yêu cầu hỗ trợ theo mẫu để tổng hợp danh sách gửi chính quyền thẩm định. Nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục được gửi lên cấp trên xét duyệt.

Đối với các cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp là người có trách nhiệm lập danh sách lao động bị hoãn, nghỉ việc không lương do dịch, báo cáo cơ quan BHXH để tiến hành đối chiếu, xác nhận điều kiện.

Xem thêm tại đây!